Phân tích bài thơ Thu vịnh

doc1 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 2230 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Phân tích bài thơ Thu vịnh, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thu vịnh Trong ba bài thơ, bài này mang cái hồn của cảnh vật mùa thu hơn cả, cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao, mang cái thần của cảnh mùa thu. Hai câu đề đã ghi ngay được cái thần thái của trời thu. Câu thứ nhất gợi ra cái nền phông cảnh bằng nét rộng khoáng đạt, thoáng đãng. Chữ xanh ngắt nói được cái sắc xanh riêng của mùa thu với tất cả vẻ êm ái, mát mẻ và trong xanh của nó. Ba chữ mấy tầng cao cho thấy tầm nhìn thi sĩ rộng mở cùng với các tầng trời. Quá trình ngôn ngữ thơ đi từ đời Lê Hồng Đức, thật hãy còn vất vả, nặng nề: Trời muôn trượng thẳm làu làu sạch đến Nguyễn Khuyến đã thành ra: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao Nếu nền phông gợi những khoảng xa của hậu cảnh, thì ở gần tầm mắt hơn hiện ra một tiền cảnh là cần trúc lơ phơ... Tầm nhìn dịch chuyển từ xa đến gần. Không phải cành trúc, ngọn trúc mà phải là cần trúc. Chữ cần là nét cong mềm mại thật hợp điệu thu. Chữ lơ phơ tả vẻ lưa thưa mà lay động. Chữ hắt hiu thật là cái hồn của gió thu. Cả lơ phơ và hắt hiu như phụ hoạ với nhau để thâu tóm cái hồn của gió thu. Thi sĩ đã dùng cái động gần để gợi cái tĩnh xa trong bao la của thinh không. Đó là những gợn gió thật mỏng manh, nếu không có một mĩ cảm tinh tế thì khó mà nhận biết. Đó chính là những gợn gió thanh từng làm xao động thân cô trúc của Nguyễn Khuyến chăng? Bức tranh thu thanh đạm cứ hạ dần độ cao. Hai câu thực tả cảnh mặt nước và mặt đất. Nếu xanh ngắt rất đặc trưng cho sắc trời thu, thì xanh biếc lại tóm đúng cái thần của nước thu. Nước và trời soi chiếu nhau qua cảm quan của thi sĩ. Với hai sắc độ ấy, bức tranh thu của Nguyễn Khuyến đã lan toả một gam xanh vừa thanh đạm vừa sâu lắng, cái mà Xuân Diệu gọi là những điệu xanh. Thi sĩ nhìn ra cái làn hơi dường có lại dường không quấn quýt đầu con sóng. Ấy là vẻ hư ảo chỉ có trong tiết trời thu. Cái nhà cỏ thấp le te của Nguyễn Khuyến thấp thoáng trong cả ba bài thu, ở đây được hiện ra chỉ với một khung cửa sổ theo lối cắt cảnh. Không gian mở ra từ những khung cửa với hàng song thưa vốn là không gian quen thuộc của trăng thu, cũng là không gian quen thuộc của các thi sĩ phương Đông. Cửa sổ mở thông vào thiên nhiên, cho tâm hồn giao lưu với ngoại giới, giao hoà với tạo vật. chữ song thưa rất không đâu mà thật ăn nhịp, hoà điệu với cái không khí riêng của mùa thu. Khung cửa kia mùa nào chẳng thế, chẳng phải thu đến thì nó thưa hơn. Nhưng có phải sang đến mùa thu thì cái vẻ thưa của nó mới lưu thành ấn tượng trong nhãn quan thi sĩ như một nét song thu, để khung cửa ấy thật sự ăn nhập với cái vẻ thưa thoáng, phong quang và êm đềm vốn là ý vị riêng của mùa thu? Vầng trăng tri kỉ thoải mái đi về cùng với thi nhân qua cái khung trời thông thoáng trữ tình ấy. Đến hai câu luận, không gian và thời gian bỗng rộng mở ra. Câu 5 là một ảo giác về thời gian. Câu 6 là một thảng thốt trước không gian. Với hai câu này, bức tranh thu bỗng giàu những thi vị hư huyền. Chữ năm ngoái (gắn với hoa) vốn được Nguyễn Du sáng tạo từ chữ y cựu trong thơ Thôi Hộ. Giờ đây, qua thời gian, nó lại trôi về Yên Đổ, đậu lên cái chùm hoa nơi lưng giậu của Nguyễn Khuyến, phổ vào hình ảnh thơ một chút hoài niệm bâng khuâng. Trước giậu là xác thực về không gian. Còn hoa năm ngoái đã có vẻ không xác thực về thời gian. Có một cái gì như một thoáng ngưng đọng trên chùm hoa kia. Hoa vẫn lặng lẽ ở đó từ năm ngoái, hay hoa mới hiện về từ trong kỉ niệm? Khó mà phân định. Chỉ biết rằng trong lòng phải mạng nặng nỗi u hoài không dễ tỏ bày, thi nhân mới có cái cảm nhận huyền bí ấy. Với một tiếng ngỗng rớt xuống từ thinh không, không gian quê kiểng chợt mở ra mênh mông đến chân trời khác. Hai chữ nước nào không xác định cuối câu như một thoáng hồ nghi, một giây thảng thốt đã khiến cho thinh không càng tĩnh lặng xa vắng hơn. Cuối cùng, Thu vịnh đã kết lại bằng bức tự hoạ thật thanh mà thật đọng. Nỗi niềm u uẩn không chịu buông tha cho Tam nguyên Yên Đổ. Cái cảm giác thẹn với ông Đào là nét thanh cao lặng thầm và khiêm cung của Nguyễn Khuyến. Nó không chỉ in riêng vào bài thơ này, mà còn đổ bóng xuống cả ba bài thơ, làm nên một chân dung thật nhất quán của Nguyễn Khuyến: một thi nhân tao nhã- một nho gia khí tiết. 

File đính kèm:

  • docThu vịnh Trong ba bài thơ.doc