Thêm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi dạy phân môn tiếng việt lớp 9

doc14 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1743 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thêm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi dạy phân môn tiếng việt lớp 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thêm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi dạy phân môn tiếng việt lớp 9 
A. Đặt vấn đề
I. Những vấn đề chung
1. Lý do chọn đề tài:
Như chúng ta biết, nhiệm vụ cơ bản chủ yếu của dạy học văn trong nhà trường là cho học sinh thấy được cái hay, cái đẹp ẩn chứa trong tác phẩm văn học và giúp cho các em biết cách sử dụng từ ngữ, ngữ pháp để diễn đạt cho đúng trong giao tiếp. Bởi học văn chính là học cách làm người, nhưng để giúp học sinh làm được điều đó người giáo viên đóng một vai trò rất quan trọng, nhiệm vụ của người thầy lúc này trở thành sợi dây giao thoa giữa học sinh với những kiến thức có trong SGK và ngoài xă hội .Để thực hiện thành công nhiệm vụ này không những người thầy giáo phải truyền tải đến cho học sinh những lượng kiến thức có trong SGK, mà còn phải biết liên hệ với thực tế cuộc sống. Với đặc thù của môn Ngữ văn bậc THCS học sinh đựơc học ba phân môn: Văn học, Tiếng Việt ,Tập làm văn theo hướng tích hợp; trong đó phân môn Tiếng Việt nếu giáo viên không biết cách khai thác sẽ dễ làm cho bài học “cứng nhắc’’, ít sự phong phúvà có thể làm cho học sinh không có hứng thú học bài. Đó cũng chính là lý do để chúng tôi chọn đề tài “ Thêm ngữ liệu ngoài SGK khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt lớp 9” .
2. Mục đích nghiên cứu:
Mục đích của vấn đề nghiên cứu đó là giúp cho học sinh thấy được để học tốt môn Ngữ văn ở bậc THCS , đặc biệt để phân tích tốt một tác phẩm văn học thì các em cần phải trau dồi được vốn từ ngữ cũng như vốn ngữ pháp thật sâu rộng, phong phú. Nói như vậy không phải là đánh đồng với việc cho rằng kiến thức trong SGK còn nghèo nàn, không cung cấp đầy đủ vốn từ ngữ, ngữ pháp cho học sinh , mà ở đây chúng tôi muốn cho quý đồng nghiệp thấy rằng đối với học sinh lớp 9 trình độ nhận thức và kỹ năng tích hợp kiến thức của các em hơn hẳn với các lớp 6, 7, 8 nên cần phải mở rộng và cung cấp cho các em những kiến thức nếu thấy cần thiết, như việc đưa thêm ngữ liệu khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt. 
3. Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là học sinh lớp 9 trường THCS Mường Mìn
4: Thời gian nghiên cứu và giới hạn đề tài:
Thời gian: Từ tháng 11/ 2008 đến tháng 2/ 2009
Giới hạn đề tài: Do điều kiện và thực tế công tác giảng dạy nên trong đề tài này tôi chỉ đề cập đến việc thêm ngữ liệu vào một số bài dạy trong phân môn Tiếng Việt lớp 9 trường THCS Mường Mìn ,để giúp các em có được khả năng tích hợp nội dung các tác phẩm văn học, các bài giảng Tiếng Việt ở lớp dưới ,hay những kiến thức trong đời sống hằng ngày một cách nhuần nhuyễn hơn thông qua các ngữ liệu.
5: Phương pháp nghiên cứu:
- Điều tra cơ bản ; tiếp cận học sinh.
- Nghiên cứu tài liệu; thực nghiệm.
 - Quan sát ; phân tích; đối chiếu; tổng hợp.
