Tham luận về nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tham luận về nội dung sinh hoạt tổ chuyên môn theo nghiên cứu bài học, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trường THCS Bàn Đạt Tổ KH Xã hội Tham luận về nội dung SINH HOẠT TỔ CHUYÊN MÔN THEO NGHIÊN CỨU BÀI HỌC Sinh hoạt chuyên môn ( SHCM) theo nghiên cứu bài học: Là một trong các nội dung đổi mới SHTCM trong năm học 2013-2014. Sau khi chúng tôi được đi tập huấn về nội dung đó thì đã phổ biến tới tổ viên cuả mình để cùng nhau lĩnh hội được triết lý sinh hoạt của tổ chuyên môn rồi tiến hành áp dụng trong quá trình giảng dạy. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận thấy: SHCM đã giải quyết được những bất cập trong SHCM từ xưa tới nay. Trước đây, Tổ trưởng là người điều hành các tổ viên hoàn thành các thao tác lặp lại như: đánh giá nhận xét quá trình hoạt động trong tuần, triển khai một số công việc mới trong thời gian tới. Khi có đợt thao giảng thì người dự chỉ chú ý cách dạy của thầy rồi “mổ xẻ” các vấn đề về nội dung kiến thức, phương pháp giảng dạy, năng lực của giáo viên nghĩa là chú trọng vào bài dạy mà quên đi đối tượng học sinh: học như thế nào? Tiếp thu ra sao?...Giờ dạy thường rơi vào tình trạng phô diễn chứ không thực chất là 1 quá trình học tập, lĩnh hội kiến thức. Vì thế, giờ học mang tính nhồi nhét như “ bê một bàn thức ăn đầy đủ sơn hào hải vị trước một đứa trẻ đang tập ăn”, dạy chủ yếu cho người dự biết chứ không quan tâm đến học sinh biết gì, đặc biệt là học sinh yếu kém “ sợ học ngày càng sợ hơn”. Khi tiến hành đổi mới chúng tôi xác định các bước đổi mới SHTCM theo nghiên cứu bài học như sau: + Chuẩn bị bài dạy nghiên cứu + Tiến hành dạy minh họa và dự giờ. + Suy ngẫm và thảo luận bài học. + Rút kinh nghiệm và vận dụng vào các bài giảng sau. 1. Chọn tiết và chuẩn bị bài dạy, không phải như trước đây “ một mình độc lập tác chiến” mà tiết dạy là cả công trình của tập thể, kết quả trí tuệ và tâm huyết của mọi thành viên trong tổ chuyên môn từ nội dung kiến thức đến phương pháp, cách thức tổ chức giờ dạy… đã được tổ chuyên môn suy ngẫm, thảo luận cùng xây dựng, thiết kế và kiểm chứng tính hiệu quả của nó. Nhờ vậy mà phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên thông qua sự tương tác có hệ thống với các giáo viên khác trong trường hoặc cụm trường, tạo ra bầu không khí thân thiện trong cộng đồng học tập và cùng chịu trách nhiệm : “Không bỏ rơi học sinh, không phê phán đồng nghiệp, tạo ra một cộng đồng học tập” là những cụm từ thể hiện triết lý sinh hoạt chuyên môn mới theo nghiên cứu bài học. Tuy nhiên, giáo viên dạy vẫn có thể chủ động điều chỉnh tùy thuộc vào đối tượng học sinh của mình và sát với thực tế giảng dạy chung. Khi chuẩn bị bài dạy chúng tôi thấy: Không có một mẫu giáo án nào là chuẩn nhất, chỉ có giáo án phù hợp với khả năng của học sinh trong từng lớp. Khi thảo luận, chuẩn bị bài, chúng tôi lấy hành vi học tập của học sinh làm trung tâm thảo luận, tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến người học chứ không ai khác. Phải xem thử HS học như thế nào, lớp dạy đang gặp khó khăn gì? Nội dung và phương pháp giảng dạy có phù hợp và gây hứng thú cho HS không? Kết quả cuối cùng có được cải thiện hay không? Nếu cần điều chỉnh thì điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào?...“Thước đo sự thành, bại của giờ dạy là ở thái độ, hành vi, phản ứng của học sinh trong giờ học đó. Đây là nguyên tắc đầu tiên khi tiến hành nghiên cứu bài học”. 2. Tiến hành dạy minh họa thì cả tổ chuyên môn căn cứ vào những quy tắc khi tiến hành nghiên cứu bài học. GV là người dạy minh họa sẽ thay mặt nhóm thiết kế thực hiện các ý tưởng đã được vạch sẵn theo lộ trình. Giáo viên cũng không cần dạy trước, “gài bài” cho HS mà tạo cho học sinh tự lĩnh hội kiến thức trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên: “Không bỏ rơi học sinh, tạo cơ hội tối đa để trò được nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn”. Khi tiến hành dự giờ, chúng tôi cũng đã phá vỡ khuôn thước từ trước là người dự ngồi dưới lớp ghi chép mà bây giờ người dự chọn cho mình chỗ ngồi dự giờ phù hợp, tốt nhất là ngồi hai bên để tiện quan sát các cung bậc cảm xúc, thái độ, hành vi trong các tình huống cụ thể nhất” của học sinh. Đặc biệt chú ý đến khả năng lĩnh hội, quan sát hành vi học tập của học sinh trong giờ học để sau này có những điều chỉnh phù hợp. 3. Sau tiết dạy, cả tổ cùng suy ngẫm và thảo luận, rút kinh nghiệm để vận dụng vào các bài sau. Các thành viên đưa ra ý kiến nhận xét góp ý trên tinh thần xây dựng chứ không phải “bới lông tìm vết” để tìm lỗi mà phê phán, chê cười. Khi nhận xét chủ yếu hướng tới đối tượng người học xem thử các em học tập như thế nào, có hứng thú và đạt kết quả cao hay không? Từ đó, phải bằng mọi cách tìm ra được nguyên nhân vì sao HS chưa tích cực tham gia vào hoạt động học và học chưa đạt kết quả như ý muốn… Và cùng đưa ra biện pháp hữu hiệu có thể chỉnh sửa cách dạy, xén gọt bớt nội dung sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. Giờ dạy không đánh giá giáo viên tạo tâm lí thoải mái, nhẹ nhàng cho người dạy vì thực tế không phải các giáo viên đều có năng lực như nhau và bài dạy là sản phẩm kết tinh trí tuệ và sức lực của cả tổ chuyên môn. Tóm lại, qua quá trình SHTCM theo nghiên cứu bài học là một nội dung đổi mới có giá trị cao, cần được nhân rộng để tạo ra một cộng đồng học tập tốt. Đồng thời, nghiên cứu bài học luôn nằm trong quá trình làm việc nhóm chứ không phải được thực hiện riêng lẻ, đơn độc bởi thế từng GV nên mang tính tập thể cao. Đây là một điều không thể thiếu trong xã hội hiện đại ngày nay: hợp tác cùng phát triển. Bàn Đạt, ngày 19 tháng 01 năm 2014
File đính kèm:
- tham luan ve nghien cuu bai hoc.doc