Sáng kiến kinh nghiệm Rèn chữ viết cho học sinh Tiểu học - Vũ Thị Giang

doc4 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 630 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm Rèn chữ viết cho học sinh Tiểu học - Vũ Thị Giang, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần I - Đặt vấn đề
I. Lý do về việc cần thiết “Rèn chữ viết” cho học sinh:
Đối với học sinh bậc Tiểu học nói chung và với học sinh lớp 1 nói riêng, việc rèn chữ viết cho các em là vấn đề cần thiết song song với việc dạy kiến thức văn hoá. Bước đầu các em được học chữ, viết chữ. Nếu mỗi giáo viên không chú ý uốn nắn chữ viết cho các em thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cả quá trình học tập của các em trong những lớp học, cấp học tiếp theo.
II. Mục đích, yêu cầu của việc rèn chữ viết cho học sinh:
1. Bồi dưỡng cho học sinh lòng say mê, sự ham thích qua việc rèn chữ viết, từ đó giúp các em có tinh thần quyết tâm thực hiện việc rèn chữ viết đẹp.
2. Phát huy lòng nhiệt tình, sự kiên trì, tỉ mỉ của thầy, cô giáo với việc rèn chữ viết, uốn nết người cho học sinh.
3. Rèn kĩ năng viết đẹp cho học sinh, tạo cho học sinh có thói quen cẩn thận khi viết.
III. Kết quả cần đạt được:
ở lớp Một, từ chỗ các em nắm được cấu tạo, độ cao của các con chữ, viết đúng các nét của các con chữ đến chỗ các em biết liên kết, viết liền mạch các con chữ để tạo thành chữ, từ, câu văn rồi đến đoạn văn, đoạn thơ ngắn gọn. Sau đó, lên lớp trên các em luôn có ý thức viết chữ đẹp để tham gia phong trào “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp” và làm cơ sở để học tốt các môn học.
IV. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu:
- Tất cả học sinh trong lớp được phân công và số học sinh trong trường Tiểu học Trung Lập.
Phần II – Nội dung
1. Muốn rèn chữ viết đẹp cho học sinh, điều quan trọng là dạy học sinh viết đúng các nét khuyết trong một chữ.
Trong một chữ có thể có cả hai nét khuyết (nét khuyết trên và nét khuyết dưới), cũng có thể chỉ có một trong hai nét đó. Giáo viên cần dạy cho học sinh kĩ thuật viết đúng nét khuyết. Từ đó học sinh viết đúng các con chữ có nét khuyết như: l, h, b, k, y, g,  Học sinh cần xác định đúng điểm đặt bút, điểm lượn, điểm dừng bút, mặt khác mỗi học sinh cần có sự phối hợp nhẹ nhàng của các ngón tay.
2. Kinh nghiệm dạy học sinh viết đúng khoảng cách giữa các con chữ, giữa các chữ:
- Khoảng cách giữa các con chữ trong một chữ là một nửa bề ngang một con chữ o.
- Khoảng cách giữa các chữ trong từ (hoặc câu) là bề ngang một con chữ o.
- Dạy học sinh ước lượng khoảng cách bằng mắt thường.
- Giáo viên làm mẫu: viết chữ mẫu trên bảng lớp đúng khoảng cách cho học sinh quan sát (kể cả những chữ phê trong vở học sinh cũng vậy).
3. Dạy học sinh viết đúng độ cao, bề rộng của các con chữ, ghi dấu thanh đúng vị trí trong một chữ. Dạy học sinh viết liên kết các con chữ trong một chữ, viết liên kết phụ âm đầu với vần trong một chữ.
4. Để học sinh viết đúng mẫu, viết đẹp, trước hết giáo viên phải hướng dẫn học sinh nắm được quy trình viết một chữ.
- Học sinh nắm được cấu tạo của chữ gồm mấy nét hoặc mấy con chữ.
- Độ cao của các con chữ, xác định đúng khoảng cách giữa các con chữ trong một chữ.