II. Cơ sở lý luận và thực tiễn
1. Cơ sở lý luận.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người gắn liền với lịch sử phát triển của ngôn ngữ và tiếng nói. Nói cách khác không có ngôn ngữ thì không có văn học, đồng nghĩa với việc không có văn minh và phát triển. Đặc biệt trong thời đại ngày nay trước sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật thì ngôn ngữ càng không thể thiếu được trong mọi mặt đời sống xã hội. Ngôn ngữ được tồn tại dưới hai dạng hoạt động đặc trưng đó là: “ Ngôn ngữ nói” và “ ngôn ngữ viết” mà chỉ có bộ môn Ngữ văn mới làm được điều đó. Trong đó phân môn Tiếng Việt đóng một vai trò rất quan trọng, tiếng Việt chính là tiếng mẹ đẻ của người Việt có nguồn gốc rất cổ xưa và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài , đầy sức sống. Vì thế nói đúng, viết đúng chính là “ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” , tức là giữ gìn cái bản sắc đẹp đẽ, cái bản lĩnh độc đáo của tiếng Việt, đồng thời xác nhận những hiện tượng mới đã sinh ra trong quá trình phát triển mạnh mẽ hiện nay của tiếng Việt, nhằm mục đích nâng cao hiệu lực của nó đối với “ tư duy chính trị, tư duy kinh tế, tư duy nghệ thuật, tư duy khoa học” của người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Để làm được điều đó khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt trong nhà trường bậc THCS ( đối tượng là học snh lớp 9), ngoài việc truyền tải cho học sinh những kiến thức thực hành có trong SGK gíao viên cũng cần đưa thêm các ngữ liệu từ cuộc sống thường ngàyđể giúp cho học sinh thấy được sự giàu, đẹp của tiếng Việt. 
2. Cơ sở thực tiễn:
Mường mìn là xã vùng cao biên giới, với điều kiện kinh tế , văn hóa xã hội còn nhiều khó khăn, học sinh chủ yếu là con em dân tộc Thái và dân tộc Mường. Trong đó dân tộc Thái chiếm 87 %. Do đó ngôn ngữ trong giao tiếp hằng ngày của các em chủ yếu là tiếng mẹ đẻ - Tiếng Thái. Ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông được các em tiếp xúc ngay từ khi đi học ở Mầm Non và Tiểu học một cách hệ thống khá bài bản, nhưng do thói quen giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của các em còn nhiều hạn chế, không thường xuyên. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến vốn từ tiếng Việt của các em trong quá trình học tập và giao tiếp bằng tiếng Việt phổ thông.
Với bản thân tôi là một giáo viên dạy lớp 9 nhiều năm tôi nhận thấy: Các em còn có nhiều hạn chế trong việc lấy thêm các ví dụ từ ngoài vào nội dung bài học, cũng như việc nhận dạng các dạng bài tập và kỹ năng giải quyết chúng. Do đó dẫn đến việc trau dồi vốn từ ngữ, ngữ pháp, cũng như kỹ năng làm bài tập trong phân môn Tiếng Việt còn rất nhiều hạn chế. Song cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng diễn đạt,cách hành văn của các em, càng ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập cũng như giao tiếp hằng ngày của các em . 




 B. Phần nội dung
I . Nội dung cần thực hiện: 
Với đặc thù của đối tượng là học sinh dân tộc “Dân tộc Thái’’, ngôn ngữ sử dụng trong giao tiếp thường ngày của các em chủ yếu là tiếng mẹ đẻ “tiếng Thái”, việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông trong học tập của các em còn nhiều hạn chế. Mặc dù các em đã được trang bị vốn kiến thức về tiếng Việt thông qua các bậc học Mầm Non và Tiểu học. Nhưng một thực tế riêng so với bậc tiểu học đó là khi học sinh lên học bậc học THCS thì các văn bản, các tác phẩm văn học, vốn từ tiếng Việt và các dạng bài tập mà các em được tiếp xúc có số lượng nhiều hơn và có tính chất phức tạp hơn.Trong chương trình phân môn Tiếng Việt cấp THCS nói chung và ở SGK lớp 9 (hiện hành) nói riêng, hầu như tất cả các bài học đều có hệ thống ngữ liệu khá đầy đủ, có thể giúp cho GV và HS tiến hành tốt một tiết Tiếng Việt. Trong khi giảng dạy các bài học Tiếng Việt đã có nhiều giáo viên mạnh dạn lấy thêm ngữ liệu ngoài SGK hoặc vận dụng và tích hợp ở các văn bản đã học để cung cấp cho học sinh, nhưng bên cạnh đấy có nhiều giáo viên chỉ khai thác các ví dụ trong SGK mà thôi.
