Ngân hàng câu hỏi môn ngữ văn 8 - Học kì II

doc11 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 4111 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Ngân hàng câu hỏi môn ngữ văn 8 - Học kì II, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngân hàng câu hỏi môn ngữ văn 8 - Học kì II

Câu 1 (Kiến thức tuần 1)
Chức năng chính của câu nghi vấn là gì?

Đáp án: Dùng để hỏi.

Câu 2 (Kiến thức tuần 1)
Tâm tư của tác giả được gửi gắm trong bài thơ “Nhớ rừng “là gì?

Đáp án:
- Niềm khát khao tự do mãnh liệt.
- Niềm căm phẫn trước cuộc sống tầm thường, giả dối.
- Lòng yêu nước kín đáo và sâu sắc.

Câu 3 (Kiến thức tuần 1)
Căn cứ vào nội dung bài thơ “Nhớ rừng” hãy giải thích vì sao tác giả mượn lời con hổ ở vườn bách thú, việc mượn lời đó có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện nội dung cảm xúc của nhà thơ?

Đáp án:
- Tác giả mượn lời con hổ để bộc lộ một cách kín đáo, sâu sắc nỗi chán ghét thực tại và khao khát tự do mãnh liệt.
- Tạo cho bài thơ có nhiều lớp nghĩa, tạo tính khách quan của cảm xúc.
- Giai đoạn 1930 - 1945 nước ta đang ở trong vòng nô lệ của thực dân Pháp, đây là bài thơ được đăng lên báo chắc chắn bị bọn thực dân kiểm duyệt vì vậy tác giả phải mượn hình tượng con hổ để nói lên tâm sự thầm kín của mình.

Câu 4 (Kiến thức tuần 2)
Trong bài thơ “Quê Hương”, Tế Hanh đã so sánh “cánh buồm” với hình ảnh nào?

Đáp án: Mảnh hồn làng.

Câu 5 (Kiến thức tuần 2)
Cách đặt tên bài thơ “Khi con tu hú” của tác giả có gì đặc sắc?

Đáp án:
Nhan đề của bài thơ đó chưa phải là một câu, mới chỉ là một mệnh đề phụ. Tên bài thơ tự nó đặt ra câu hỏi: Khi con tu hú cất tiếng hót thì điều gì sẽ sảy ra? Nội dung bài thơ là câu trả lời cho câu hỏi đó.
Cách đặt tên bài thơ như vậy là một sự gợi ý cho người đọc về tâm trạng của người tù cách mạng khi nghe tiếng hót của tu hú từ ngoài vọng vào trong ngục.

Câu 6 (Kiến thức tuần 2)
Phân tích cái hay của câu thơ:
Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Đáp án:
Câu thơ hàn chứa ba vẻ đẹp:
- Các động từ giương, rướn nói về sức vươn mạnh mẽ.
- Cách so sánh độc đáo: cánh buồm - mảnh hồn làng khiến cho người đọc nhận thấy cả hình xác và linh hồn sự vật. Tất cả gần gũi nhưng thiêng liêng cao cả.
- Màu sắc và tư thế của con thuyền làm tăng thêm vẻ đẹp lãng mạn và bay bổng của hình tượng.

Câu 7 (Kiến thức tuần 3)
Dấu hiệu nhận biết câu cầu khiến?

Đáp án:
- Sử dụng từ cầu khiến.
- Thường kết thúc câu bằng dấu chấm than.
- Sử dụng ngữ điệu cầu khiến.

Câu 8 (Kiến thức tuần 3)
Em có nhận xét gì về nhan đề bài thơ “Tức cảnh Pác Bó”?

Đáp án:
“Tức cảnh” là ngắm cảnh mà có cảm xúc, nảy ra tứ thơ, lời thơ. “Tức cảnh sinh tình” là ngắm cảnh mà có cảm xúc muốn làm thơ. Đây là một lối làm thơ truyền thống của cha ông ta xưa. Bác Hồ vốn là người có hiểu biết sâu rộng về thơ văn cổ nên Bác dùng lối xưa mà viết bài thơ này.

Câu 9 (Kiến thức tuần 3)
Nguyễn Trãi đã từng ca ngợi “Thú lâm tuyền” trong bài thơ “Côn Sơn ca”. Hãy cho biết thú lâm tuyền ở Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh có gì giống nhau?

