Những câu hỏi vận dụng kiến thức văn 12

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1410 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Những câu hỏi vận dụng kiến thức văn 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
NHỮNG CÂU HỎI VẬN DỤNG KIẾN THỨC VĂN 12 
(Tham khảo trong ôn thi Tốt nghiệp)
Câu 1.Trong đoạn trích "Ông già và biển cả"( Hê-minh-uê) có câu "Hãy giữ đầu óc tỉnh táo và biết cách chịu đựng như một con người"; "Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại"
Đây là lời của nhân vật nào? Ý nghĩa của hai câu nói trên?
-Hai câu nói trên là lời của nhân vật Xan-ti-a-gô.
-Ý nghĩa hai câu nói.
+Con đường đến với thành công hiếm khi bằng phẳng. Để đến đích con người không chỉ biết ước mơ mà còn phải biết tỉnh táo để dùng đầu óc suy xét, phán đoán, phải đưa ra các giải pháp hành động, phải biết chịu đựng để vượt qua những khó khăn, thử thách. Đồng thời con người cần phải có ý chí nghị lực trước mọi hoàn cảnh.
+Câu nói trên còn thể hiện niềm tin vào sức mạnh và khả năng chiến thắng của con người.
Câu 2.Trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012), ở phần miêu tả cảnh bạo hành trong gia đình người đàn bà hàng chài, có chi tiết: người đàn bà mếu máo gọi tên con, ôm lấy con, vái con, còn cậu bé "lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt’’.
Chi tiết đó có ý nghĩa gì?
*Ý nghĩa chi tiết: người đàn bà mếu máo gọi tên con, ôm lấy con, vái con,..
-Nỗi tủi hổ, xót xa của một người mẹ khi để cho đứa con mình chứng kiến cảnh bố hành hạ mẹ. Cảnh tượng ấy có thể làm tổn thương đến tâm hồn trong trẻo của những đứa trẻ. Đó là một sự thực quá tàn nhẫn mà bấy lâu nay người phụ nữ ấy không hề muốn nó xẩy ra.
-Tấm lòng hi sinh vô bờ bến của người mẹ dành cho con, cho gia đình. Người phụ nữ ấy không muốn làm tổn thương tâm hồn của những đứa con. Đặc biệt, chị không muốn vì bảo vệ cho mình mà đứa con trai phải có những hành động trái với đạo đức, với luân thường đạo lí trong cuộc sống.
*Ý nghĩa chi tiết: còn cậu bé "lặng lẽ đưa mấy ngón tay khẽ sờ trên khuôn mặt người mẹ như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt"
-Tấm lòng yêu thương bao la dành cho người mẹ của mình.
- Sự thấu hiểu, sẻ chia và khao khát chở che, bảo vệ cho người mẹ trước sự hành hạ của người cha vũ phu trong tấm lòng của cậu bé làng chài.
Câu 3 .Thành quả mà ông lão Xan-ti- a- gô đưa được vào bờ chỉ là bộ xương khổng lồ của con cá kiếm . Theo em, hình ảnh bộ xương của con cá kiếm mang những nét nghĩa biểu trưng nào ?
Bộ xương của con cá kiếm là hình ảnh gợi lên nhiều suy nghĩ, nhiều tầng nghĩa
- Là hình ảnh biểu trưng cho những chướng ngại, những gian khó, thách thức không thể vượt qua trong hành trình mưu sinh đầy cam go, nhọc nhằn của người lao động.
- Bộ xương trơ trọi của con cá cũng là biểu trưng cho thất bại đớn đau của người nghệ sĩ, của nhà khoa học trên con đường sáng tạo, kiếm tìm chân lí và cái đẹp.
- Bộ xương cá mang dư vị đắng chát của thất bại, nhưng đồng thời cũng là dấu son tươi đẹp minh chứng cho tinh thần kiên cường không bao chịu lùi bước, chịu khuất phục trước gian nguy, thách thức của người lao động, của người nghệ sĩ, của những nhà khoa học, là thiên anh hùng ca về con người.
Câu 4.Nêu ý nghĩa cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với Đế Thích và việc hồn Trương Ba kiên quyết trả lại xác hàng thịt, chấp nhận cái chết?
-Quan niệm của Đế Thích đơn giản: cốt là sống, còn "sống như thế nào thì ông chẳng cần biết". "Trên trời dưới đất đều thế cả."
-Trương Ba với trái nghiệm trong thân xác hàng thịt khẳng định : " Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được". Trương Ba yêu cầu sự thống nhất giữa nội dung và hình thức , giữa thể xác với linh hồn, giữa tư tưởng và hành động .Trương Ba cho thấy rõ ; được sống theo bản chất của mình không sống nhờ, sống dựa là một nhu cầu , một quyền cơ bản của con người .
-Việc hồn Trương Ba kiên quyết trả lại xác hàng thịt, chấp nhận cái chết cho thấy lập trường kiên định và quyết định đúng đắn của nhân vật, góp phần tô đậm ý nghĩa chủ đề vở kịch : Được sống làm người là quý giá , nhưng được sống là chính mình, sống trọn vẹn giữa thể xác và tâm hồn còn quý giá hơn nhiều.
Câu 5.Mở đầu tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhà văn Tô Hoài giới thiệu nhân vật Mị qua những hình ảnh nào? Nhận xét cách giới thiệu nhân vật Mị của tác giả?
- Nhà văn Tô Hoài khắc họa nhân vật Mị với những hình ảnh:
+ Một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa
+ Dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay cõng nước, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.
- Cách giới thiệu nhân vật của tác giả:
+ Đặt nhân vật trong sự đối nghịch với cảnh giàu có tập nập của nhà thống lí Pá Tra.
+ Tạo tình huống có vấn đề gợi sự tò mò của người đọc
