Quê nội - Võ Quảng - chương 1

doc75 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1192 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Quê nội - Võ Quảng - chương 1, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
· Quê nội - Võ Quảng - chương 1 
1
Sau ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, tôi thường thức dậy sớm. Khi thức giấc, tôi cứ tưởng mình như vừa chợp mắt, tai tôi còn nghe tiếng hô tập tự vệ của chú Năm Mùi: - Tất cả quay bên phải! Bên phải là bên tay ta cầm đũa, nghe chưa? Chị Ba tôi đang tập liền hỏi to: - Tôi cầm đũa tay trái, tôi quay bên nào? Chú Năm Mùi quát:- Đây không phải là việc cô giỡn đâu! Đây là việc quân! – Chú quắc mắt, hô đúng là to: – Nghiêm! Quay! Tôi nằm nhớ lại từng động tác luyện tập của đội tự vệ, chợt con gà trống ở phía nhà bếp nổi gáy. Tiếng nó lanh lảnh. Tôi biết đó là gà của anh Bốn Linh. Con gà này có bộ lông mã tía, cổ bạnh, mào hạt đậu. Tiếng nó dõng dạc nhất xóm. Nó thường làm tôi chú ý. Nó nhón chân, bước từng bước oai vệ, ức ưỡn ra đằng trước, có gan nhảy lên lưng trâu Bĩnh, vỗ cánh phành phạch rồi gáy như thét vào tai trâu. Bị chó Vện đuổi, nó bỏ chạy. Đột ngột nó quay lại nện cho chó Vện một đá vào đầu rồi nhảy phóc lên cây rác đứng nhìn xuống vẻ phớt lờ, nổi gáy như thách thức: - Tao không sợ ai hết! Sau gà anh Bốn Linh, gà của ông Kiểm Lài gáy theo. Tiếng của nó nghe khàn khàn làm tôi nhớ đến tiếng rao của ông thợ hàn nồi khi đi qua xóm: - Ai hàn nồi không? Con gà của ông Kiểm Lài hay bới bậy. Nó có bộ mã khá đẹp, lông trắng, phao to, mỏ búp chuối, mào cờ, hai cánh như hai vỏ trai úp, nhưng lại hay tán tỉnh láo khoét. Nó đến chỗ bờ tre mời bọn gà mái theo nó để nó đãi giun. Bới được con giun, nó lấy mỏ kẹp bỏ ra giữa đất, kêu tục tục mời bọn gà mái đến xơi. Bọn này vừa xô tới, nó đã nuốt chửng con giun vào bụng. Nó còn giả vờ nghểnh cổ kêu oang oác như phân bua “Ủa! Chớ con giun đâu mất rồi hè?”. Bọn gà mái tưng hửng, nhưng vốn dễ tính nên bỏ qua. Nó còn ra nương bẻ bắp bị tôi bắt quả tang, xuýt chó cắn cho một trận. Chó vặt mất túm lông đuôi. Một con gà trống bị mất túm lông đuôi trông cụt ngủn, đầu như bị chúc về đằng trước, nom hết sức buồn cười. Sau gà ông Kiểm Lài, gà bà Hiến nổi gáy theo. Nó phóng ra ba tiếng không đều nhau éc, e, e. Gà bà Hiến là gà trống tơ, lông đen, chân chì, giò cao, cổ ngắn. Tiếng nó gáy còn vướng trong cổ, chưa ai mê được. Mấy lần tôi gặp nó nhảy tót lên cây rác thật cao phóng tầm mắt nhìn quanh như muốn mọi người hãy chú ý, nó sẽ gáy một hơi thật to, thật dài. Nó xoè cánh, nghểnh cổ, nhưng rốt cục chỉ rặn ra ba tiếng éc, e, e cụt ngủn. Nó ngượng quá đỏ chín mặt, hấp tấp nhảy xuống đất. Gà thầy Lê Hảo, gà ông Tư Đàm, gà chú Năm Mùi cũng thi nhau gáy. Gà trong làng nổi gáy loạn xị. Tôi nghe loáng thoáng gà ông Bốn Rị bán thịt chó ở dưới xóm, gà dượng Hương Thư và gà ông Hoạt ở ngoài vạn Hoà Phước cũng gáy theo. Ông Hoạt và dượng Hương Thư ở thuyền, nhốt gà trong một chiếc lồng tre, chiếc lồng treo bên mạn thuyền, nom xa giống như quả lựu đạn. Mỗi lần dượng Hương Thư rải thóc cho ăn, bọn gà tranh nhau phóng cổ ra ngoài. Cái lồng bỗng nhiên mọc đầy mũi nhọn. Ăn xong, những mũi nhọn đó lại thụt đi mất. Dượng Hương Thư mở lồng, bọn gà bay ra tứ tung, tiếng oang oác nổ ra inh ỏi. Chúng bay xuống đậu chỗ mé nước, có con nổi gáy dăm ba tiếng. Ông Hoạt đậu thuyền bên cạnh nhô cái đầu có búi tóc ra khỏi khoang, nói với dượng Hương: - Giống gà rừng của anh tốt thiệt! Lần sau đi Dùi Chiêng nhờ mua cho một đôi. Tôi nuôi thiến vài con ăn Tết. Thật ra gà dượng Hương Thư không phải giống gà rừng. Chúng cũng là giống gà nhà. Dượng Hương thường mua gà ở trên rừng, xứ Dùi Chiêng, vì quê dượng trên đó!