Đáp án:
Giống: 
- Cả hai đều hòa hợp với thiên nhiên, yêu thiên nhiên sâu sắc, tìm thấy trong chốn lâm tuyền một cuộc sống thanh cao.
Khác: 
- Nguyễn Trãi tìm về thú lâm tuyền vì bất mãn thời cuộc nên từ bỏ công danh phú quý, lánh đục tìm trong để giữ mình trong sạch - là một ẩn sĩ.
- Bác tìm đến chốn lâm tuyền để hoạt động cách mạng, tìm cách cứu dân tộc, cứu đất nước ra khỏi vòng nô lệ lầm than - một chiến sĩ.

Câu 10 (Kiến thức tuần 4)
Bài thơ “Ngắm trăng” thuộc thể thơ gì?

Đáp án: Thất ngôn tứ tuyệt

Câu 11 (Kiến thức tuần 4)
Có người cho rằng “Nhật kí trong tù” là “cuộc vượt ngục về tinh thần” của Bác. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Hãy chỉ ra điều đó trong bài thơ.

Đáp án:
Nhận xét này chính xác: Song sắt nhà tù trở nên vô nghĩa. Nhà tù có thể giam cầm Bác về thể xác nhưng không thể giam hãm tinh thần tự do của Bác.

Câu 12 (Kiến thức tuần 5)
Nêu vắn tắt nội dung, ý nghĩa của bài thơ “Đi đường”?

Đáp án:
Từ những ngày tháng tù đày gian nan vất vả, Người suy ngẫm đến một tư tưởng lớn lao hơn: con đường cách mạng là lâu dài và vô cùng gian khổ, nhưng nếu kiên trì, bền chí vượt qua mọi gian nan thử thách thì nhất định có ngày sẽ được đứng trên đỉnh cao tột cùng của thắng lợi vẻ vang.
Bài thơ chỉ bốn câu, bình dị mà cô đọng, ý và lời chặt chẽ, lôgic vừa tự nhiên, chân thực, vừa chứa đựng tư tưởng sâu xa, thâm trầm.

Câu 13 (Kiến thức tuần 5)
Tên nước ta thời nhà Lý là gì?

Đáp án: Đại Việt

Câu 14 (Kiến thức tuần 5)
Trình bày các chức năng của câu trần thuật? Lấy ví dụ.

Đáp án:
Chức năng của câu trần thuật thường dùng để kể, thông báo, nhận định, miêu tả…
Ngoài chức năng chính câu trần thuật còn dùng để yêu cầu, dề nghị hay bộc lộ cảm xúc, tình cảm… (vốn là chức năng chính của các kiểu câu khác)
Lấy được mỗi chức năng một ví dụ.

Câu 15 (Kiến thức tuần 5)
Ngày nay, sau gần một nghìn năm bài “Chiếu dời đô” ra đời (1010) , được tiếp xúc với “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, em có suy ngĩ và cảm xúc gì về ông cha ta thời nhà Lý?

Đáp án:
Chiếu dời đô ra đời đã gần 1000 năm, nhưng vẫn khiến chúng ta ngỡ ngàng trước cái nhìn sáng suốt và ý chí cao cả của ông vua đầu thời nhà Lý, đồng thời phản ánh khát vọng, ý chí xây dựng một đất nước độc lập, thống nhất và bền vững của dân tộc ta từ bao đời nay.

Trong lịch sử, triều đại nhà Lý đã tồn tại từ năm 1010 đến năm 1225, tức là 215 năm. Thực tế lịch sử về sự bền vững của triều đại nhà Lý càng làm cho chúng ta tự hào hơn về quá khứ hào hùng của cha ông ta.

Câu 16 (Kiến thức tuần 6)
Dòng nào nói đúng nhất dấu hiệu nhận biết câu phủ định?

Đáp án: Là câu có những từ ngữ phủ định như: không, chẳng, chưa...

Câu 17 (Kiến thức tuần 6)
Trong bài “Hịch tướng sĩ” nét đặc sắc nghệ thuật nào đã tạo nên sức thuyết phục người đọc bằng cả nhận thức và tình cảm?

