Tác giả bài thơ nổi tiếng “Đi học”
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tác giả bài thơ nổi tiếng “Đi học”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tác giả bài thơ nổi tiếng “Đi học” ( Bài viết của Trần Bình Minh) “Hôm qua em tới trường/ Mẹ dắt tay từng bước/ Hôm nay mẹ lên nương/ Một mình em tới lớp...”. Nhà thơ - Liệt sĩ Minh Chính Trong vài thập niên trở lại đây, không một cô cậu học trò nào trên đất nước Việt Nam lại không biết đến những câu thơ đó trong bài thơ “Đi học” được in trong sách Tiếng Việt lớp hai.Điều mà tôi dám chắc lại càng được khẳng định hơn khi những câu thơ có vẻ đẹp trong vắt đó được nâng cánh trên những giai điệu mang âm hưởng dân ca Tày - Nùng của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, đã trở thành quen thuộc với không chỉ trẻ em. Nhắc đến Bùi Đình Thảo, người ta nhớ ngay ông là một nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc dành cho tuổi thơ. Nhưng với tác giả bài thơ “Đi học”, ngoài cái tên Minh Chính, người ta hầu như không biết gì thêm...Tôi cũng nằm trong số những người này, cho đến trước mùa thu 1996. Năm đó NXB Giáo dục chủ trương xuất bản cuốn “Thơ chọn với lời bình” (2 tập), gồm những bài thơ hay nhất được chọn từ chương trình văn cấp tiểu học kèm theo các lời bình. Trong 6 bài thơ mà tôi nhận viết lời bình, có bài “Đi học” của Minh Chính. Công việc trôi chảy, nhưng đến khi NXB yêu cầu làm tiểu sử sơ lược về các tác giả để in kèm tác phẩm được chọn thì tôi gặp trở ngại...Tôi không có thông tin gì về tác giả Minh Chính, ngoài một lần đã lâu lắm tình cờ được nghe láng máng qua đài phát thanh: Minh Chính là một anh bộ đội và bài thơ “Đi học” được gửi từ chiến trường ra NXB Kim Đồng. “Đi học” được chọn in trong một tuyển thơ dành cho thiếu nhi và đến lúc ấy, người ta vẫn chưa biết tác giả ở đâu để gửi nhuận bút và sách biếu! Chừng ấy chưa đủ “dựng” đôi dòng tiểu sử. Tôi và các biên tập viên NXB Giáo dục đã mất khá nhiều thời gian để “tìm” Minh Chính mà không ra. Bản thảo đầu tiên của bài thơ Đi học Tôi không quan tâm lắm đến việc hỏi nhạc sĩ Bùi Đình Thảo, phần vì không rõ ông đang ở đâu, phần vì tôi tin là ông cũng chỉ biết bài thơ đã được công bố mà không rành về tác giả của nó (nhạc sĩ đã mất một năm sau đó ở Hà Nam, tháng 12/1997). Nhưng thật lạ, vào giữa lúc đã tưởng chừng phải bó tay thì trí nhớ của tôi chợt lóe lên. Tôi bỗng nhớ có một lần nào đó, một nhà thơ trẻ ở Phú Thọ bảo rằng tác giả “Đi học” còn có một người bạn gái đang làm việc ở trên đó.Vậy là bắt đầu một hướng kiếm tìm. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được chị H. - nhà giáo ưu tú, lúc ấy đang giữ cương vị Phó giám đốc Sở Giáo dục Vĩnh Phú. Từ chị H., tôi được gặp em trai của anh Minh Chính - Giám đốc một nhà máy đang nổi đình đám lúc bấy giờ ở miền trung du. Cũng nhờ chị H. mà tôi được tiếp xúc với nhiều kỷ vật của Minh Chính do cụ thân sinh anh tin cậy cho xem: hai tập thơ khá dày của anh do cụ tự tay chép lại để lưu giữ, nhiều bản thảo thơ rời và thư riêng mang bút tích của anh, bản nhạc do anh sáng tác, một vài tập thơ mỏng in ở chiến trường có bài của Minh Chính, và cả Thẻ đoàn viên của anh (thẻ mang số 1614002, ghi: “Ngày vào đoàn: 29/12/1963. Nhận dạng: cao 1m63, sẹo bên dưới trái cằm” )... cùng rất nhiều ký ức về anh còn nguyên vẹn trong tâm trí những người thân yêu.Tôi đã kể lại chi tiết hành trình “đi tìm” Minh Chính trong một bài báo đã được giải thưởng cuộc thi phóng sự của tờ Tiền phong Chủ nhật. Đây là đoạn kết của bài báo nói trên: “Tôi kể lại hành trình đi tìm tác giả bài thơ “Đi học” không phải với ý định đánh giá một tài năng hay không phải tài năng (...). Đây cũng là dịp để tôi được biết thêm một trong rất nhiều gương mặt của một thế hệ tuyệt đẹp - những người đã sẵn sàng hy sinh tất cả: tình yêu, học hành, những say mê ước vọng của bản thân - để cầm súng ra trận. Nếu không có sự dở dang nghiệt ngã ấy, nhiều người trong số họ rất có thể sẽ trở thành những tài năng, những người nổi tiếng. Nhưng họ đã ra đi và mãi mãi không trở về. Tự hào thay và cũng đau đớn thay!”.Gia đình Minh Chính, cả hai bên nội, ngoại đều có truyền thống về dạy học và văn chương. Năm đời bên nội có người làm đốc học, gần nhất là chú ruột anh - ông Hoàng Trung Tích, một trong những vị Trưởng ty Giáo dục nổi tiếng của miền Bắc những năm chống Mỹ. Bác ruột anh là nhà thơ, dịch giả Nhượng Tống, người mà tên tuổi đã gắn với những áng văn dịch bất hủ từ nền văn học Trung Hoa.Nhà thơ họ Hoàng, sinh ra ở quê nhà ý Yên (Nam Định) năm 1944, nhưng suốt tuổi thơ và thời cắp sách, Minh Chính lại gắn bó với miền cọ Trung du (thôn Tiên Phú, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Đây là nơi gia đình anh đã dừng chân trên con đường kháng chiến. Bố anh từng làm Trưởng ty Túc mễ (lương thực) của chính quyền Việt Minh, sau này cụ là Phó ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phú cho đến khi nghỉ hưu. Trong 6 anh em trong gia đình thì Minh Chính là người có thiên hướng văn chương rõ nhất. Một trong những bài thơ thời “con nít” trường làng của anh còn giữ lại được là bài “Học làm thơ”: Cô giáo dạy con làm thơ/ Con viết “tiếng ru của mẹ...” /Ngoài hiên sương muối phủ mờ/ Con vui như đàn chim sẻ/ Cô giáo gọi lên khẽ nói/ “Bài hay, em được điểm mười”/ Rồi hai cô cháu cùng cười/ Hôm nay chấm bài cho mẹ...Có một điều bất ngờ là bài thơ nổi tiếng “Đi học” được Minh Chính viết từ năm 1959, bằng mực Cửu Long xanh đen trên giấy thếp, khi anh mới mười lăm tuổi. Bên dưới bài thơ có ghi “Kỷ niệm thăm Thản”. Thản ở đây là Trạm Thản, một vùng đồi địa thế đẹp có rất nhiều cọ và gần nhà anh. Bản thảo lần đầu ấy, bài thơ có 4 khổ như sau: “Cọ xòe ô che nắng Râm mát đường em đi Hương rừng thơm đồi vắng Nước suối trong thầm