Xung quanh vấn đề này, nhiều câu hỏi đặt ra “Nên hay không nên lấy thêm ngữ liệu ngoài SGK khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt”. ý kiến thứ nhất cho rằng: không nên lấy thêm ngữ liệu ngoài SGK khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt .Vì các ví dụ trong SGK đã được các nhà soạn sách đưa vào là những ví dụ tiêu biểu chính xác và khoa học, cho nên khi giảng dạy, chúng ta chỉ cần khai thác hết các ví dụ trong SGK là đủ cho nội dung bài dạy. Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, nếu chỉ sử dụng các ví dụ trong SGK thì bài dạy sẽ kém sự phong phú, đa dạng và chưa mở rộng đựoc kiến thức cho học sinh. Điều này cũng đồng nghĩa với ý kiến thứ hai nên giáo viên cần phải lấy thêm ngữ liệu ngoài SGK ( Có thể từ cuộc sống hằng ngày hoặc tích hợp trong các tác phẩm, văn bản đã được học từ những lớp dưới) để giúp học sinh hiểu sâu hơn và nâng cao hơn kỹ năng sử dụng tiếng Việt cũng như khả năng tích hợp các văn bản. Khi đó các ví dụ trong SGK có thể giáo viên không cần phải giảng kỹ mà chỉ cần hướng dẫn cho học sinh là đủ…Làm như vậy sẽ tạo cho giáo viên có nhiều cơ hội thoát ly SGK, dạy theo lối “ tài tử” mà phương pháp cũ đã từng đề cập. Và cũng cho thấy rằng học sinh có hứng thú học bài hơn. 
II . Biện pháp thực hiện và các giải pháp để giải quyết vấn đề:
1. Biện pháp thực hiện:
Để thực hiện vấn đề này, theo chúng tôi giáo viên chỉ nên áp dụng với học sinh lớp 9, còn đối với các khối 6, 7, 8 có chăng chỉ áp dụng cho học sinh khá giỏi vì ở các khối lớp này trình độ hiểu biết và khả năng sử dụng Tiếng Việt của các em còn thấp nên khi dạy, ta nên chú trọng khai thác sâu và kỹ các ngữ liệu trong SGK là vừa đủ. Còn với học sinh lớp 9, kỹ năng tiếp thu và sử dụng Tiếng Việt của học sinh đã được nâng cao đáng kể và tương đối hoàn thiện. Song lượng kiến thức ở lớp 9 là sự tổng hợp theo hướng tích hợp vòng từ những lớp dưới ,nên trong khi giảng dạy ngoài việc khai thác tất cả, khai thác sâu và kỹ càng các ngữ liệu có trong SGK, giúp học sinh nắm vững nội dung bài học, giáo viên cũng nên thường xuyên lấy thêm các ngữ liệu ngoài SGK( lấy trong đời sống hằng ngày, tích hợp từ văn bản ở các lớp dưới…).Tuy nhiên, yêu cầu giáo viên phải có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo trước ở nhà ( bằng bảng phụ có ghi các ngữ liệu cho tiết dạy đó). Đồng thời các ngữ liêu lấy thêm phải là tiêu biểu, có tính giáo dục cao, không nên đưa các nội dung dung tục, phản giáo dục vào bài dạy.
2- Các giải pháp để giải quyết vấn đề:
Phân môn Tiếng Việt ở bậc THCS nói chung và Chương trình lớp 9 nói riêng, thường có hai dạng bài học là: Dạng bài hình thành kiến thức mới và dạng bài ôn tập. Nhưng khác với các lớp dưới, ở lớp 9 dạng bài ôn tập có nội dung phong phú hơn, kiến thức rộng hơn ,thường là tổng kết cả kiến thức từ những lớp dưới nên việc đưa thêm ngữ liệu vào bài dạy là rất cần thiết. Chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số ví dụ như sau:
- Đối với những dạng bài học hình thành kiến thức mới.