** *
Dưới nhà bếp, chị Ba tôi cũng thức dậy nhóm lửa. Bóng chị chập choạng trên vách bếp. Chị đang đưa tay vuốt tóc. Chị Ba vừa cắt tóc ngắn. Các chị thanh nữ làng tôi, sau Tổng khởi nghĩa, đều cắt tóc ngắn, nói là để cắt đứt với phong kiến. Chị Ba cầm đèn bước lên nhà trên, vứt cái yếm thao và khăn trầu đem nhét vào gối mẹ tôi. Chị nói với mẹ là chị không dùng những thứ lạc hậu đó nữa. Chị đã mua thuốc cạo hết răng đen. Răng chị hoá trắng nõn. Mẹ tôi kêu lên, vẻ thất vọng: “Răng mày trắng, tao thấy như răng chó!”Chị Ba đưa cây đèn về phía tôi, gọi: - Cục ơi! Trời sáng trắng rồi! Dậy đưa trâu đi ăn! Tôi rướn người nhỏm dậy bước ra chuồng trâu, mở dây mũi đưa con Bĩnh đi gặm cỏ ngoài bờ sông. Ra khỏi xóm, sao Mai trên trời đã bạc thếch. Bóng tối bắt đầu rời khỏi cây sung đầu làng. Một con chèo bẻo đứng trên nóc miếu Bà Tằm đập cánh kêu mấy tiếng choẹt choẹt! Từ chỗ sân đình vang lên tiếng hô của đội tự vệ. Anh Bốn Linh làm đội trưởng có tiếng hô tốt lắm. Đây là đội tự vệ nòng cốt, chọn toàn những trai tráng khoẻ mạnh trong làng. Buổi sáng sớm họ tập những động tác cơ bản, sau đó còn luyện nhiều miếng võ dân tộc. Anh Bốn Linh dạy luyện côn. Cây côn trong tay anh quay vun vút. Anh quát chúng tôi phải tránh thật xa, nhỡ cây côn va phải thì đầu chúng tôi bay mất. Tôi ngồi trên lưng trâu Bĩnh, ra đến chỗ cây bàng, tôi nhón người, bắt tay lên miệng làm loa gọi to: Hu hu, hu hu! Đó là hiệu lệnh của tôi ra quân, báo cho bọn chăn trâu trong xóm biết là tôi đã sẵn sàng “xuất trận” để chơi trò giật lá. Về phần lũ trẻ cũng phải mau mau đưa trâu ra sông để đánh bại bọn chăn trâu xóm dưới. Chư tướng của tôi vừa nghe tiếng gọi liền trả lời bằng hai tiếng hu, hu! Như vậy có nghĩa là: Xin tuân lệnh! Sau ngày cướp chính quyền, môn chơi giật lá ở quê tôi hoá thịnh hành. Chơi giật lá phải chia làm hai phe. Người tham gia giắt sau lưng một que dâu dài chừng bốn tấc. Phải xông ra giật cho kì được que dâu của đối phương. Đứa nào bị giật mất que dâu thì xem như đã bị chặt mất đầu, tức khắc phải nằm lăn ra, mặt úp xuống đất không ngọ nguậy. Bên nào bị chặt đầu nhiều nhất là bên đó bị bại. Tôi được phong làm nguyên suý. Không phải vì tôi đánh giặc giỏi mà vì tôi thuộc nhiều tích tuồng. Ở chợ Quảng Huế, gần làng tôi, có một rạp hát tuồng. Thỉnh thoảng chị Ba cho tôi hai xu để mua vé vào xem. Do đó tích tuồng tôi đều biết hết. Phe chúng tôi có năm đứa, tôi gọi là năm tướng Ngũ Hổ. Tôi tự xưng là Triệu Tử Long. Dưới trần này tôi chưa thấy ai vừa đẹp vừa oai như vị tướng đó. Mặt đỏ như son, mắt sắc như gươm, xiêm giáp rực rỡ đủ màu, sau lưng còn cắm bao nhiêu cung tên cờ xí. Khi Triệu Tử Long bước ra sân khấu, tôi choáng ngợp vì vẻ oai phong lẫm liệt. Bốn đứa khác, tôi cũng phong cho mỗi đứa một tên. Tướng Trương Phi có những cơn thịnh nộ khủng khiếp. Tướng Lưu Khánh biết bay trên trời như