thì Hôm qua em tới trường Mẹ dắt tay từng bước Hôm nay mẹ lên nương Một mình em tới lớp Đường xa em đi về Có chim reo trong lá Có nước chảy dưới khe Thì thào như tiếng mẹ Dù bom rơi đạn nổ Em vẫn học vẫn hành Vẫn ngắm màu cờ đỏ/ Rạo rực giữa rừng xanh”. Bài thơ được sửa chữa lại sau đó, vào năm nào không rõ, nhưng chắc chắn phải sau năm 1964, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra miền Bắc. Tôi đoán vậy vì thấy bên lề bản thảo có nhiều gạch xóa và những câu thơ gợi không khí của chiến tranh. Đây là một số câu thơ rời được viết thêm bên lề: “Trường của em be bé/ Nằm lặng dưới dặng cây/ Chiến hào chạy giữa lớp/ Chẳng sợ gì máy bay”; “Cô giáo em tre trẻ/ Dạy em hát rất hay”; “Mũ rơm thơm em đội/ Hương cốm chen hương rừng”; “ Mỗi lần em tới lớp/ Là một lần lớn thêm”... Cũng trong lần sửa chữa này, Minh Chính đã dùng gạch chéo xóa bỏ đoạn thơ cuối trong lần viết đầu và ta có thể dễ dàng nhận thấy anh đã sắp xếp lại các câu thơ, đảo lại trật tự các khổ thơ để có một bản chính thức đã quen thuộc với bạn đọc bây giờ.Và như vậy cũng có nghĩa là bài thơ “Đi học” đã được sửa chữa khi tác giả của nó đã trở thành một người lính. Năm 1963, khi đang là học sinh Trường cấp 3 Hùng Vương (Phú Thọ), Minh Chính đã tạm gác con đường đèn sách, tình nguyện nhập ngũ. Anh là lính bộ binh, hai lần đi B. Lần thứ nhất là năm 1966, vào chiến trường B2 (?) và lần thứ hai là năm 1969 (?). Hoàn cảnh chiến trường ác liệt, lại là một Thượng úy Đại đội trưởng của Sư đoàn 312, nhưng Minh Chính vẫn làm được nhiều thơ.Anh bắt đầu in thơ trên một số tờ báo từ năm 1964: “Đường về quê mẹ”, “Dòng sông Công”, “Mùa nhãn”, “Qua trường cũ”, “Cô gái lái đò trên sông Cam Lộ”... Thơ anh không hiếm câu hay và chúng nằm trong phong cách chung của thơ ca quãng giữa giai đoạn chống Mỹ, ngời lên niềm tin và lý tưởng của một thế hệ thanh niên mặc áo trận ra đi từ các mái trường XHCN... Tiếc rằng, những bài thơ đó đã thất lạc khá nhiều. Chúng thất lạc ngay tại chiến trường và thất lạc trên đường anh gửi ra các tờ báo miền Bắc.Cuối năm 1969, Minh Chính trở lại chiến trường lần thứ hai. Trước khi đi, anh gom những bài thơ còn giữ được gửi lại người thân. Ở Quảng Trị một thời gian, đơn vị anh tiếp tục vào sâu hơn để sang chiến trường K. Tại đây, vào một ngày của tháng 3/1970, anh đã ngã xuống dưới những bóng cây thốt nốt giữa lúc mới 26 tuổi đời. Khi đó, anh không thể biết rằng một năm sau bài thơ “Đi học” sẽ được ra mắt bạn đọc lần đầu tiên ở Hà Nội Nguyên văn bài thơ Đi học (Bản in trong sách giáo khoa) Hôm qua em tới trườngMẹ dắt tay từng bướcHôm nay mẹ lên nươngMột mình em tới lớp.Trường của em be béNằm lặng giữa rừng câyCô giáo em tre trẻDạy em hát rất hay. Hương rừng thơm đồi vắng,Nước suối trong thầm thì…Cọ xòe ô che nắngRâm mát đường em đi. Nguồn : Sưu tầm & Giới thiệu PHH - 7 - 2013
File đính kèm:
- Bài thơ nổi tiếng.doc