* ở bài: Các phương châm hội thoại – Phần II. Phương châm về chất ( SGK Ngữ Văn 9. T1.Tr9) trong SGK có đưa ra ngữ liệu là một câu chuyện “ Quả bí khổng lồ”. Khi dạy giáo viên có thể kể thêm cho học sinh nghe một số câu chuyện khác nữa để giúp học sinh thấy được sự phong phú của kho tàng truyện dân gian Việt Nam ( truyện cười, truyện ngụ ngôn), như: Truyện con rắn vuông, ếch ngồi đáy giếng…
Hay ở phần III . Phương châm lịch sự (SGK. Tr22) thì SGK có cung cấp cho chúng ta câu chuyện cười “ Người ăn xin”, câu chuyện cũng đã giúp cho học sinh có được tính giáo dục cao về phép lịch sự. Song việc giáo dục tư tưởng, đạo đực cho học sinh là điều rất quan trọng trường học mà người giáo viên cần phải làm. Vì thế giáo viên có thể lấy thêm ngữ liệu bằng cách đưa ra một số tình huống trong giao tiếp hằng ngày cách chào hỏi đúng mực đối với người trên; hay cần phải phân tích cho học sinh thấy được phép “ Xưng khiêm, Hô tôn” hoặc có thể kể hay đọc cho học sinh nghe những câu chuyện mang tính giáo dục tư tưởng đạo đức cao. Câu chuyện “ Lời nói dối chân thật” sau đây là một ví dụ:
Tôi đang ở trong bếp giúp mẹ pha trà thì nghe thấy tiếng vỡ loảng xoảng từ phòng khách. Lập tức tôI biết chắc điều gì đã xảy ra. Tôi chạy về phía phòng khách, nơi những người khách đang ở đó nhưng mẹ đã ngăn tôi lại.
- Gượm đã con gái – mẹ tôi nói – con hãy đi vào phòng khách và xem như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Nhớ đừng tỏ ra là con đang buồn và giận họ con nhé.
- Nhưng mẹ ơI, làm sao con có thể xem như thể chua có chuyện gì xảy ra được? Mẹ cũng biết rõ chuyện gì đang xảy ra ở đó. Chiếc bình cổ của gia đình mình đã bị họ đánh vỡ mà. Mẹ thấy đúng không – và điều đó đối với con thật là tồi tệ.
Mẹ tôi mỉm cười tỏ ý tán thành:
- Mẹ biết con nói không sai. Chiếc bình quý có tuổi hơn 200 năm của gia đình ta giờ đã vỡ rồi. Nhưng chúng ta không thể để cho những người khách đó biết là chiếc bình đáng giá thế nào con ạ.
Nói xong, mẹ tôi bê khay trà vào phòng khách. Chiếc bình cổ vô giá giờ chỉ còn là những mảnh vụn nằm vung vãi trên sàn nhà. Và đứng cạnh đấy là một cậu bé 4 tuổi, con trai bà khách. Sự kinh hãI lộ rõ trên khuôn mặt mẹ của đứa nhỏ. Còn cậu nhóc vì sợ quá nên oà khóc.
 - Tôi …Tôi…Tôi không hiểu sao…- Bà khách cố giải thích.
- Được rồi, chị không có gì phảI lo lắng cả. Đó chỉ là một chiếc bình cũ thôi mà. Nó chẳng đáng giá gì- Mẹ tôi giải thích nhằm làm an lòng khách.
- Nhưng chiếc bình đã rơi xuống khỏi giá sách, bà khách nói với mẹ tôi.
- ồ, chị đừng bận tâm vì điều đó. Chuyện cũng chẳng có gì to tát cả mà. Mời chị lại uống trà và cả cháu nữa. Đây là kẹo cô cho cháu.
