Nhà thơ Giang Nam và sự thật về “cô du kích”

doc4 trang | Chia sẻ: frankloveabc | Lượt xem: 1567 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Nhà thơ Giang Nam và sự thật về “cô du kích”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Nhà thơ Giang Nam và sự thật về “cô du kích”

“Giặc bắn em rồi quăng mất xác/
Chỉ vì em là du kích em ơi…”.

 Những câu thơ ấy trong bài thơ “Quê hương” của Giang Nam đã được viết ra hơn nửa thế kỷ trước, năm 1960, tại vùng căn cứ Đá Bàn của tỉnh Khánh Hòa. Ít ai biết rằng, đã có một sự nhầm lẫn - cô du kích khi ấy vẫn còn sống. Và sự nhầm lẫn ấy đã để lại cho những thế hệ yêu văn học Việt một bài thơ cảm động cũng như một mối tình son sắt đồng hành cùng sức sống của bài thơ suốt hơn 50 năm qua. 










Giang Nam đoàn tụ với “cô du kích” Phạm Thị Triều và con gái ở Củ Chi năm 1973
Bà Phạm Thị Triều, nguyên mẫu của “cô bé nhà bên” trong bài thơ “Quê hương” sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng tại Vĩnh Trường, Nha Trang. Chị em bà lớn lên đều lần lượt tham gia kháng chiến. Chưa đầy mười tuổi nhưng Phạm Thị Triều đã theo chị gái hoạt động tích cực ở căn cứ Đồng Bò, gia đình cho người nhắn gọi cũng không về. Khi mặt trận Nha Trang vỡ, bà được điều lên Đá Bàn làm ở Văn phòng Tỉnh ủy. Còn Giang Nam lớn lên từ huyện Ninh Hoà, Khánh Hòa. Bỏ ngang trường Quốc học bậc cao đẳng tiểu học Quy Nhơn, ông về hoạt động tại xã. Xã Vạn Thắng của ông ngày ấy trong tình trạng “ngày địch đêm ta”. Ba anh trai đều đã lên căn cứ hoạt động cách mạng, cha ông khi đó đã nói với các con rằng “chúng bay đi đi, nhưng để lại cho tau một thằng lo hương khói tổ tiên”. Và cậu con trai út, em của Giang Nam được giao trách nhiệm đó. Nhưng khi tình hình nguy cấp, cha ông đành gạt nước mắt đồng ý để đứa con trai cuối cùng vào cứ với các anh. Cùng ở khối cơ quan Quân Dân Chính Đảng nên Giang Nam và bà Triều quen biết nhau, tuy “tình trong như đã” nhưng chẳng ai dám ngỏ lời. Chuyện yêu đương trong tổ chức ngày ấy là một cấm kỵ. Khi ông có tên trong đoàn sĩ quan liên bộ đình chiến vừa thành lập sắp lên đường ra Bình Định tập trung để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Geneva giữa ta và Pháp, tổ chức mới gợi ý để ông bà làm đám cưới. Ở với nhau được hai đêm thì ông lên đường ra vùng tự do, bà từ căn cứ trở về Nha Trang hoạt động. Khi chia tay, ông bà và đồng đội hi vọng rằng chỉ hai năm sau sẽ được đoàn tụ theo tinh thần hiệp định, không ai nghĩ đó là cuộc chia ly không hẹn ngày về. Ông được tổ chức đưa về lại Nha Trang, sau đó vào Sài Gòn làm giấy tờ hợp pháp với tên họ, quê quán mới để dễ bề hoạt động. Dù sống ngay trên thành phố quê hương mình nhưng ông bà vẫn hoạt động ở 2 tuyến khác nhau không được gặp mặt, ông luôn phải cảnh giác giữ bí mật, ngoài lính tráng, mật vụ nhan nhản thì còn mối lo bị người quen bắt gặp sẽ lộ. Ông miệt mài với công việc tổ chức giao, âm thầm tham gia tờ báo hợp pháp với tên gọi “Gió mới” hoạt động công khai tại nội thành Nha Trang, dưới vỏ bọc một công nhân xưởng cưa, ông đều đặn viết bài tuyên truyền cho cách mạng, định hướng lý tưởng cho thanh niên... Khi Mỹ nguỵ tiến hành các đợt “tố cộng”, “diệt cộng”, cán bộ đảng viên ở miền Nam phải tổ chức đổi vùng để tránh bị lộ. Tổ chức đã sắp xếp để ông bà chuyển vùng hoạt động về Biên Hoà. Đây cũng là lần đầu tiên sau 4 năm cưới nhau ông bà mới có điều kiện ở bên nhau. Hai vợ chồng thuê một căn nhà nhỏ trong xóm lao động nghèo, ông làm công cho một tư sản thầu khoán người Việt, bà buôn bán lặt vặt, nắm bắt tình hình chờ lệnh của