Sáng kiến kinh nghiệm Rèn viết chữ đẹp cho học sinh Lớp 4,5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Sáng kiến kinh nghiệm Rèn viết chữ đẹp cho học sinh Lớp 4,5, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Rèn viết chữ đẹp cho học sinh lớp Bốn – Năm Giáo viên: Nguyễn Thị Loan Trường Tiểu học Điệp Nông Chữ viết là phương tiện giao tiếp của con người. Muốn cho người khác đọc được chữ viết, hiểu được ý mình người viết phải viết đúng, rõ ràng, viết sao cho chữ viết của mình hấp dẫn người đọc. Hiện nay, ở trường Tiểu học việc rèn chữ viết cho học sinh được đặc biệt quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên, duy trì nề nếp, thói quen của học sinh, tạo điều kiện phát triển toàn diện. Chất lượng chữ viết của học sinh Tiểu học là một trong những yêu cầu cơ bản của chất lượng học tập môn Tiếng Việt. Mặt khác, kỹ năng viết chữ đúng, rõ ràng, nhanh, trình bày vở sạch đẹp theo yêu cầu đề ra sẽ góp phần tạo điều kiện cho học sinh học tốt các môn học khác đồng thời góp phần rèn luyện cho học sinh tính cẩn thận, tính kỹ thuật, lòng tự trọng đối với mình cũng như đối với thầy cô và bè bạn. Trong trường Tiểu học, học sinh được học viết, rèn viết một cách tỉ mỉ, kỹ càng ở từng tiết, từng môn song không phải em nào cũng viết chữ đúng và đẹp mà thực tế chữ viết của nhiều em không đúng khoảng cách, độ rộng, chiều cao, mắc tật chữ và lỗi chính tả, đặc biệt là học sinh lớp 4 và lớp 5. Mặt khác, với lượng kiến thức nhiều, bài viết dài, tốc độ viết nhanh hơn nên ít học sinh lớp 4 – 5 viết được chữ đẹp, chuẩn mực. Vậy làm thế nào để các em ghi chép được lượng kiến thức, viết được những bài chính tả, những bài văn dài như vậy mà vẫn đảm bảo chữ viết đẹp chuẩn mực? Điều đó đòi hỏi người giáo viên Tiểu học nói chung, giáo viên dạy lớp 4 – 5 nói riêng phải hết sức công phu trong việc rèn luyện chữ viết cho học sinh. I.Biện pháp thực hiện Trên cơ sở nhận thức đó, trong năm học qua tôi đã áp dụng một số biện pháp trong việc rèn chữ cho học sinh như sau: Việc rèn chữ cho học sinh tôi phân làm 2 giai đoạn: a) Giai đoạn 1: Rèn thường xuyên ở lớp * Khâu chuẩn bị Ngay từ buổi đầu nhận lớp tôi đã tiến hành điều tra phân loại học sinh bằng cách đọc cho học sinh viết một bài chính tả, kết hợp xem lại vở cũ của các em để phát hiện ra những em chữ viết xấu, phát hiện những tật chữ mà các em hay mắc. Tiếp đó tôi sắp xếp chỗ ngồi hợp lý: Bàn ghế vừa tầm với các em, những em chữ xấu ngồi bàn đầu hoặc bàn cạnh lối đi để tiện việc theo dõi, em viết chữ xấu xếp ngồi cạnh em viết chữ đẹp để các em có điều kiện học tập và giúp đỡ nhau. Đồng thời tôi luôn củng cố nề nếp học tập trong giờ luyện viết, giờ chính tả. Tôi quy định trước giờ học, các em phải chuẩn bị đồ dùng lên bàn theo thứ tự: bảng – phấn – vở – bút. Đặc biệt tôi luôn coi trọng việc sử dụng bút và vở viết của học sinh. Tôi quy định tất cả các em đều viết bút mực tím, không được viết màu mực khác hoặc viết bút bi dễ làm hỏng chữ. Khuyến khích các em dùng bút có nét thanh, nét đậm. Vở phải dùng loại vở không nhoè, giấy trắng mịn, dòng kẻ đậm vừa phải, có đóng bọc, nhãn vở, Việc chuẩn bị đồ dùng chu đáo sẽ giúp các em coi trọng việc học tập, tạo điều kiện cho các em học tốt, nề nếp ổn định, tận dụng được thời gian. * Phương pháp rèn: Tôi thiết nghĩ: Việc rèn chữ viết cho các em không chỉ một sớm, một chiều đã đạt được kết quả mà đòi hỏi giáo viên phải dày công, tỉ mỉ, phải tâm huyết với nghề nghiệp thì mới thành công. Chính vì vậy, tôi tận dụng thời gian rèn chữ cho các em ở mọi nơi, mọi lúc, trong tất cả những phân môn mà mình giảng dạy. Với môn Toán, tôi rèn cho các em viết chữ số, cách trình bày bài khoa học; phân môn