Đáp án: Lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn giàu cảm xúc, kết hợp hài hòa giữa lí và tình.
- Câu văn biền ngẫu đối xứng với những hình ảnh của văn chương cổ có sức khơi gợi mạnh mẽ
- Cách liệt kê kể ra liên tiếp các hoạt động sai trái của tướng sĩ dể khuyên răn bày tỏ thiệt hơn.
- Dùng điệp cấu trúc câu “Chẳng những … mà …” để nêu lên sự liên kết chặt chẽ những sự việc muốn bày tỏ.
- Sử dụng câu hỏi tu từ độc đáo, xoáy sâu vào lòng người đọc.

Câu 18 (Kiến thức tuần 6)
Qua “Chiếu dời đô” và “Hịch tướng sĩ”, em hãy nêu nên nét giống nhau và khác nhau giữa hai thể loại chiếu và hịch

Đáp án:
* Giống nhau: 
- Cả hai loại văn này đều nhằm mục đích ban bố công khai, là lời của bề trên nói với kẻ dưới.
- Đều là thể văn nghị luận, kết cấu chặt chẽ, lập luận sắc bén, có thể được viết bằng văn xuôi, văn vần hoặc văn biền ngẫu.
* Khác nhau:
- Chiếu dùng để ban bố mệnh lệnh.
- Hịch dùng để kêu gọi, cổ vũ, thuyết phục nhằm mục đích khích lệ tinh thần tình cảm.

Câu 19 (Kiến thức tuần 7)
Các câu trong đoạn trích “Nước Đại Việt ta” thuộc về lớp hành động nói nào.

Đáp án: Hành động trình bày

Câu 20 (Kiến thức tuần 7)
Nước ta mang tên là Đại Việt từ bao giờ?

Đáp án:
Năm 1010, Lý Thái Tổ đổi tên nước từ Đại Cồ Việt thành Đại Việt và dời đô về Thăng Long.
Năm 1400, Hồ Quý Ly cưỡng ép vua Trần nhường ngôi cho nình và lập ra triều Hồ, đổi quốc hiệu là Đại Ngu.
Năm 1428, Lê Lợi chính thức nên ngôi, lập ra triều đại nhà Lê (Hậu - Lê), khôi phục lại tên nước là Đại Việt.

Câu 21 (Kiến thức tuần 7)
Hãy nêu những nét mới và sâu sắc trong tư tưởng của Nguyễn Trãi so với bài “Sông núi nước Nam”?

Đáp án:
Nét mới của Nguyễn Trãi:
- Quan niệm về quốc gia, dân tộc hoàn chỉnh hơn. Trong “Sông núi nước Nam”, tác giả mới nói đến hai yếu tố: lãnh thổ và chủ quyền; còn trong “Nước Đại Việt ta”, Nguyễn Trãi bổ sung thêm ba yếu tố: văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử dân tộc.
- Sự sâu sắc thể hiện ở chỗ Nguyễn Trãi khẳng định văn hiến và truyền thống lịch sử là yếu tố cơ bản nhất cho sự tồn tại bền vững của một quốc gia độc lập.

Câu 22 (Kiến thức tuần 8)
Thế nào là luận điểm trong một bài văn nghị luận?

Đáp án: Luận điểm là những tư tưởng, quan điểm, chủ trương cơ bản mà người viết nêu ra trong bài văn nghị luận.

Câu 23 (Kiến thức tuần 8)
Khi trình bày luận điểm trong đoạn văn nghị luận cần chú ý điều gì?

Đáp án:
- Thể hiện rõ ràng, chính xác nội dung của luận điểm trong câu chủ đề. Trong đoạn văn trình bày luận điểm, câu chủ đề thường được đặt ở vị trí đầu tiên (đối với đoạn văn diễn dịch) hoặc cuối cùng (đối với đoạn văn quy nạp).
- Tìm đủ các luận cứ cần thiết, tổ chức lập luận theo một trình tự hợp lí để làm luận điểm.
- Diễn đạt trong sáng, hấp dẫn để trình bày luận điểm có sức thuyết phục.

Câu 24 (Kiến thức tuần 8)
Từ bài tấu “Bàn về phép học” của Nguyễn Thiếp em có suy nghĩ gì về mục đích và phương pháp học của bản thân?

Đáp án: Học sinh chỉ rõ:
- Mục đích học của mình là gì?
- Phương pháp học của bản thân như thế nào để đạt được mục đích đó.

Câu 25 (Kiến thức tuần 9)
Nguyễn Ái Quốc là tên gọi của chủ tịch Hồ Chí Minh thời kì nào?