chim. Tướng Hạng Võ có sức mạnh vô địch. Tướng Quan Công vượt năm cửa ải chém sáu tướng của Tào Tháo. Tôi chống hai tay lên hông thét vào mặt bọn chăn trâu xóm dưới: - Hỡi quân Tào tặc! Ta đây là Triệu Tử Long! Chỉ cái tên của ta cũng đủ làm bọn bay khiếp vía. Hãy mau mau giải giáp quy hàng thì ta tha chết! Bọn chăn trâu xóm dưới rống to không kém: - Chúng bay là những thằng đui! Chúng tao là Lía đây. Không phải Tào tặc nào cả. Một thằng mắt gườm gườm chỉ vào đầu của mình: - Hãy xem quả chuỳ của tao đây! Nó nặng nghìn cân. Cho một chuỳ là bọn Ngũ Hổ chúng bay hồn về chín suối! Thằng này chiến đấu khá lợi hại. Nó tên là Thân ở xóm chợ, có cái đầu trọc lóc. Khi xáp trận, nó liều mạng húc đầu vào bụng chúng tôi làm nhiều đứa ngã uỵch. Một thằng khác vỗ hai tay đánh đét, thị uy: - Còn tao là Võ Tòng, Võ Tòng đả hổ đây ! Tao từng nhai hổ nghe rau ráu. Sá gì những mèo ướt chúng bay! Nói xong, nó nhón một chân, quay vòng, trề môi, méo mồm, điệu bộ phách lối đến cực độ. Những đứa khác cũng nhảy ra phùng mang trơn mắt tự xưng mình là Cốt Đột, là Thiên Lôi. Có đứa còn xưng mình là quỷ Đầu Trâu, phen này chúng phải bắt cho hết bọn Ngũ Hổ đem làm gỏi ăn cho sướng. Tôi cố giữ nhuệ khí: - Bọn bay là lớp sinh sau đẻ muộn, miệng còn hôi sữa, sao dám ngạo mạn với các tướng Ngũ Hổ chúng tao!... Tôi nói chưa dứt lời, thằng Cốt Đột đã nhảy xổ ra. Nó làm điệu bộ như xách chiếc đèn soi vào mặt chúng tôi, cười hề hề đầy vẻ khiêu khích: - Tưởng là Triệu Tử Long nào, té ra mày là thằng Cục! Nguyễn Văn Cục hái trộm ổi của ông Bảy Hoá là mày! Mày là thằng miệng hùm gan sứa. Bị chó đuổi, mày bỏ chạy vấp gãy một chân. Còn một chân tao vặt hết lia chó gặm. Còn thằng này, mày không phải Quan Công Quan Kiếc nào cả. Mày là thằng Kề có cái bụng chửa to như cái cối. Mày ăn thịt chó bị đau bụng kinh niên, nước da vàng như nghệ. Còn mày là Hạng Võ! Hạng Võ bị mụt (1) chùm bao, chân đi cà nhắc, sức không trói nổi con gà. Còn mày nữa – nó vừa nói vừa chỉ vào mặt Trương Phi – mày là thằng hỗn ăn, tọng bánh bèo nóng bị rụng hết răng cửa. Hạ uy thế chúng tôi xong, nó hô to: - Hỡi chư tướng! Hãy xông lên chém đầu bọn Ngũ Hổ. Bọn chúng là phát xít Nhật đã bắn vào đồng bào ta ở Ái Nghĩa hôm cướp chính quyền. Tôi lấy hết gân cổ, cố giảng giải: - Chớ nói bá láp! Bọn thằng Lía chết từ đời tu huýt tu lai, còn bọn phát xít đang sống sờ sờ. Nếu chúng tao là phát xít thì làm sao đánh nhau với thằng Lía được. Tôi chưa nói xong, bọn chúng đã ào lên như nước lũ. Phe tôi phải nghênh chiến. Thế trận diễn ra vô cùng ác liệt. Cát bụi trên bờ sông Thu Bồn tung bay mù mịt. Tiếng reo hò của ba quân dậy đất. Trương Phi gạt tất cả những đòn chuỳ lợi hại của thằng Thân đầu trọc. Có lúc bị ngã tênh hênh, một tay phải ôm quần, Trương Phi bỗng đứng lên vô cùng mau lẹ. Bọn giặc mất đà ngã lăn lông lốc. Hạng Võ đúng là một hổ tướng, biết