Sau khi những người khách đã ra về, tôI mới dám hỏi mẹ:
- Tại sao mẹ phải nói dối là chiếc bình chẳng đáng giá gì? Mẹ biết rõ chiếc bình đó quý giá thế nào đối với gia đình ta mà.
- Thế mẹ có thể nói cách nào khác được chăng? Liệu mẹ có thể nói chiếc bình đó vô giá thế nào à? Và rằng cậu bé đã làm vỡ vật quý báu nhất của gia đình sao? Mẹ có nên nói như thế không nào, con gái?
- Nhưng đó là sự thật và chúng ta chỉ nói đúng sự thật mà mẹ- Tôi trả lời. 
- Con à, nhưng không phảI lúc nào ta cũng phải luôn nói sự thật – Mẹ giải thích cho tôi rõ – Có khi ta không cần phải nói đúng sự thật. Đôi lúc, biết giấu đi cảm xúc thật của mình lại là cách cư xử hay nhất đó con.
 Phan Thị Anh Nga (Dịch từ Internet)
 (Thế giới mới số 605)
* ở bài: Trau dồi vốn từ ( Ngữ văn 9. T1,Tr99+100) ở mục 2 SGK có đưa ra các ngữ liệu như sau:
Việt Nam chúng ta có rất nhiều thắng cảnh đẹp.
Các nhà khoa học dự đoán những chiếc bình này đã có cách đây khoảng 2500 năm.
Trong những năm gần đây nhà trường đẩy mạnh quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trong SGK có yêu cầu học sinh xác định lỗi diễn đạt ở các câu trên. Sau khi giáo viên hướng dẫn học sinh phân tích những ngữ liệu trên và thấy được các lỗi mà người sử dụng thường mắc phải: Lỗi dùng từ sai nghĩa( đẩy mạnh, dự đoán); lỗi dùng thừa từ ( thắng cảnh đẹp). Giáo viên có thể lấy thêm nhiều ví dụ ngoài SGK về việc hiểu và dùng sai nghĩa ở các cặp từ Hán – Việt thông dụng như: mạn tính và mãn tính; khuyến mại và khuyến mãi; bàng quan và bàng quang; xán lạn, xán lán và sáng lạng; yếu điểm và điểm yếu…
Chẳng hạn, có những người quen sử dụng từ “ mãn tính” để nói về căn bệnh nào đó bị mắc từ lâu và khá nặng. Nhưng từ dùng đúng ở đây phải là “ mạn tính”; hoặc nói về nhược điểm của ai đó mọi người quen sử dụng từ “ yếu điểm” nhưng nghĩa đúng của nó lại là chỉ những ưu điểm. Hay khi nói đến bộ phận “ bọng đái” nhiều người vẫn dùng từ “ bàng quan” mà đúng ra phải là “ bàng quang”…
Như vậy, đối với bài học này nếu ta chỉ sử dụng các ngữ liệu có sẵn trong SGK thì chưa thể giúp cho học sinh “ Trau dồi vốn từ” có hiệu quả như yêu cầu của bài học. Vì thế để giúp cho học sinh có thể tránh được các lỗi thường gặp trong diễn đạt và trau dồi vốn từ cho tốt thì giáo viên cần linh động chuẩn bị nhiều ngữ liệu cho bài dạy .
* ở bài: Các thành phần biệt lập của câu( SGK Ngữ văn 9. T2.Tr18)- Phần I : Thành phần tình thái (SGK. Tr18) trong SGK chỉ nêu lên hai ví dụ:
a) Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.
b) Anh quay lại nhìn con vừa khe khẽ lắc đầu vừa cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được, nên anh phải cười vậy thôi.
 ( Chiếc lược ngà, Nguyễn Quang Sáng) 
Sau khi giáo viên cho học sinh xác định được từ in đậm và cách thể hiện của người nói trong câu: “ chắc” thể hiện sự tin cậy cao nhất ; “ có lẽ” thể hiện sự tin cậy thấp nhất, thì giáo viên có thể lấy thêm một số ví dụ thường bắt gặp ngoài cuộc sống thường ngày của các em:
Ví dụ: - Hình như tối nay trường mình có diễn văn nghệ.