- Đối với giáo viên: Hướng dẫn học sinh bắt đầu đặt bút từ đâu để viết con chữ đầu tiên, tiếp tục viết đến con chữ tiếp theo, tiếp tục viết đến con chữ cuối cùng và điểm dừng bút ở đâu (dừng bút ở giữa dòng li hay trên đường kẻ ngang).
- Yêu cầu học sinh viết liền mạch, không được nhấc bút lên. Muốn vậy, học sinh phải làm tốt các kỹ thuật đưa bút nối nét cho chuẩn. Sau khi viết xong các con chữ trong một chữ mới được nhấc bút ghi các dấu phụ và dấu thanh (nếu có).
5. Ngoài những kinh nghiệm dạy học sinh viết như trên, trước khi cho học sinh viết bài, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách cầm bút, vị trí đặt vở khi viết, tư thế ngồi đúng trong khi viết.
Tóm lại, để rèn chữ viết đẹp cho học sinh không phải công việc “một sớm, một chiều” mà đây là cả một quá trình rèn luyện kiên trì của cả giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên – người trực tiếp dạy học sinh – cần phải quyết tâm, kiên trì, tỉ mỉ hướng dẫn cho học sinh viết đúng mẫu rồi tiến tới viết đẹp.
Trong quá trình dạy học sinh rèn chữ viết, giáo viên phải kiểm tra, chấm điểm thường xuyên nhằm khen ngợi, động viên những em viết đẹp. Đồng thời, giáo viên cần phát hiện ra những lỗi sai, những tật chữ xấu cảu học sinh để kịp thời sửa chữa, uốn nắn chữ viết của các em, động viên, khích lệ lòng quyết tâm, sự say mê học tập của học sinh. Có như vậy, việc “Rèn chữ viết đẹp” cho học sinh mới có hiệu quả.
Phần III – Kết luận
Qua quá trình giảng dạy, tôi đã dùng các biện pháp như đã nêu ở trên để rèn chữ viết cho học sinh. Nhìn chung, học sinh đã viết đúng mẫu, nắm được quy trình viết một chữ, đưa bút viết liền mạch các con chữ trong một chữ. Học sinh viết đúng độ cao của các con chữ, dãn đúng khoảng cách giữa các con chữ trong một chữ, khoảng cách giữa các chữ trong từ, câu. Một số học sinh đã biết giữ vở sạch, viết chữ đẹp.
Tuy nhiên, còn một số em viết chưa đúng mẫu, viết chưa đẹp. Nguyên nhân chính là do bản thân các em chưa cố gắng, thiếu kiên trì trong khi rèn chữ viết.
* Để giúp học sinh viết đẹp, nhà trường và phụ huynh học sinh cần tạo điều kiện tốt hơn nữa.
Đối với nhà trường:
- Có đủ số bóng điện để đảm bảo ánh sáng trong phòng học.
- Bảng lớp phải treo ở độ cao vừa phải.
- Bàn ghế học sinh kê ở độ cao phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Đối với giáo viên: Chữ mẫu viết trên bảng lớp và trong vở mẫu phải đẹp, mẫu mực. Giáo viên cần kiên trì, tỉ mỉ hướng dẫn học sinh.
Đối với phụ huynh học sinh: Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập cho con em mình để phục vụ cho việc rèn chữ viết đẹp.Đối với phụ huynh học sinh: Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng học tập cho con em mình để phục vụ cho việc rèn chữ viết đẹp.
Trên đây là một vài kinh nghiệm của tôi trong việc “Rèn chữ viết đẹp” cho học sinh Tiểu học. Có thể trong khuôn khổ của sáng kiến này còn một số hạn chế của bản thân tôi vì vậy rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí lãnh đạo cũng như các đồng nghiệp để tôi có kinh nghiệm hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trung Lập, ngày 15 tháng 3 năm 2008
Người viết
Vũ Thị Giang

File đính kèm:

  • docSKKN - CHI GIANG.doc