giương đông kích tây dồn bọn thắng Lía vào thế bí. Nhưng Hạng Võ chỉ mới đánh vài ba hiệp, mồ hôi mồ kê đã đổ ra như tắm. Tôi ra hiệu cho các tướng Ngũ Hổ vừa đánh vừa rút lui. Đợi địch xông đến, chúng tôi rẽ ra hai bên, ép địch vào giữa. Bọn thằng Lía không đòi hỏi gì hơn vì chúng sẽ có dịp cắt các tướng Ngũ Hổ ra làm đôi. Chợt Trương Phi ngã quay lơ, chưa kịp đứng dậy, cành dâu vắt sau lưng đã bị cướp mất. Bọn thằng Lía reo hò: - Trương Phi chết rồi! Hãy lấy đầu Triệu Tử Long. Đừng để nó múa mép! Thằng Lía thét một tiếng to, ném người vào bụng tôi. Tôi chưa kịp tránh, hay cánh tay của Lía đã móc chặt ngang hông, quật tôi ngã xuống đất. Hai tay tôi giữ chặt que dâu sau lưng, hai chân đạp loạn xạ. Tiếng reo hò lại nổi lên: - Hạng Võ ngoẻo rồi! Chặt lấy thủ cấp! Tôi cố ngoi đầu nhìn lên. Cả Quan Công cũng đang giãy giụa. Quan Công đang bị quỷ Đầu Trâu đè ngang bụng, lấy tay bóp cổ. Chỉ còn Lưu Khánh lạch bạch đang bỏ chạy. Tình thế rất khó chuyển bại thành thắng. Việc thua trận của phe Ngũ Hổ đã hiển nhiên. Trong năm tướng Ngũ Hổ thì Trương Phi và Hạng Võ đã bị mất đầu, các tướng còn lại cũng sắp bị chặt mất thủ cấp. 
** *
Chợt không hiểu vì sao thằng Lía đang vít chặt lấy tôi bỗng buông tôi ra. Nó đứng phắt dậy, nhìn nhìn rồi ba chân bốn cẳng bỏ chạy. Có tiếng kêu to: - Chúng bay ơi! Có thằng mọi biển! Mau ra coi! Bọn Cốt Đột, thằng Lía, bọn Thiên Lôi bỏ chạy. Trương Phi, Hạng Võ, Quan Công bỗng đứng lên. Tất cả chạy đến vây quanh một thằng mặt mày nom kì dị. Nó có cặp mắt xếch, nước da nó đen thui. Chừng bao nhiêu tuổi, tôi không đoán được. Có thể mười tuổi, có thể mười hai, mười ba tuổi gì đó. Nó gầy đét. Đầu nó đội cái mũ giống chiếc mũ nồi, đủ màu xanh đỏ từng khoanh ghép lại. Ở làng tôi cũng có những người ở Sài Gòn, Lục Tỉnh về. Họ đội nhiều cái mũ nom rất lạ. Nhưng tôi chưa hề thấy một chiếc mũ nào lại có nhiều màu sắc sặc sỡ như vậy. Bọn trẻ đứng vây quanh, đi qua đi lại – dòm dòm ngó ngó như những lái mua trâu. Một đứa chợt nói toạc: - Đen quá hè! Tất cả nổi cười ồ. Một đứa hỏi: - Tên mày là chi? Thằng lạ mặt đứng lặng thinh. Nó hơi núng vì thấy đứa nào cũng có vẻ hung tợn. Sau cuộc chơi giật lá, mặt mày bọn chăn trâu đang đổ lửa phừng phừng. Chợt thằng Thân ở xóm chợ nhảy ra: - Tên là Cù Lao đó! Nó huơ tay ra sức giảng giải: - Nó ở xứ cù lao Chàm ngoài biển Đông. Tên nó cũng Cù Lao, tên mới dị chớ! Nó về đây hôm qua. Ở xứ biển Đông có con cá Ông to lắm, bằng cái đình vậy! Khi giông tố, ghe thuyền bị chìm. Người ăn ở có hậu đã có Ông cõng vào, không chết đâu mà sợ. Khi Ông chết, trời cũng mịt mù...Thân đầu trọc còn định nói dài nữa, những đứa khác đang nóng ruột muốn hỏi thằng Cù Lao. - Phải vậy không? Có phải tên là Cù Lao không? Thằng lạ mặt bước thụt lui hai bước, quay lưng đi về phía bờ cây bã đậu. Nó quay lại nhìn nhìn rồi co giò bỏ chạy. Bọn chăn trâu