Có vẻ như lớp ta không thích học môn văn thì phải.
Chắc chắn ngày mai chúng ta được nghỉ học…
Hay ở Phần II – Thành phần cảm thán ( SGK. Tr38) SGK cũng chỉ đưa ra hai ví dụ:
a) ồ, sao mà độ ấy vui thế
 (Kim Lân, Làng)
b) - Trời ơi, chỉ còn có năm phút! 
 (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa).
Giáo viên cho học sinh xác định được sự biểu lộ tình cảm của người nói đối với sự việc được nói đến trong câu: “ồ” diễn tả niềm vui của người nói; “trời ơi” thể hiện sự tiếc rẻ của người nói, thì có thể dẫn ra một số ví dụ thường gặp và cho học sinh xác định tiếp thành phần cảm thán cũng như xác định được tình cảm của người nói.
Ví dụ: - Chao ôi ! Sao mà đói…
- Ôi dào! Tiết thứ năm rồi mà cô giáo vẫn không cho về sớm.
Sau khi giáo viên nhận xét và chốt lại vấn đề thì giáo viên có thể lưu ý cho học sinh một số dấu hiệu để nhận diện thành phần biệt lập của câu, đặc biệt là thành phần cảm thán nó có thể tách ra đứng độc lập tạo thành những câu cảm thán – câu đặc biệt ( không có thành phần CN – VN)
2.2- Đối với những kiểu bài ôn tập . 
* ở bài tổng kết về từ vựng – Phần I: Từ đơn và từ phức (SGK. Ngữ văn 9. T1, Tr 122 + 123). Mục 1- Ôn lại khái niệm từ đơn, từ phức. Phân biệt các loại từ phức. SGK chỉ yêu cầu lại khái niệm từ đơn và từ phức, do đó giáo viên cần linh động và sáng tạo với việc kết hợp đưa ngữ liệu để khắc sâu kiến thức cho học sinh. Với đặc thù của một bài tổng kết nên những kiến thức này các em đã được học ở những lớp dưới vì thế việc lấy ví dụ đối với học sinh là không khó và không tốn thời gian.
Ví dụ: Giáo viên có thể cho học sinh tìm năm từ đơn, năm từ phức (Cha, mẹ, ăn, ngủ, nghĩ, đã, vì…-> từ đơn; xôm xốp, xanh xanh, nhấp nhô, thuyền bè, sách vở, quạt điện, bút bi….-> từ phức) .
Hoặc ở Phần II - Thành ngữ (SGK. Tr123), ngoài những ngữ liệu về thành ngữ mà SGK đưa ra, giáo viên cũng cần lấy thêm các thành ngữ thông dụng khác có trong đời sống và trong chương trình lớp 7 học sinh đã được học. Ví dụ: Cưỡi ngựa xem hoa; bèo dạt mây trôi; chân lấm tay bùn; gầy như ống sậy; như vịt nghe sấm; nói hành nói tỏi; lá thắm chỉ hồng…Bên cạnh đó giáo viên cũng cần nhắc lại cho học sinh về dấu hiệu phân biệt thành ngữ với tục ngữ.
Hay ở Phần IV- Từ nhiều nghĩa và hiện tượng chuyển nghĩa của từ (SGK . tr124). Ngoài những ví dụ trong SGK chúng ta có thể thêm ví dụ vào phần ôn lại khái niệm góp phần giúp học sinh khắc sâu thêm kiến thức.
Ví dụ 1: Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi. 
 Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.
(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Nguyễn Khoa Điềm)
 Từ “Mặt trời1” là nghĩa gốc “Mặt trời 2” là nghĩa chuyển; chuyển theo phương thức ẩn dụ.
Ví dụ 2: Trong bài thơ “những cái chân” 
Cái gậy có một chân
Biết giúp bà khỏi ngã. 
Chiếc com pa bố vẽ .
Có chân đứng chân quay.
