Sáng kiến kinh nghiệm Hướng dẫn học sinh lớp 5 xác định đúng các vế trong câu ghép tiếng việt trường hợp vế câu ghép không đủ chủ ngữ, vị ngữ

doc6 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 344 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm Hướng dẫn học sinh lớp 5 xác định đúng các vế trong câu ghép tiếng việt trường hợp vế câu ghép không đủ chủ ngữ, vị ngữ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Sáng kiến
hướng dẫn học sinh lớp 5
xác định đúng các vế trong câu ghép tiếng việt trường hợp vế câu ghép không đủ chủ ngữ, vị ngữ
I/ đặt vấn đề: 
 	Phân môn Luyện từ và câu lớp 5, ngoài việc giúp học sinh ôn tập các kiểu câu, các dấu câu đã học còn cung cấp cho các em kiến thức về một kiểu câu mới: Câu ghép. Câu ghép là câu, xét về cấu tạo có hơn một vế câu (kết cấu chủ vị), trong đó các vế câu tách biệt tương đối với nhau, không có vế câu nào nằm trong lòng, làm thành phần của vế câu kia. Về ý nghĩa, câu ghép nói về nhiều sự vật, sự việc, hiện tượng, tình cảm, cảm xúc... có liên quan đến nhau. Vì vậy câu ghép giúp cho học sinh có thêm một cách thức diễn đạt hữu hiệu khi nói và viết.
Sách giáo khoa Tiếng Việt 5 tập 2 nêu khái niệm câu ghép ở mức độ đơn giản như sau “Câu ghép là câu do nhiều vế câu ghép lại. Mỗi vế câu ghép thường có cấu tạo giống một câu đơn (có đủ chủ ngữ, vị ngữ) và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.”
Qua khái niệm trên, ta hiểu: Trong câu ghép phần lớn các vế câu có đủ chủ ngữ (CN), vị ngữ (VN) nhưng cũng có câu ghép mà một vế câu nào đó không đủ hai bộ phận chủ ngữ, vị ngữ. Tuy nhiên sách Tiếng Việt 5 chỉ đưa ra các câu ghép có đủ chủ ngữ, vị ngữ ở các vế câu mà không đưa ra trường hợp câu ghép có vế câu không đủ chủ ngữ, vị ngữ hoặc không đưa ra lý giải vì sao không đủ chủ ngữ, vị ngữ mà vẫn xác định đó là một vế của câu ghép. Chính phần khiếm khuyết này đã làm cho giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn trong khi dạy- học. Từ những đòi hỏi về hiểu biết của bản thân và cuả học sinh, tôi thấy cần phải nghiên cứu và đưa ra một cách làm để học sinh biết cách xác định đúng các vế của câu ghép trong trường hợp vế câu không đủ chủ ngữ, vị ngữ.
II/ Giải quyết vấn đề
Đối với học sinh lớp 5 việc xác định các vế câu trong câu ghép ở dạng thông thường thì không có gì khó khăn lắm. Nhưng đối với dạng câu ghép mà vế câu không đủ chủ ngữ, vị ngữ thì không đơn giản. Trong khi làm bài tập, học sinh thường bỏ qua, không xác định trường hợp không đủ chủ ngữ, vị ngữ là một vế câu. Từ thiếu sót đó để học sinh hiểu bài và không lầm lẫn giữa câu ghép có vế câu không đủ chủ ngữ, vị ngữ với câu đơn có nhiều vị ngữ, tôi mạnh dạn đưa ra một số đặc điểm sau:
1/ Trong vế câu ghép không đủ chủ ngữ, vị ngữ thì bộ phận thiếu là chủ ngữ.
2/ Vế câu ghép không đủ chủ ngữ, vị ngữ thường xuất hiện trong một đoạn văn hay trong một câu ghép có nhiều vế câu. Trong đó bộ phận chủ ngữ bị thiếu đã xuất hiện một vài lần ở các câu văn hay các vế câu trước đó.
3/ Vế câu thiếu chủ ngữ luôn đứng sau các vế câu đủ chủ ngữ, vị ngữ và được nối với chúng bằng dấu chấm phẩy hoặc một quan hệ từ.
Với các đặc điểm trên học sinh sẽ vận dụng vào làm bài tập và tôi cũng dựa vào đó để chữa bài cho học sinh. Sau đây là một vài ví dụ :
Ví dụ 1: Trong đoạn văn:
“Mùa xuân phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e; dần dần xoè ra cho gió đưa đẩy.”