nổi cười ồ. Thân đầu trọc nói át tất cả: - Nó ở dưới biển Đông. Biển Đông là chỗ mặt trời mọc. Ở đó gần mặt trời, nước nóng lắm! - Hèn gì! Mặt trời đốt nó cháy đen thui. – Một thằng vừa nói vừa gật gù như vừa khám phá ra một điều bí mật. Tất cả những đứa khác cũng gật gù theo. Thân đầu trọc càng quả quyết: - Tao xem đi xem lại, thằng đó cũng là mọi biển. Mọi biển là thằng nào cũng đen như đít trã. Mọi núi cũng đen. Bọn ở cao càng đen, vì gần mặt trời. Mọi cao có giống có đuôi. Chúng có một thứ “ngải” kinh lắm! Nó kể lại một lần đi theo cha nó lên nguồn gặp mọi có đuôi biết bỏ ngải. Bị bỏ ngải là bỏ xừ! Cái bụng sẽ phình lên, to mãi, căng mãi ra rồi, đoàng! Bụng nổ như pháo cối, ruột gan văng tung đi hết... Nhưng chuyện bụng nổ như pháo cối không hấp hẫn bằng chuyện cái đuôi. Một thằng hỏi: - Nhưng tao muốn hỏi cái đuôi nó mọc chỗ nào? Có phải mọc chỗ này không? – Vừa hỏi nó vừa sờ vào chỗ mông của thằng đứng bên cạnh . – Nó to hay nhỏ, giống cái đuôi lợn lăng quăng hay cái đuôi trâu? Như vậy nó cứ cộm, làm sao ngồi đặng? Thân đầu trọc giơ ngón tay út: - Bằng cái lóng tay này nè. Ghế ngồi đều phải đục một cái lỗ trống. Một vài đứa tiếc rẻ là lúc nãy quên xem thằng mọi biển có cái đuôi hay không. Thân đầu trọc quả quyết: - Làm gì có đuôi! Nhưng nó biết uống nước bằng lỗ mũi, uống được nước mặn! Một thằng ở xóm dưới bỗng nổi cười lăn cười lóc: - Bay nè! Tao gặp nó ngoài chợ. Ai đời, hì hì! Cái “dung” đậy cái nồi mà nó nói là cái vung. Cái trã nó gọi là cái trách. Có trách móc ai đâu. Hì, hì! Nó nói với bà bán nồi: Bán cho tôi cái vung để đậy cái trách. Bà bán nồi chịu chết, không biết nó nói cái chi chi, hì, hì! Đi “dề” nhà, nó nói đi huề nhà, hì hì! Nó uống nhiều nước mặn nên bị cứng lưỡi! – Nói đến đây nó ngã lăn xuống đất, ôm bụng cười rũ rượi. Một đứa khác phụ hoạ: - Nó chẳng biết mốc gì cả. Hôm qua tao lại chỗ nó. Nó lấy tay đánh đốp, đập chết con muỗi. Nó lượm con muỗi đem ra sân ngắm nghía như một con gì lạ. Thấy người ta ăn nhộng, nó sợ mất máu. Nó nói là ăn sâu. Một thằng khác chép miệng tiếc rẻ: - Uý! Nhộng ngon vậy mà không biết ăn! Nó ăn cái chi? - Tao thấy nó mua đường với mắm cái. - Uý mẹ ơi! Kinh lắm! Ăn đường với mắm cái phải oẹ ra hết! Một vài đứa khạc nhổ rồi nôn oẹ như chính mình vừa ăn đường trộn với mắm cái. - Thấy con ngỗng, nó không biết con chi. Gặp trâu nó tránh xa, giương mắt ếch. Nó nhát như cáy. Gặp nó, tao thét một tiếng, nó hoảng cái chơi! Một đứa đầy vẻ quan trọng: - Tao xem thằng này dị tướng! Nó lại ở xứ biển Đông, chỗ mặt trời mọc. Thầy Lê Hảo nói phát xít Nhật cũng ở chỗ đó. ở cùng một chỗ, chúng phải quen nhau. – Nó hạ thấp giọng: – Phải coi chừng mới được! Đến đây không khí bỗng đổi khác. Đứa nào cũng hoá nghiêm nghị tưởng như mật thám Nhật đã đột nhập vào sông Thu Bồn. Một đứa nhìn khắp chung quanh: - Phải báo Uỷ ban bắt quách! 