Câu 6. Trong đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" (Lưu Quang Vũ), sau khi Hồn Trương Ba đau khổ vì bị những người thân của mình từ chối, Hồn châm lửa gọi Đế Thích. Khi Đế Thích xuất hiện Hồn đã nói những lời gì? Ý nghĩa của những lời nói ấy?
- Khi Đế Thích xuất hiện Hồn Trương Ba đã nói:
+ Tôi không thể tiếp tục mang thân anh hàng thịt được nữa
+ Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.
+ Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!
-Ý nghĩa của những lời nói:
+Phải có sự thống nhất giữa cái bên trong và cái bên ngoài, giữa nội dung và hình thức, giữa tâm hồn và thể xác.
+Con người phải sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Câu 7.Trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nhân vật bà cụ Tứ đã có những cử chỉ, hành động nào vào buổi sáng hôm sau? Nêu ý nghĩa của những chi tiết ấy.
-Chi tiêt: Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăng xắn thu dọn, quét tước nhà cửa.
Bà vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn. Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau. Bà mời con món chè khoán vừa khuấy vừa cười đon đả và ăn ngon lành.
-Ý nghĩa: Bà muốn chia sẻ với con, cùng con lo toan và xây dựng cuộc sống gia đình hòa thuận, ấm no; chia sẻ với con niềm vui hạnh phúc.
Những cử chỉ hành động của người mẹ Tràng là thứ đáng giá nhất dành cho các con: tình thương yêu, sự đùm bọc, che chở ; cho con sự lạc quan, tin tưởng vào ngày mai.
Câu 8.Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (SGK Ngữ Văn 12, Tập 1,NXB Giáo Dục 2011)có nhắc đến cuốn sổ gia đình mà chú Năm cất giữ và giao cho Chiến và Việt khi hai chị em chuẩn bị lên đường.Cuốn sổ ấy có ý nghĩa như thế nào?Việc Chú Năm trao cuốn sổ cho Chiến và Việt đã khẳng định điều gì?
-Chi tiết cuốn sổ gia đình của Chiến và Việt là một sáng tạo độc đáo đầy ý nghĩa:
+Là cuốn sổ ghi lại những đau thương mất mát và chiến công của gia đình được chú Năm gìn giữ và ghi chép tỉ mỉ , chi tiết bằng nét chữ "lòng còng",lời văn giản dị , mộc mạc.
+Cuốn sổ là bằng chứng nóng hổi về tội ác của kẻ thù và sự kiên cường dũng cảm và chiến công của gia đình,cuốn sổ là một kiểu gia phả,một hình thức giáo dục lòng tự hào về truyền thống gia đình…
+Chú Năm giao cuốn sổ cho Chiến và Việt khẳng định hai chị em đã trưởng thành để gánh vác trách nhiệm và ghi tiếp truyền thống gia đình,hành động ấy còn gửi gắm niềm tin tưởng của chú Năm vào Chiến và Việt-khúc sông sau đầy mạnh mẽ của dòng sông truyền thống gia đình…
Câu 9.Anh/chị hãy cho biết những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn từ sau 1975 đến cuối thế kỉ XX. Nêu ngắn gọn các biểu hiện của sự đổi mới văn học giai đoạn này ở truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa"- Nguyễn Minh Châu.
- Văn học đổi mới vận động theo khuynh hướng dân chủ hoá, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc.
-Văn học phát triển đa dạng hơn về đề tài, chủ đề; phong phú và mới mẻ hơn về thủ pháp nghệ thuật
- Đề cao cá tính sáng tạo của nhà văn, đổi mới cách nhìn nhận, cách tiếp cận con người và hiện thực đời sống, đã khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, thể hiện con người ở nhiều phương diện của đời sống, kẻ cả đời sống tâm linh.
- Nhìn tổng thể cái mới của văn học giai đoạn này là tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn tới số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường.
Nêu ngắn gọn các biểu hiện của sự đổi mới văn học giai đoạn này ở truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa"- Nguyễn Minh Châu
-Đề tài về số phận con người cá nhân thời hậu chiến, cuộc sống của gia đình người đàn bà hàng chài.
-Tiếp cận con người theo hướng đời tư, đời thường, bi kịch cá nhân cúa người lao động nghèo khổ với vẻ đẹp khuất lấp.
-Số phận gia đình người đàn bà hàng chài được đặt trong những hoàn cảnh phức tạp, đời thường với những nghịch lí.
-Qua nhân vật Phùng và Đẩu, tác giả thể hiện một cách nhìn nhận hiện thực đa diện, nhiều chiều.
Câu 10.Cặp hình ảnh sóng đôi "ông lão đánh cá – con cá kiếm" ( trích Ông già và biển cả của Hê-minh-Uê ) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì?
-"Ông lão đánh cá – con cá kiếm" là cặp hình ảnh sóng đôi, mang ý nghĩa biểu tượng gợi lên nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, thể hiện hành trình của người lao động, người nghệ sĩ, hành trình của con người nói chung trong công cuộc chinh phục, khám phá những giá trị cao đẹp và khác thường.
- Ông lão đánh cá mang vẻ đẹp dũng mãnh, kiên cường, có niềm say mê và khao khát chinh phục, chiêm ngưỡng giá trị cao đẹp của đời sống.
- Hình tượng con cá kiếm: Thể hiện sự kì vĩ, phi thường của biển cả, thiên nhiên, của những ước mơ, khát vọng mang tính lí tưởng, lớn lao mà con người luôn hướng tới.

File đính kèm:

  • doccau 2 diem.doc