 ( Xuân Diệu- Trích “ Hoa học trò”)
Khi xác định, nhiều học sinh cho rằng đoạn văn trên có ba câu đơn. Song có thể xác định câu thứ ba là câu ghép có hai vế câu.
 Lá ban đầu xếp lại, còn e;/ (lá) dần dần xoè ra cho gió đưa đẩy.
CN VN CN	VN
Vì CN lá ở vế câu thứ hai đã được nêu ở câu một và câu hai và vế thứ nhất của câu ba nên được lược bỏ đi để giúp cho việc diễn đạt gọn hơn, tránh lặp từ nhiều lần mà người đọc vẫn hiểu đúng nghĩa.
Ví dụ 2: ở mảnh đất ấy, tháng giêng, tôi đi đốt bãi, đào ổ chuột; tháng tám nước lên, tôi đi đánh giậm, úp cá, đơm tép; tháng chín, tháng mười đi móc con da dưới vệ sông. ở mảnh đất ấy, những ngày chợ phiên, dì tôi lại mua cho vài cái bánh rợm; đêm nằm với chú, chú gác chân lên tôi mà lẩy Kiều ngâm thơ; những tối liên hoan xã, nghe cái Tỵ hát chèo và đôi lúc lại được ngồi nói chuyện với Cún Con, nhắc lại những kỉ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu.
(Nguyễn Khải- Tình quê hương)
Khi xác định vế câu, học sinh chỉ cho rằng hai câu ghép trên có hai vế câu. Nhưng khi cho đối chiếu với những đặc điểm mà tôi đã nêu, học sinh sẽ xác định được câu ghép thứ nhất có ba vế câu, câu thứ hai có bốn vế câu.
Câu 1: ở mảnh đất ấy, tháng giêng, tôi đi đốt bãi, đào ổ chuột;/ tháng 
	CN	VN
tám nước lên, tôi đi đánh giậm, úp cá, đơm tép;/ tháng chín, tháng mười,(tôi) đi 
	 CN	VN	 CN	
 móc con da dưới vệ sông.
 VN
Câu 2: ở mảnh đất ấy, những ngày chợ phiên, dì tôi lại mua cho vài cái 
	 CN	VN
bánh rợm; /đêm nằm với chú, chú gác chân lên tôi mà lẩy Kiều ngâm thơ;/ 
	 CN	 VN
những tối liên hoan xã, (tôi) nghe cái Tỵ hát chèo / và đôi lúc (tôi) lại được 
 CN VN	 CN	 VN
ngồi nói chuyện với Cún Con, nhắc lại những kỉ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu.
ở cả hai câu ghép trên, chủ ngữ tôi đã được nhắc đến ở các vế câu trước đó nên đến vế câu thứ ba và thứ tư thì được lược bỏ. 
III/ Kết quả
Bằng cách đưa ra các đặc điểm để học sinh xác định các vế trong câu ghép, trường hợp có vế câu không đủ chủ ngữ, vị ngữ, tôi nhận thấy học sinh hiểu bài và làm bài tốt hơn. Từ chỗ không xác định đúng, sau khi dựa vào các đặc điểm đó, những em học sinh khá, giỏi và một số học sinh trung bình đã làm tốt các bài tập mà tôi đưa ra. Các em đã hiểu sâu hơn về Câu ghép Tiếng Việt và yêu thích học môn Tiếng Việt hơn.
Trên đây là một sáng kiến nhỏ của tôi trong việc giúp học sinh xác định đúng các vế của câu ghép Tiếng Việt. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng do còn có những hạn chế, tôi mong các cấp lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp góp ý, bổ sung để tôi có cách hướng dẫn tốt hơn.