Luyện Từ và Câu, Tập Làm Văn, tôi rèn cho các em cách trình bày bài văn, các bài tập. Tôi đặc biệt chú ý rèn chữ cho học sinh trong hai phân môn Luyện Viết và Chính Tả. Tôi ân cần, tỉ mỉ hướng dẫn các em cách ngồi viết, cách cầm bút, khoảng cách giữa vở và mắt, ngay từ tiết học đầu tiên. Và đặc biệt muốn rèn cho các em viết đẹp trước hết phải rèn cho các em viết đúng – tức là rèn cho các em kỹ thuật viết. Sở dĩ các em viết xấu, viết gẫy là do các em viết không đúng kỹ thuật. Trong các giờ Luyện viết và Chính tả khi chấm bài, lúc quan sát học sinh viết tôi tìm ra những lỗi, những tật chữ mà nhiều em mắc nhất để phân tích tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục. Ví dụ: Chữ s các em viết hay bị “gù lưng” vì nét xiên phải đưa quá cận gần như nét xổ thẳng và độ cao không đúng, nét cong hở trái lại quá cong nên chữ viết có hình dạng rất xấu . Cách khắc phục: Tôi kẻ ô phóng to trên bảng và phân tích lại cách viết cho các em: cách đặt bút tại góc ôly, đưa nét xiên phải đến chính giữa dòng kẻ ly trên nhô lên một chút tạo nét thắt sau đó viết nét cong hở trái (ẵ nét cong phía trên viết gần như nét nghiêng, ẵ nét cong dưới có độ rộng dần và cong đều, dừng bút ở ẵ ô kẻ ly. Sau đó tôi yêu cầu các em luyện viết nhiều lần trên bảng, trên giấy đến khi viết đẹp. Với các chữ khác như chữ “h, l, b” học sinh hay viết gẫy tôi cũng rèn tỉ mỉ như trên. Những chữ ít em mắc lỗi thì tôi trực tiếp hướng dẫn cho từng em sửa, viết chữ mẫu cho các em bắt chước. Đối với các em viết chưa đúng khoảng cách do vậy nét chữ hẹp, khoảng cách giữa các chữ không đều, quá dày hoặc quá thưa tôi nhắc lại cách viết và cô đọng lại như một công thức giúp các em dễ nhớ: “Con chữ cách con chữ bằng nửa chữ o”, “Chữ cách chữ bằng một chữ o”. Trước khi viết, tôi gọi em đó nhắc lại để các em nhớ viết đúng. Đối với các em viết không đúng độ cao trước khi viết tôi cũng cho các em nhắc lại độ cao của những con chữ các em hay viết sai. Bên cạnh việc rèn cho học sinh viết đẹp, tôi luôn chú ý đến lỗi chính tả của học sinh. Tôi phân tích kỹ cho các em về nghĩa của các chữ viết đúng và nghĩa của chữ viết sai để học sinh thấy được nét chữ đẹp nhưng sai lỗi chính tả thì chẳng còn ý nghĩa gì, khiến các em luôn luôn phải chú ý viết đúng chính tả. Bên cạnh đó tôi còn dùng nhiều hình thức để kích thích lòng say mê và quyết tâm rèn chữ viết cho học sinh. Tâm lý trẻ em rất thích khen vì vậy các em viết chữ tiến bộ, dù chỉ là một tiến bộ nhỏ tôi cũng kịp thời khen và động viên ngay, các em rất phấn khởi. Ngược lại. tôi luôn nhắc nhở mình không được trách mắng khi nhìn thấy các em viết chữ chưa đẹp, chưa tiến bộ, làm như vậy các em dễ nản chí. Khi chấm bài ở bất kỳ phân môn nào tôi cũng dành riêng 1 điểm hình thức và chữ viết để khuyến khích các em viết đẹp. Trong các bài viết chính tả của các em, tôi quy định chấm theo 2 phần: phần chữ viết và phần chính tả. Còn với các bài tập làm văn phần cho điểm tôi cũng yêu cầu các em kẻ thành hai ô: một ô điểm văn, một ô điểm chữ để đề cao chữ viết của các em trong từng bài, yêu cầu các em phải thường xuyên rèn chữ. Tôi quy định những bài viết chính tả hay luyện viết nếu ai đạt điểm 10 không phải viết lại, điểm 9 thì về nhà phải viết lại một lần, điểm 8 viết lại 2 lần, điểm 7 viết lại 3 lần Bên cạnh việc rèn chữ cho các em, tôi luôn luôn đề cao sự gương mẫu về chữ viết của mình. Khi chấm bài, khi lời nhận xét trong vở học sinh tôi không bao giờ tuỳ tiện mà luôn viết chữ, viết số mẫu mực. Đặc biệt trên bảng tôi trình bày bài giảng một các khoa học, sáng sủa, chữ viết đúng theo mẫu. Bảng của cô chính là trang vở mẫu cho học sinh học tập. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi tôi thường kể cho các em nghe tấm gương rèn chữ của những người đi trước; dẫn các em xuống phòng triển lãm chữ đẹp của Nhà trường để các em xem vở luyện chữ của thầy – cô, của các bạn học sinh tiêu biểu. Qua những trang vở ấy, các em sẽ có thêm niềm tin và quyết tâm say mê rèn luyện hơn. b) Giai đoạn 2: Rèn chữ cho học sinh chuản bị tham gia kỳ thi viết chữ đẹp các cấp: Trên cơ sở chữ viết của các em mà tôi đã rèn thường xuyên ở lớp, để học sinh tham gia kỳ thi viết chữ đẹp đạt kết quả cao, tôi tiếp tục đầu tư thời gian và dày công rèn chữ cho các em ở mức độ cao hơn: chữ viết đẹp chuẩn mực, sáng tạo. Sau khi Nhà trường tổ chức nhiều lần chọn đội tuyển, tôi tập trung rèn chữ cho các em vào thời gian 15 phút truy bài đầu giờ và tiết cuối của buổi chiều. Bước đầu tôi quan sát kỹ chữ viết của từng em để sửa cho các em đạt độ chuẩn mực về khoảng cách, độ cao, nét chữ. Em nào viết chưa đạt, tôi trực tiếp dùng bút đỏ sửa hoặc viết mẫu cho các em quan sát rồi viết lại. Khi chữ viết của các em đã đạt được độ chuẩn mực tôi tiến hành rèn cho các em viết theo hai kiểu chữ: chữ nét đứng và chữ nét nghiêng. + Rèn kiểu chữ nghiêng: Tôi cho các em quan sát mẫu chữ để luyện viết. Chú ý hướng dẫn các em viết chữ có độ nghiêng vừa phải, tránh nghiêng quá làm cho chữ đổ rạp, không đẹp. + Rèn kiểu chữ đứng: Hướng dẫn các em dựa vào các đường kẻ ôly trong vở để viết các chữ đứng theo dòng kẻ, nhất là những nét xổ thẳng. Tiếp đó, giúp các em viết chữ có nét thanh nét đậm, tôi hướng dẫn các em khi viết nét đưa lên thì lia nhẹ bút, khi viết nét xuống cần ấn nhẹ bút. Như vậy chữ viết các em sẽ theo ý muốn. Để việc làm này thành thói quen, tôi nhắc nhở các em phải luyện thường xuyên. Theo tôi, bài viết đẹp nổi bật cũng nhờ một phần vào việc thể hiện những chữ viết hoa (chữ đầu bài, chữ đầu câu, tên danh từ riêng,). Bởi vậy, tôi rất chú ý rèn chữ viết hoa cho các em. Ngoài việc rèn cho các em viết chuẩn theo mẫu, tôi còn hướng dẫn các em viết các nét chữ cách điệu tạo cho chữ viết mềm mại hơn. Ví dụ: Hướng dẫn viết chữ h hoa. Mẫu: - Tôi hướng dẫn các em viết: Việc cuối cùng, tôi hướng dẫn các em trình bày bài sáng tạo: Một bài viết, các em trình bày theo ba cỡ chữ: cỡ chữ to trình bày cho nổi bật đầu bài, cỡ chữ vừa trình bày nội dung bài viết, cỡ chữ nhỏ viết tên tác giả. Cách làm: lấy cỡ chữ viết vừa làm chuẩn, gấp đôi khoảng cách, độ rộng, chiều cao để được cỡ chữ to; chia đôi khoảng cách, chiều cao, độ rộng viết cỡ nhỏ. Sau đó cho các em luyện viết nhiều bài. Với cách rèn trên, bài viết của các em sẽ đẹp, khoa học và sáng tạo. II. Kết quả Qua thực tế giảng dạy, bằng một số biện pháp cụ thể do vậy mà trong năm học này, những học sinh hay viết mắc lỗi, mắc tật chữ hầu như không còn. Qua các đợt kiểm tra vở sạch chữ đẹp của Nhà trường lớp tôi luôn là lớp dẫn đầu trong phong trào này. Đặc biệt, đội tuyển và lớp do tôi dạy đạt kết quả khá cao trong các cuộc thi chữ đẹp các cấp: 2 em đạt cấp tỉnh (Trần Thị Huyền Trang, Khương Thị Liễu), 2 em đạt cấp huyện (Trần Thị Ngọc ánh, Nguyễn Thị Ngọc ánh). Bài viết vở viết của các em đã được gửi đi triển lãm trong hội thi: “Vở sạch – chữ đẹp” của huyện nhà. Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ mà bản thân tôi đã học tập, tích luỹ, sáng tạo trong công tác rèn chữ đẹp cho học sinh. Tôi rất mong được sự góp ý của các đồng chí, đồng nghiệp để bản thân tôi ngày một tiến bộ, giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn, góp phần vào công cuộc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Xác nhận của nhà trường Điệp Nông, ngày 6 tháng 4 năm 2006 Người viết
File đính kèm:
- SKKN Ren viet chu dep cho HS lop 45.doc