** *
Trưa hôm đó, đưa trâu về nhà, tôi thuật lại với chị Ba tôi vừa gặp một thằng mọi biển. Tên nó là Cù Lao, ở ngoài cù lao Chàm mới về. Thấy chị Ba nghe có vẻ chăm chú, tôi càng nhấn thêm một vài chi tiết có vẻ giật gân. Nào là thằng Cù Lao đó trông rất gớm ghiếc. Nó biết uống nước bằng lỗ mũi. Cặp mắt nó con nhỏ con to cứ lấm lét. Chị Ba nghe xong xì một tiếng: - Làm gì có mọi biển mọi núi! Họ cũng là người như ta cả. Thằng Cù Lao đó là con của chú Hai Quân. Chú Hai Quân ở ngoài cù lao Chàm về đây hôm qua. Trước kia bị lí trưởng đánh, chú bỏ làng đi mất. Chú cùng họ với nhà mình, chú của anh Bốn Linh đó. Chú có đứa con trai, chắc là thằng mày gặp. Chúng mày ma cũ ăn hiếp ma mới. Chớ bịa đặt những chuyện bậy bạ! Cách nói của chị Ba có một cái gì quả quyết làm tất cả những điều tôi tưởng về thằng Cù Lao bỗng tan ra mây khói. Chị Ba bảo tôi đi xúc ngô ra giã. Tôi xách mủng leo vào cót xúc một mủng bắp đổ vào cối. Chị Ba hứa sẽ làm món lớ bắp. Nghe vậy tôi giã càng nhanh. Chợt chị Ba ra hiệu bảo tôi dừng chày: - Im để nghe thử! Hình như có tiếng ai khóc. Tôi dừng chày lắng nghe. Rõ ràng có tiếng kể lể từ phía nhà anh Bốn Linh đưa lại. Chị Ba gác chày lên cối, bỏ chạy. Tôi vứt chày chạy theo. Trước nhà anh Bốn Linh, bọn trẻ con đang nhốn nháo. Trong nhà có tiếng khóc ồ ồ và tiếng kể lể. - Ốí trời ơi! Chị chết đi bỏ một mình anh ở lại... sống một ngày dương gian bằng nghìn ngày âm phủ... Quái! Chị Bốn Linh hôm qua bị cảm đã nhờ chị Năm Như cào xông. Sau đó lại làm thêm mấy bát cháo hành. Không nhẽ chị Bốn lại bỏ anh Bốn về với ông bà đột ngột như vậy? Tôi nhìn quanh trong nhà cũng chẳng có ai nằm im đắp chiếu, cũng chẳng thấy có cỗ áo quan nào cả. Bác Úc ngồi xếp hàng trên phản cười tủm tỉm. Thầy Lê Hảo cười hà hà. Chú Năm Mùi cười hì hì. Ông Bảy Hoá cười như người ta ho khẹc, khẹc! Ông vừa cười vừa vuốt râu ra bộ khoan khoái lắm. Bộ râu của ông Bảy vừa rậm vừa dài toả xuống đến rốn. Xem điệu bộ ông vuốt râu, người ta tưởng ông còn muốn kéo râu ông dài đến đất. Một người lạ mặt, tóc hoa râm ngồi cạnh bác Úc. Tiếng khóc và tiếng kể lể nổi lên: - Ối chị Hai ôi! Anh Hai đã về đó mà chị đi đâu?... Thì ra bà Hiến đang ngồi khóc. Bà là người khóc to nhất. Chị Bảy Có, chị Năm Như ngồi chung quanh cũng thút thít. Tôi rất lạ là trong lúc các bà đang khóc lóc thì bên nam giới lại cười nói ồn ào. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa hề thấy một cảnh vừa cười vừa khóc như vậy. Trong những hội hè đình đám tất cả đều uống rượu, ăn thịt, đều cười hể hả, không ai khóc. Tôi cũng có đi xem những đám ma, nhiều đám to lắm, cũng chỉ thấy người ta khóc. Nếu không khóc cũng làm ra vẻ buồn, chẳng có người cười người khóc bao giờ cả. Bà Hiến nấc lên: - Khi anh Hai bỏ làng đi thì chị Hai cũng đi biệt tích. Chị em thương nhau từ thuở để chỏm. Con rận, con chí cũng cắn làm đôi, không nhớ không thương sao được! Ông Bảy Hoá lại vuốt râu dài cười khẹc khẹc: - Ôi cái bà này! Trước đây anh Hai bị đế quốc phong kiến áp bức, cực chẳng đã phải bỏ làng ra đi. Nay Cách mạng lên rồi. Đất đã lành thì chim phải bay về đậu. Anh Hai về tìm lại quê cha đất tổ, bà con ta phải mừng chớ làm răng bà lại khóc? – Ông bắt chước cách nói lối của hát tuồng – Anh Hai giận làng ra đi, bỏ chị Hai ở lại. Ra ngoài cù lao Chàm lại lấy được một bà khác. Bà sau sinh được một cậu quý tử. Thật là hạnh ngộ! Ông Bảy Hoá đưa mắt nhìn quanh. Chợt ông chỉ tay vào chỗ góc cột: - Có phải chỗ nó kia không? Tôi nhìn theo ngón tay chỉ của ông Bảy Hoá. Thì ra là thằng Cù Lao đang đứng nép sau gốc cột. Ông Bảy Hoá đưa tay vẫy vẫy: - Ra đây. Mày ra đây để bác xem cái tướng mày ra