trên. Nhiệm vụ lúc này là dựa vào quần chúng để tồn tại hợp pháp, không để bị bắt. Đó cũng là thời gian bà sinh cô con gái đầu tiên và cũng là duy nhất của ông bà. Một thời gian sau, tình hình lắng xuống, tổ chức quyết định rút ông về Khánh Hoà. Bà ở lại một mình nuôi con, con gái khóc ngằn ngặt vì nhớ cha, bà phải lấy chiếc áo của ông để đắp cho con đỡ khóc theo lời khuyên của bà chủ cho thuê nhà tốt bụng. Một đêm, địch ập vào bắt mẹ con bà giải đi, dù lúc đó đứa con gái đầu còn đỏ hỏn, đó là năm 1959. Sau khi vợ con ông bị bắt, tổ chức đã cho người dò la tung tích của bà nhưng không tìm ra manh mối. Một buổi tối của năm 1960, ông được cấp trên gọi lên trấn an tư tưởng, thăm hỏi động viên rồi thông báo tin dữ: vợ và con gái ông đã bị địch giết hại trong nhà tù tại Phú Lợi, Sài Gòn.Đau đớn đến bàng hoàng, ngay đêm hôm đó, tại căn cứ bí mật của Tỉnh ủy Khánh Hoà đóng dưới chân núi Hòn Dù phía tây thành phố Nha Trang, bên ngọn đèn thắp bằng nhựa cây, trong xúc cảm của niềm đau đớn tột cùng ông đã viết nên bài thơ “Quê hương” như vẽ nên một sự thật đau xót: Giặc bắn em rồi quăng mất xác. Chỉ vì em là du kích em ơi. Đau xé lòng anh chết nửa con người… Sau này bài thơ đoạt giải nhì giải thưởng thơ năm 1960-1961 của Tạp chí Văn nghệ và đã trở thành một dấu mốc trong cuộc đời ông. Tưởng rằng vợ con đã bị địch giết hại, nhưng bất ngờ, năm 1962, sau 3 năm bị bắt, bà và con gái được thả về do không tìm ra căn cứ kết tội. Gia đình nhỏ được đoàn tụ trong nước mắt. Thế nhưng ngay sau đó lại có điện của Khu ủy khu 6 gửi Tỉnh ủy Khánh Hoà điều ông lên bổ sung cho Ban Tuyên huấn Khu. Ông bà vừa gặp mặt lại phải một lần nữa chia tay để Giang Nam về cơ quan mới đóng ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Tuyên Đức. Về Khu chưa được bao lâu ông được cử đi học Trường Đảng do Trung ương cục miền Nam mở ở Tây Ninh, sau đó Giang Nam được giữ lại công tác tại Hội Văn nghệ giải phóng với chức danh Phó Tổng Thư ký Hội. Từ đó là quãng thời gian ông gắn bó với hoạt động văn nghệ giải phóng. Nhưng một lần nữa ông lại phải chia ly với vợ con, năm 1968 bà lại bị bắt lần hai vẫn với cô con gái nhỏ do sơ suất của người giao liên nên bị lộ. Mãi đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, bà mới được phía bên kia trao trả. Sau bao năm ly biệt, lúc này cô con gái cũng đã mười lăm tuổi, còn ông bà tuổi cũng đã cao nên không sinh thêm được người con nào nữa.Đất nước thống nhất nhưng ông lại được điều ra Hà Nội làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ vào năm 1978 nên ông bà lại tiếp tục xa nhau. Mãi đến khi ông được điều trở lại Khánh Hòa công tác thì gia đình nhỏ mới thực sự đoàn tụ.Con gái trưởng thành, tuy  vẫn gần gũi bố mẹ nhưng cũng bận rộn với gia đình và công việc, còn ông bà sống bên nhau trong căn nhà nhỏ số 46, đường Yersin, thành phố Nha Trang. Cuộc đời đã cho ông bà chữ “Thọ” để được ở bên nhau hưởng những năm tháng cuối đời an lạc. Ở tuổi ngoài tám mươi nhưng ông vẫn mạnh khỏe, vẫn có mặt tại Hà Nội tham dự các sự kiện văn học lớn của đất nước.Tháng 4-2013, cuối cùng thì bà phải rời xa ông ở tuổi 82 để về với tổ tiên. Sống với nhau được đến chừng ấy tuổi cũng đã là một sự ban ơn của trời đất, cũng là sự đáp đền sau bấy nhiêu mất mát, đau thương. Giờ đây, bên hiên nhà có những giò lan đu đưa, còn mình ông ngồi đó, dáng vóc cô đơn như kể cho những người từng đọc “Quê hương” câu chuyện về “em tôi”… 
Bài của Nguyễn Xuân Thủy

 PHH sưu tâm và giới thiệu 7 --2013


File đính kèm:

  • docNhà thơ Giang Nam và sự thật về.doc
Đề thi liên quan