Cái kiềng đun hàng ngày
Ba chân xoè trong lửa.
Chẳng bao giờ đi cả
Là chiếc bàn bốn chân.
Riêng cái võng Trường Sơn.
Không bàn chân đi khắp.
 (Vũ Quần Phương)
Từ “chân” là nghĩa chuyển, và chuyển theo phương thức hoán dụ (lấy bộ phận chỉ toàn thể). Khi đó học sinh sẽ dễ dàng nhận biết và phân tích những ví dụ còn lại trong bài học.
- ở phần V. Từ đồng âm (SGK . Tr 124). Sách giáo khoa cũng chỉ đưa ra hai từ làm ngữ liệu đó là từ “đường” và từ “lá”. ở Đây giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh lấy thêm các từ đồng âm thông dụng thường gặp trong đời sống. 
Ví dụ : Kiến bò đĩa thịt bò; ruồi đậu mâm xôi đạu; thằng mù, nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn ,nhìn thằng mù; con ngựa, đá con ngựa đá.
* ở bài: Tổng kết từ vựng (tiếp theo ; SGK – Ngữ văn 9 .T1. Tr135) trong SGK đưa rất ít ngữ liệu, đặc biệt là ở phần ôn lại khái niệm. Vì thế giáo viên có thể vừa cho học sinh nhắc lại kiến thức vừa kết hợp đưa ngữ liệu vào bài học.
Như ở phần II – Từ mượn (SGK. Tr135). Khi cho học sinh ôn laị khái niệm giáo viên có thể đưa ra yêu cầu mỗi em hãy tìm 10 từ mượn mà em biết. Nhưng lưu ý khi học sinh đưa ra có những từ không phải là từ mượn nên giáo viên phải nhận xét và chốt lại vấn đề đúng cho học sinh.
Hoặc ở phần III. Từ Hán – Việt (SGK .Tr 136). Cũng phần ôn lại khái niệm giáo viên có thể vừa cho học sinh nhắc lại kiến thức vừa cho các em tự tìm ngữ liệu bằng cách đặt ra những câu hỏi tương tự: Em hãy tìm 10 từ Hán Việt mà em biết? …
* Ngoài ra không chỉ các bài học, ta có thể lấy thêm ngữ liệu ở ngoài SGK mà trong các tiết kiểm tra giáo viên cũng có thể lấy thêm ngữ liệu ở ngoài để kiểm tra đánh giá và còn nhiều bài học khác về phân môn Tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn 9 mà trong phạm vi bài viết này chúng tôi chưa có điều kiện để đưa ra trao đổi, kính mong quí đồng nghiệp góp ý …
Tóm lại, một giờ dạy Tiếng Việt thành công là một giờ mà giáo viên không chỉ cung cấp cho học sinh nắm vững nội dung có trong SGK, mà còn giúp cho học sinh nâng cao kĩ năng sử dụng Tiếng Việt trong đời sống. Vì “Học phải đi đôi với hành” học để sống , học để làm việc thì sự học ấy mới thưc sự có hiệu quả và ý nghĩa.
III - Kết quả đạt được: 
Qua quá trình thực nghiệm giảng dạy trên lớp cũng như sự đánh giá của đồng nghiệp thì việc “Thêm ngữ liệu ngoài SGK khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt lớp 9( hiện hành)” đã có nhiều kết quả khả quan: Học sinh hứng thú học bài cũng như hiểu bài hơn, thông qua các ngữ liệu các em dễ dàng nhận diện các dạng bài tập trong SGK và những bài tập trong các bài kiểm tra định kỳ, mặt khác đã phát huy được tính tích cực của học sinh khi học phân môn Tiếng Việt nói riêng cũng như môn Ngữ văn nói chung.
Chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm đối với học sinh lớp 9 Trường THCS Mường Mìn trong học kỳ I, năm học 2008- 2009. Với tổng số 31 học sinh. 