sao? Ái chà! Trán cao, mắt xếch, tai sừng, đường đường như Lục Vân Tiên. Lại đen thui đen thủi! Uý, có cái mũ khéo đã hung! Cho bác mượn bác đội một chút cho sướng. – Ông quay về phía người lạ mặt: – Nè anh Hai, đã về đến đây, anh để cho em nó ăn mặc chi lạ vậy? Quần dài không ra quần dài, quần xà lỏn không ra quần xà lỏn. Phải sắm cho em nó một bộ đồ tây, có cái ca-vát hẳn hoi, đội cho nó cái mũ phớt, ngó mới được! Thằng Cù Lao mắc cỡ lại thụt vào sau gốc cột. Ông Bảy Hoá cười to: - Con trai sao lại thậm thà thậm thụt làm vậy! Phải can trường lên chớ! Lục Vân Tiên tuổi vừa đôi tám đã đánh được bọn lâu la, Về đây, nên dùi mài kinh sử. Cách mạng đã thành công, phong vân ta đà gặp hội! Ông Bảy Hoá quay sang phía thầy Lê Hảo: - Sẵn đây có thầy Lê Hảo, anh Hai nên nhờ thầy lo bề đèn sách cho em nó. “Danh con đặng rạng thì tiếng thầy đồn xa” đó thầy! Anh Bốn Linh ở dưới nhà bếp bước lên nói liền theo: - Tôi phải lo cho nó học tập cái đã. Chú tôi về được đây, ông chẳng phải lo cái chi cho mệt. Mất cha còn chú. Chú cũng như cha. Vợ chồng tôi sẽ lo hết cho chú. Chữ hiếu trung bọn này giữ trọn. Ông Bảy Hoá khẹc khẹc to hơn: - Vậy mới phải đạo chớ! Tôi còn muốn hỏi, vậy cái khoản mừng anh Hai về làng, anh chị Bốn định sao? - Trưa nay tôi có con gà, làm bữa qua loa. Mời ông Bảy ở lại với chú tôi cho vui, không mấy khi hai ông gặp lại. Ngoài chuồng, tôi còn con heo. Tôi bảo mụ Bốn thúc cho nó béo ú ù, rồi mời bà con đến cầm... chén rượu! Dưới nhà có tiếng gà bị bắt kêu oang oác. Chợt con Vện nhà anh Bốn Linh sủa ran. Con Vàng nhà tôi cũng sủa. Chó nhà bà Hiến sủa rộn lên. Ông Kiểm Lài bên hàng xóm chạy qua, chú Năm Mùi, dượng Hương Thư, ông Bốn Rị ở xóm dưới chạy đến. Ông Kiểm Lài vừa bước vào cửa đã oang oang: - À anh Hai! Anh về đó hả ? Anh giận có người, chớ sao lại giận cả bà con, bỏ đi biệt tích. Sáng nay anh về... Hèn gì con chim khách cứ bay qua bay lại kêu choẹt choẹt. Tưởng có khách lạ. Té ra anh Hai về. Ông Bảy Hoá vê râu: - Sáng nay tôi cứ hắt xì, hắt xì, đoán có điềm lành. Hoá ra thật! Bác Úc cười: - Bữa nay mà ông Bảy còn nói chuyện mê tín. Sách của ông Bảy cũng phải đốt đi. Ông Bảy nửa đùa nửa thật: - Thế tôi xem tướng có sai không nào? Khi anh Sáu còn bị đế quốc làm tù, tôi xem tướng biết cái hậu vận của anh sẽ làm ông lớn. Nay nghe nói anh làm đến chức gì rồi đó! Có đúng không nào? – Ông quay sang phía chú Hai Quân chỉ vào cái cằm của chú: - Theo sách tướng, người có cái cằm dài và nhọn như thế này thì cả đời lao khổ. Nhưng được một cái thượng đình (2) bằng bằng như anh Hai thì hậu vận về sau phú quý. Bác Úc cười to hơn: - Nước nhà độc lập, rồi đây ai chẳng phú quý. Đoán như vậy cũng chẳng khác chi thầy bói “đoán cho một quẻ trong nhà, vợ chú đàn bà chẳng phải đàn ông”. Mọi người cùng cười. Bà Hiến nín khóc cười theo: - Còn cái hậu vận của tôi nè? - Bà hử? Bà có hai tai to, hai má bầu bầu. Như vậy tướng bà đúng là tướng phật. Tiên phật ra đời phải nếm đủ mùi cay đắng. Đức Quan Âm cũng vậy, phải chịu hết oan khiên. Lửa thử vàng gian nan thử sức, sau đó mới được ngồi trên toà sen. Bà từ nhỏ đến già, không nơi chui rúc. Nhưng nhờ cái hiếu trung giữ trọn nên đã đến lúc... thái lai. Vài ngày nữa bà có một gian nhà mới, có hai trái tám cột đàng hoàng! - Phải chịu thầy coi tướng giỏi! Uỷ ban đã cấp đủ tranh tre kèo cột. Đợi vài bữa sẽ có nhà mới! Tiếng cười như pháo nổ. Ai cũng muốn hỏi chú Hai rất nhiều chuyện, mời chú Hai về nhà mình chơi. Cho đến lúc chị Bốn Linh nhắc chồng quét bàn để dọn cơm, mọi người mới lần lượt giải tán. Chú thích:(1) Nhọt. Mụt chùm bao: nhọt làm mủ lâu không lành.(2) Thượng đình: phần trên của mặt. 