Đáp án: Thời kì Bác hoạt động cách mạng ở nước ngoài.

Câu 26 (Kiến thức tuần 9)
Em có suy nghĩ gì về cách tác giả đặt tên cho văn bản là “Thuế máu”?

Đáp án:
“Thuế máu” là việc đặt tên một cách hình tượng có sức gợi cảm của tác giả. Chính cách định danh này đã phản ánh và có sức tố cáo mạnh mẽ những thủ đoạn bóc lột tàn nhẫn của chế độ thực dân ở các nước thuộc địa. Đó là biến người dân các nước thuộc địa thành vật hy sinh cho các cuộc chiến tranh phi nghĩa của chính quyền thực dân.

Câu 27 (Kiến thức tuần 9)
Qua đoạn trích “Thuế máu”, em cảm nhận được gì từ tấm lòng tác giả Nguyễn Ái Quốc?

Đáp án:
Qua đoạn trích, ta thấy tác giả vạch trần sự thật tội ác bằng những tư liệu phong phú, xác thực, với tấm lòng của một người yêu nước, thương nòi. Tuy khách quan trong việc đưa ra sự việc, nhưng ta vẫn thâý trong các câu văn như trào dâng niềm căm hận, xót xa, thương cảm của một con người có tấm lòng nhân hậu bao la, một con người suốt đời vì dân vì nước Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Câu 28 (Kiến thức tuần 10 1 phút)
Thế nào là hành vi “Cướp lời” (xét theo cách hiểu về lượt lời) ?

Đáp án: Nói khi người khác chưa kết thúc lượt lời của người đó.

Câu 29 (Kiến thức tuần 10)
Trình bày ý nghĩa của “Đi bộ ngao du”?

Đáp án:
Chỉ có đi bộ ngao du thì con người mới được tự do tiếp cận với những chân lí, tri thức khoa học thực sự.
Nhờ đi bộ con người sẽ cường tráng về thể lực, vĩ đại về đầu óc và thư thái về tâm hồn để họ sống dễ chịu, có thể tận hưởng cuộc sống đầy đủ như nó vốn có.

Câu 30 (Kiến thức tuần 10)
Qua văn bản “Đi bộ ngao du” em hiểu gì về con người và tư tưởng, tình cảm của Ru-xô?

Đáp án:
- Lòng yêu quí tự do sâu sắc.
- Lòng ham học hỏi.
- Lòng yêu mến thiên nhiên.
- Thích sống giản dị.
- Giáo dục thế hệ trẻ học phải đi đôi với hành, thấm nhuần tư tưởng tự do.

Câu 31 (Kiến thức tuần 11)
Mục đích của việc lựa chọn trật tự từ trong câu là gì?

Đáp án: Thể hiện quan niệm của người nói về sự việc được nói đến trong câu.

Câu 32 (Kiến thức tuần 11)
Câu thơ:
Đẹp vô cùng, tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt.
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát.
Chuyến phà dào dạt bến nước bình ca.

Nhà thơ Tố Hữu đặt cụm từ “đẹp vô cùng” trước cụm từ “tổ quốc ta ơi” nhằm mục đích gì?

Đáp án:
- Nhấn mạnh cái đẹp của non sông đất nước vừa sạch bóng quân thù sau 9 năm kháng chiến chống Pháp.

Câu 33 (Kiến thức tuần 11)
Viết hai đoạn văn ngắn, mỗi đoạn dùng một câu sau:
- Con chó cắn con mèo.
- Con mèo bị con chó cắn.
 (Lưu ý: Có thể thêm bớt, thay đổi từ ngữ nhưng giữ được trật tự từ)

Đáp án: Viết đoạn văn đúng yêu cầu.
Tham khảo đoạn văn sau:
Con chó nhà em rất đẹp. Em rất quí nó. Thế mà, cũng có lúc em đã đánh nó. Chẳng là, một hôm, trên đường đi học về, em thấy con chó nhà em đang cắn con mèo nhà hàng xóm. Tức quá, vơ được cái gậy, em quật cho nó một cái. Con mèo nhà hàng xóm bị con chó nhà em cắn. Nó đau lắm, nhưng không hề rên một tiếng…

Câu 34 (Kiến thức tuần 12)
Nêu cách đưa các yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận?