 Số lượng(Tỷ lệ)
Xếp loại 
Số lượng học sinh
Tỷ lệ( % )
Giỏi
1
3,2
Khá
11
35,5
Trung bình
15
48,4
Yếu
4
12,9
Kém
0
0
Như vậy trong khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt, ta nên lấy thêm các ngữ liệu ở ngoài SGK để làm phong phú cho nội dung bài dạy, tạo cho học sinh hứng thú khi học bài. nhưng để thực hiện tốt trước hết giáo viên phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải nắm vững kiến thức ở phần lấy thêm ngoài SGK để chủ động trong khi hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu. 
 C- kết luận và đề xuất 
I. Kết luận
Một thực tế cho ta thấy rằng kết quả cuối cùng và quan trọng trong dạy học đó là chất lượng và hiệu quả giáo dục. Để chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao thì hơn ai hết nhà giáo dục cần phải biết vận dụng một cách linh hoạt, phù hợp các điều kiện thực tế tồn tại trong môi trường giáo dục mà mình đang chịu trách nhiệm.
Việc “Thêm ngữ liệu ngoài SGK khi giảng dạy phân môn Tiếng Việt lớp 9 (hiện hành)’’ là cả một quá trình cần được rèn luyện, bồi dưỡng liên tục, giúp học sinh có được những hứng thú, niềm đam mê trong học tập với phân môn Tiếng Việt nói riêng và môn Ngữ văn nói chung, có được những kỹ năng diễn đạt tốt trong giao tiếp hằng ngày cũng như trong việc viết văn và khả năng cảm nhận sâu sắc về giá trị, tư tưởng trong các tác phẩm văn chương. ở đây người thầy giáo phải biết vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tối ưu nhất và điều quan trọng là phải biết biến sự thô cứng của phân môn Tiếng Việt trở nên mềm dẻo, có hồn. Điều này góp phần tạo tiền đề cho các em có được một hệ thống những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo… để chuẩn bị hành trang vào học bậc THPT .
II. Đề xuất.
Qua quá trình giảng dạy, điều tra thực tiễn một tồn tại lớn mà bản thân tôi nhận thấy rằng: 
Nhận thức của cha mẹ học sinh về công tác học tập của con em mình chưa đúng mức, chưa có những đầu tư về cơ sở, các điều kiện phục vụ cho học tập của con em mình, phần đa các gia đình đang còn phó mặc con em cho nhà trường và các tổ chức giáo dục. 
Điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng phục vụ học tập cho học sinh trong nhà trường còn nhiều thiếu thốn không đáp ứng được yêu cầu nội dung bài học. 
Chương trình học (quy định chung của Bộ trong chương trình giáo dục phổ thông) đối với học sinh ở vùng miền núi là qúa cao so với trình độ thực tế của học sinh.
Với những tồn tại nêu trên tôi mạnh dạn đề xuất trong những năm tới nhà trường cần tập trung đầu tư xây dựng cơ bản về cơ sở vật chất trường học. 
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, làm cho mọi người dân đều thấy được trách nhiệm của mình đối với công tác giáo dục như Đảng ta đã khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu’’ Giáo dục là trách nhiệm chung của toàn xã hội mọi người đều có trách nhiệm chăm lo và phát triển giáo dục, từng bước đưa giáo dục nước nhà đi lên một tầm cao mới đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Bộ cần có các đề án nghiên cứu chương trình giáo dục cho học sinh dân tộc ở vùng miền núi đặc biệt khó khăn sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của học sinh.
Do thời gian nghiên cứu có hạn nên một điều chắc chắn những thiếu sót trong đề tài là không tránh khỏi. Bản thân tôi rất mong muốn được sự đóng góp ý kiến của quý đồng nghiệp, tổ chuyên môn nhà trường để tôi có được những kinh nghiệm quý báu và tiếp tục phát huy hơn nữa trong quá trình công tác và rèn luyện bản thân.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Mường Mìn, ngày 25 tháng 02 năm 2009
 Người thực hiện 




 Nguyễn Thị Thơm

File đính kèm:

  • docSang kien kinh nghiem.doc