Tôi xin chân thành cám ơn !
xác nhận của nhà trường
Điệp Nông, ngày 01tháng 6 năm 2007
Người viết
Nguyễn Thanh Kiềm
cộng hoà xã hội chủ nghĩa việt nam
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
bản tóm tắt thành tích cá nhân
Họ và tên: Nguyễn Thanh Kiềm
Năm sinh: 05- 6- 1973
Năm vào ngành: 1995
Đơn vị công tác: Trường Tiểu học Điệp Nông- Hưng Hà
Nhiệm vụ được giao: - Chủ nhiệm + giảng dạy lớp 5B
Bí thư chi đoàn
Dạy bồi HS G toán 5 + thành viên Ban GDTC
Thành tích 4 năm học trước:
 - 4 năm liền giáo viên dạy giỏi cấp huyện
 - 4 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 
Thành tích năm học 2006 - 2007 như sau:
I/ Về nhận thức:
Năm học 2006 - 2007 là năm học đầu tiên thực hiện cuộc vận động “Ba không” do ngành Giáo dục phát động. Là một đảng viên, giáo viên, tôi luôn có lập trường tư tưởng vững vàng; chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành, sự phân công của chi bộ Đảng, lãnh đạo trường, không dao động trước những biến cố xảy ra trong Ngành.
II/ Về thực hiện nhiệm vụ được giao:
1/ Công tác chủ nhiệm:
Năm học 2006- 2007, tôi được lãnh đạo trường phân công chủ nhiệm lớp 5B. Lớp có 34 học sinh, gồm đủ các đối tượng giỏi, khá, trung bình và yếu; học sinh ở rải rác trên địa bàn toàn xã, một số em có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nhận lớp, tôi đã tìm hiểu và động viên học sinh, giúp các em yên tâm học tập. Kết quả:
Tôi đã duy trì sĩ số 100%
Các khoản thu nộp của lớp đầy đủ theo quy định
Lớp xếp thứ 3 các hoạt động Đội của khu A.
Lớp có 1 học sinh đạt HSG cấp huyện môn Toán + Tiếng Việt, 1 học sinh đạt giải viết chữ đẹp cấp huyện, 1 học sinh đạt HSG cấp huyện môn Tiếng Anh.
2/ Công tác chuyên môn
 Năm học 2006- 2007 là năm đầu tiên thực hiện chương trình SGK lớp 5 mới. Tôi đã tích cực tham gia các chuyên đề do Phòng Giáo dục và trường tổ chức; ngoài ra, tôi còn tự tìm tòi và học hỏi đồng nghiệp để không ngừng nâng cao phương pháp giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Kết quả:
- Tôi luôn soạn giảng đầy đủ theo phương pháp mới; hồ sơ sổ sách xếp loại khá tốt.
 - Các tiết thao giảng đều đạt yêu cầu và đạt yêu cầu cao.
- Kết quả kiểm tra cuối năm:
+ Môn Toán đạt 94,1%. Trong đó loại khá giỏi là 60%
+ Môn Tiếng Việt đạt 100%. Trong đó loại khá giỏi là 60% 
3/ Công tác khác
Là chi uỷ viên, tôi đã cùng các đồng chí trong ban chi uỷ chỉ đạo chi bộ hoạt động tốt, thực hiện đúng nhiệm vụ lãnh đạo các hoạt động của trường.
Là bí thư chi đoàn, tôi cùng các đồng chí trong BCH chỉ đạo chi đoàn hoạt động có hiệu quả, nhiều đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chi đoàn đã hỗ trợ tích cực các hoạt động của Liên đội.
Là thành viên Ban GDTC, tôi cùng các đồng chí trong Ban hướng dẫn các đội tuyển hoạt động tương đối hiệu quả. Đội tuyển Cờ vua và Bóng đá xếp thứ hai của cụm, có 1 học sinh tham gia đội tuyển bóng đá của huyện.
Là năm đầu tiên tham gia dạy bồi đội tuyển HSG lớp 5, tôi đã tích cực tìm tòi các dạng bài tập để truyền thụ cho học sinh. Kết quả có 2 học sinh đạt học sinh giỏi Toán + Tiếng Việt, 1 học sinh đạt giải viết chữ đẹp cấp huyện.
Ngoài các hoạt động trên, tôi còn tích cực tham gia các họat động khác của Nhà trường.
Trên đây là những kết quả mà tôi đã đạt được trong năm học 2006- 2007. Tôi rất mong được các đồng chí trong BGH, Ban thi đua nhà trường và lãnh đạo Phòng Giáo dục ghi nhận để tôi đạt được kết quả tốt hơn trong năm học tới.
	Tôi xin chân thành cám ơn !
xác nhận của nhà trường
Điệp Nông, ngày 01tháng 6 năm 2007
Người viết
Nguyễn Thanh Kiềm

File đính kèm:

  • docSKKN Huong dan xac dinh dung cac ve cau ghep.doc