Đáp án:
- Phải xuất phát từ nhu cầu nghị luận.
- Các yếu tố tự sự và miêu tả được đưa vào phải phù hợp với luận điểm, luận cứ phải phục vu cho việc làn rõ luận điểm, luận cứ và không phá vỡ mạch lạc của văn bản.

Câu 35 (Kiến thức tuần 12)
Nêu nhận xét của em về tính cách của ông Giuốc-đanh sau khi học xong đoạn trích “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” ?

Đáp án:
- Ngu dốt vì chẳng biết gì về lễ phục nhưng lại thích sang. Kết quả là bị lợi dụng.
- Ngớ ngẩn vì bị lợi dụng mà vẫn không làm gì để đòi lại.
- Thích danh hão.

Câu 36 (Kiến thức tuần 12)
Trình bày ý nghĩa tiếng cười qua đoạn trích “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục”.

Đáp án:
- Giuốc-đanh là nhân vật gây cười và đáng bị cười. Nhưng nhìn chung ông ta là người tốt. Ta chỉ cười ông Giuốc-đanh ở khía cạnh mê muội, không ý thức được cảnh ngộ tự biến mình thành vật tế thần, để bọn xấu lợi dụng mà thôi. Vì thế thái độ chế giễu, đả kích mà người đọc dành cho ông Giuốc-đanh chỉ tập trung vào sự lố bịch, mù quáng của ông ta.
- Thế giới quí tộc hiện lên rất đáng chê trách. Vậy mà ông Giuốc-đanh lại cứ khăng khăng đòi trở thành quí tộc, đến nỗi tiền thì mất mà bộ lễ phục thì biến thành bộ đồ thảm hại, may ngược hoa, hết sức khôi hài.
- Người đọc không chỉ cười ông Giuốc-đanh mà còn cưòi cái xã hội quí tộc hiên thân qua chính ông Giuốc-đanh và các nhân vật đánh lừa ông Giuốc-đanh. Tiếng cười này đã mang lại ý nghĩa sâu xa cho tác phẩm và cho chính cái nhìn đầy dũng cảm, đầy chất nhân văn của Mô-li-e trước cuuộc đời.

Câu 37 (Kiến thức tuần 13)
Tác dụng của các yếu tố tự sự và miêu tả trong văn nghị luận là gì?

Đáp án: Giúp cho việc trình bày các luận điểm, luận cứ rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn.

Câu 38 (Kiến thức tuần 13)
Nêu các bước khi thực hiện đưa các yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận?

Đáp án: HS nêu được 4 bước
- Định hướng (xác định hướng nội dung nghị luận).
- Xác lập luận điểm.
- Sắp xếp luận điểm.
- Vận dụng yếu tố tự sự và miêu tả vào bài văn nghị luận (tùy theo từng luận điểm và mục đích cụ thể trong từng đoạn của bài).

Câu 39 (Kiến thức tuần 13)
Hãy phát hiện và chữa lỗi diễn đạt trong những câu sau đây:
A. Em muốn trở thành một người tri thức hay một bác sĩ?
B. Chị Dậu rất cần cù chịu khó, nên chị hết mực yêu thương chồng con.
C. Hút thuốc lá vừa có hại cho sức khỏe lại làm giảm tuổi thọ của con người.

Đáp án:
A. Lỗi của câu: Người viết không phân biệt được phạm vi của từ vựng, nghĩa của từ “tri thức” đã bao hàm từ “bác sĩ”.
→ Sửa lại: Em muốn trở thành một bác sĩ hay một kĩ sư?
B. Lỗi của câu: Vế trước không phải là nguyên nhân của vế sau, dùng từ “nên” không phù hợp.
→ Sửa lại: Chị Dậu rất cần cù chiụ khó và chị rất mực yêu thương chồng con.
C. Lỗi của câu: Hai vế câu dùng từ cùng trường, nghĩa “tuổi thọ” cùng là một khía cạnh của “sức khỏe”.
→ Sửa lại: Hút thuốc lá vùa tốn kém tiền bạc vừa làm giảm tuổi thọ của con người.