Con bò là ai con bò là taHọc hành biếng nhác thành ra con bò

Quê nội - Võ Quảng - chương 2 
2
Chú Hai Quân là người làng Hoà Phước, nằm trên bờ sông Thu Bồn, hình thế giống như một con rùa nằm cạnh bờ bể. Bể dó là một rừng dâu xanh. Chuyện kể lại rằng: Lúc khai thiên lập địa, trời đất còn hỗn mang, chưa có sông Thu Bồn. Tất cả nguồn nước không chảy về phía đông mà cứ chảy loanh quanh ở phía tây, vì ở đó có con giao long khổng lồ hút hết nước. Thuở ấy thần Mưa tính hay lơ đễnh, có lúc quên cả những việc có thể gây ra cái chết cho cả trăm loài. Một năm thần Mưa quên gọi Mây tưới nước xuống phía đông, gây ra những cơn hạn hán khủng khiếp. Ao hồ cạn nước, cây cối khô queo. Lưới lửa suốt ngày cứ bập bùng. Loài biết bò và loài biết bay, loài có râu và loài không râu đều cháy ra tro bụi. Hồi đó trên non cao có một vị thần tên là Thượng Ngàn. Ngài cao to khác thường. Người đời phải có tầm mắt thật xa mới nhìn thấy được Ngài trong ráng chiều lộng lẫy. Ngài hay qua lại giữa khoảng trăng sao. Một hôm nhìn về hướng đông, biết có cơn hạn lớn, Ngài vội vã đi tìm con giao long hút nước. Ngài nhổ sẵn nhiều cụm núi rồi đứng đợi. Giao long vừa há mồm, Ngài lập tức tọng nhiều quả núi vào họng nó. Nó giãy lên làm núi non ào ào sụp đổ. Một phen đất chạy đá bay! Giao long bị quật chết, ngã sóng sượt, xương xẩu nanh vuốt của nó chất thành núi như núi Mĩ Yên, núi Lập Thạch trùng điệp và lởm chởm đến vài mươi dặm, hiện này còn thấy. Nước không bị giao long hút cứ tràn ra. Vị Thượng Ngàn phải chẻ núi, vạch nguồn Chiên Đàn, nguồn Thu Bồn và nguồn Ô Da. Tất cả ba nguồn Chiên Đàn, Thu Bồn, Ô Da ngài cho nhập lại thành một con sông to. Đó là sông Thu Bồn ngày nay. Sông Thu Bồn chảy đến Văn Ly, Ngài Thượng Ngàn cho chẻ ra làm đôi như đôi tay ôm lấy khu Gò Nổi. Vị Thượng Ngàn còn vạch dọc theo bờ bể sông Trường Giang, sông Tam Kì, sông Bầu Bầu... Ngang dọc chỗ nào cũng có sông, có nước, đủ cho dân cư nảy nở. Nhưng việc mới lại đẻ ra. Dân cư trên sông Thu Bồn hoá đông đúc. Số người đẻ ra nhiều thì số người chết không ít. Nhà cửa dưới âm phủ ngày càng thấy thiếu, mọi việc trở nên phiền phức. Vua Diêm Vương thấy cần thiết phải xây dựng thêm nhà cửa và cung điện. Ngài sai bọn Hà Bá mang theo bọn Thuồng Luồng, Bạch Tuộc lên nguồn đốn gỗ. Chúng ngược sông Thu Bồn, hô mưa gọi gió gây ra những bão táp dữ dội, vặt hết gỗ tốt. Vị Thượng Ngàn phải đánh trả. Ngài nhổ những núi to ném xuống. Bọn thuỷ quái chết có hàng triệu, thây đặc cả nước. Núi rơi loạn xị cắm xuống đất, có hòn cao ngất như Núi Chúa, núi Cu Đê, núi Phò Nam. Có hòn làm thành những hình thù kì quái: Hòn Nghê giống như sư tử đứng chồm ra biển, cụm Ngũ Hành Sơn giống như năm ngọn tháp chọc trời xanh, núi Quắp giống như một cái vuốt hổ, dãy Phò Nam giống như đàn cá kình vùng vẫy... Như vậy sau những cuộc chiến đấu ác liệt, núi cũng như sông ở quê nội của thằng Cù Lao đã hình thành, hiện nay còn nguyên như cũ. 
** *
Câu chuyện vẫn tiếp tục. Nhờ những trận đánh trả quyết liệt của vị Thượng Ngàn, nhân dân đã sống sót. Nhưng sau trận lụt bão, nạn dịch t

File đính kèm:

  • docQue Noi.doc
Đề thi liên quan