Tế Hanh nhớ con sông quê hương

doc2 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1396 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tế Hanh nhớ con sông quê hương, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tế Hanh nhớ con sông quê hương

Nhà thơ Tế Hanh.
Sáu năm qua, kể từ cái đêm thơ - nhạc kỷ niệm 40 năm Đoàn 559, vì quá xúc động, Tế Hanh phải sống chung với căn bệnh xuất huyết não. Từ bấy đến nay, nhà thơ chỉ còn trò chuyện với dòng sông của mình, dòng sông của đời mình, trong im lặng. 
Tế Hanh thời chưa đau mắt nặng rất mê đọc sách. Ông là một trong những nhà thơ VN đọc thơ Tây nhiều nhất. Vậy mà giọng thơ Tế Hanh vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên. Và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu. Có lần, cách đây đã hơn 20 năm, trong dịp về Quy Nhơn, ông nói: "Mình thích thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ Pháp". 
Hỏi ông thích ai trong những nhà thơ Pháp hiện đại, Tế Hanh nói: "Mình thích Aragon, nhất là những sáng tác thời kỳ sau của ông mà ở ta chưa dịch. Thơ Aragon trôi chảy như một dòng sông lớn. Mình thích Eluard. Thơ ông trong veo nhưng rất khó nắm bắt. Mình thích thơ Rene Char, một nhà thơ Pháp tham gia kháng chiến chống phát xít nhưng làm thơ u ẩn như một thiền sư phương Đông. Mình thích thơ Saint John Perse, thơ ông này có kiến trúc nguy nga và ào ạt như sóng trào. Mình thích Andre Breton, nhưng chỉ thích phần lý luận thơ ca của ông này, chứ không thích thơ mấy. Mình thích...". 
Ông nói mà như mê đi. "Người làm thơ vẫn thường học nhau, lớp trước truyền cho lớp sau những thu nhận và suy ngẫm, những tri thức và sự từng trải. Tôi đã học được ở Tế Hanh, Xuân Diệu, Văn Cao... rất nhiều". Uyên bác như thế, nhưng Tế Hanh làm thơ rất thật thà và hồn nhiên. Ông vẫn là ông, cho tới cuối đời.
Nếu 6 năm qua, trong bệnh tật, vẫn còn một cái gì đó trong Tế Hanh thì đó chính là dòng sông quê hương ông. Trong lần làm phim chân dung ông năm 1997, Tế Hanh trở về quê hương Bình Dương: "Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/ Nước bao vây cách biển nửa ngày sông". Hai câu thơ đã nói lên hết cái "lý lịch" của làng Đông Yên quê Tế Hanh. Trong lần về quê ấy, cũng nhờ yêu cầu của đạo diễn mà đoàn phim được cùng Tế Hanh đi thuyền trên dòng sông Trà Bồng đoạn chảy qua Bình Dương. Dạo ấy vẫn còn những chiếc cầu tre bắc ngang sông, và thật hiếm có dòng sông nào nước xanh trong đến thế. 
Tế Hanh như mê đi trong cái mát mẻ của dòng sông, của những "bờ tre ríu rít tiếng chim kêu", của những "mặt nước chập chờn con cá nhảy"... Dòng sông bỗng trở nên đẹp hơn, lung linh huyền ảo hơn kể từ khi có bài thơ Nhớ con sông quê hương của chính đứa con dòng sông ấy. Dòng sông chính là quê hương, chính là người mẹ của Tế Hanh, và ông đã để hết tâm hồn và tình cảm của mình vào bài thơ đã và sẽ sống mãi cùng dòng sông quê ông:
"Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàngTôi quên sao được sắc trời xanh biếcTôi nhớ cả những người không quen biếtCó những trưa tôi đứng dưới hàng câyBỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầyHình ảnh con sông quê mát rượiLai láng chảy, lòng tôi như suối tưới..."
Ra đi từ dòng sông và trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh là cuộc chuyện trò thầm thì không dứt với con sông thân yêu của đời mình. Và chính ông cũng là một dòng sông, một dòng sông bình dị và đầy xúc cảm, một dòng sông biết chắt chiu từng gàu nước ngọt cho những người dân Việt thực thà đôn hậu. Nhà thơ như Tế Hanh, thực không còn gì phải ân hận khi cuối cùng được hoá thân vào chính dòng sông thương thiết nhất đời mình: Dòng sông quê hương.
(Theo Lao Động)

File đính kèm:

  • docTế Hanh nhớ con sông quê hương.doc