Câu 40 (Kiến thức tuần 14)
Văn bản nào dưới đây không phải là văn bản nhật dụng:
- Thông tin về ngày Trái Đất năm 2000
- Ôn Dịch, thuốc lá
- Bình Ngô Đại cáo
- Bài toán dân số

Đáp án: Bình Ngô Đại cáo

Câu 41 (Kiến thức tuần 14)
Nêu những nét giống nhau và khác nhau cơ bản về nội dung tư tưởng và hình thức thể loại của các văn bản: “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ”, “Nước Đại Việt ta”?

Đáp án:
* Giống nhau:
- Cả 3 văn bản đều cùng thời kì văn học (văn học thời phong kiến), đều thuộc thể loại nghị luận trung đại.
- Đều thể hiện tinh thần yêu nước, niềm tự hào và sự quan tâm của người viết đến sự tồn vong của dân tộc
* Khác nhau:
- Cả 3 văn bản thuộc 3 thể loại khác nhau: chiếu, hịch, cáo
- Nội dung:
+ Chiếu dời đô: khát vọng về một đất nước thịnh trị, tự cường phát triển về mọi mặt, ý chí tự cường của một đất nước đang trên đà lớn mạnh.
+ Hịch tướng sĩ: thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược.
+ Nước Đại Việt ta: khẳng định lãnh thổ, phong tục, chủ quyền và nền văn hiến lâu đời của đất nước.

Câu 42 (Kiến thức tuần 14)
Đối chiếu hai câu sau và cho biết câu nào mang tính nhạc (âm điệu lên xuống nhịp nhàng) rõ ràng hơn:
A. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê.
B. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên khúc nhạc đồng quê man mác.

Đáp án: Giữa hai câu: Ta thấy câu A có tính nhạc rõ ràng hơn vì: Tính từ man mác được đảo lên đứng trước cụm từ khúc nhạc đồng quê tạo nên sự ngân vang dìu dặt.

Câu 43 (Kiến thức tuần 15)
Mục nào sau dây không phù hợp với văn bản tường trình?

Đáp án: Cảm xúc của người viết tường trình.

Câu 44 (Kiến thức tuần 15)
Trình bày khái niệm văn bản tường trình?

Đáp án: Nêu đầy đủ khái niệm: Tường trình là loại văn bản trình bày thiệt hại hay mức độ trách nghiệm của người tường trình trong các sự việc xảy ra gây hậu quả cần xem xét.

Câu 45 (Kiến thức tuần 15)
Văn bản tường trình và văn bản báo cáo có gì giống và khác nhau?

Đáp án:
* Giống nhau:
- Cả hai văn bản đều được gửi lên cấp trên (cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền) , để cấp trên biết rõ vấn đề, sự việc xảy ra (hoặc công việc đã làm); Nội dung đều cần phải khách quan trung thực.
* Khác nhau:
- Nội dung báo cáo thường tổng kết lại các công việc đã làm (hoặc phong trào) để cấp trên được biết (thường có tính chất định kì theo thời gian: tháng, quý, năm…)
- Nội dung tường trình là kể rõ sự việc đã xảy ra để cấp trên hiểu đúng bản chất sự việc ấy mà xem xét, giải quyết (thường có tính chất đột xuất khi sự việc ấy xảy ra chứ không theo định kì thời gian nào cả). Vì vậy, tường trình không chỉ trình bày rõ sự việc xảy ra mà thường kèm theo những đề nghị để cấp trên giải quyết.

Câu 46 (Kiến thức tuần 16)
Tính chất của văn bản thuyết minh là gì?

Đáp án: Tính khách quan, không hư cấu, không tưởng tượng, hạn chế tính chủ quan cá nhân.

Câu 47 (Kiến thức tuần 16)
Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm có tác dụng như thế nào?

Đáp án: Tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm làm cho việc kể chuyện sinh động hơn, sâu sắc hơn, có tác dụng thuyết phục người đọc, người nghe hơn.

Câu 48 (Kiến thức tuần 16)
Trình bày một số tình huống thường gặp trong đời sống và trong nhà trường cần viết văn bản thông báo.

Đáp án:
Những tình huống cần viết thông báo trong đời sống: họp tổ dân phố, những thông tin cần biết ở địa phương, treo cờ mừng các ngày lễ lớn…
Những tình huống cần viết thông báo trong nhà trường: quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, chuẩn bị cho đợt cắm trại, họp chi đội trưởng chuẩn bị phong trào văn nghệ…

File đính kèm:

  • docNgan hang cau hoi mon ngu van 8.doc