Thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2013-2014 . môn ngữ văn - lớp 9

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 4826 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2013-2014 . môn ngữ văn - lớp 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP THÀNH PHỐ
THÀNH PHỐ THANH HÓA NĂM HỌC 2013-2014 . MÔN NGỮ VĂN - LỚP 9
 Đề chính thức Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề) 
 Đề thi gồm có : 01 trang Ngày thi: 03 tháng 12 năm 2013


Đề bài

Bài 1 (3,0 điểm)
 Hiện nay trong đời sống, nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên, có nhiều cách dùng từ “rất mới”. Ví dụ: để nói người có tính “keo kiệt, ki bo”, dùng từ Suzuki; để chỉ việc mình không còn tiền, dùng từ ngữ Đội Cấn hoặc Lý Thường Kiệt…Theo em, đây có phải là cách phát triển từ vựng không? Thái độ của em trước hiện tượng này. 
Bài 2 (5,0 điểm)
 Phân tích điểm sáng nghệ thuật ở hai câu thơ sau: 
 Mặt trời xuống biển như hòn lửa
 Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
 (Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận)
Bài 3 (12,0 điểm) 
 “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.”
 Em hãy phân tích ý nghĩa của hình ảnh chiếc bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ để làm rõ ý kiến trên.






(HẾT)





 Phòng thi:…… Số báo danh: ………. Họ tên thí sinh: ……………………………
 Họ tên, chữ kí giám thị 1:……………………………………………………………
 Họ tên, chữ kí giám thị 2: ……………………………………………………………






PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP THÀNH PHỐ
 THÀNH PHỐ THANH HÓA NĂM HỌC 2013-2014 

 HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN - LỚP 9

Bài 1 (3,0 điểm) Yêu cầu chỉ ra được: 
+ Cùng với sự phát triển của xã hội, từ vựng của ngôn ngữ cũng không ngừng phát triển. Có hai cách phát triển từ vựng tiếng Việt là: phát triển nghĩa của từ ngữ trên cơ sở nghĩa gốc của chúng (bằng phương thức ẩn dụ và hoán dụ) và phát triển số lượng từ ngữ (bằng cách tạo từ mới, vay mượn). (1,0 điểm)
+ Tuy nhiên cách dùng từ “rất mới” của một số bạn trẻ đó không phải là cách thêm nghĩa mới cho từ ngữ, không phải là cách phát triển từ vựng. (1,0 điểm)
+ Chúng ta cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải biết sử dụng tinh thông tiếng Việt. Phê phán các cách dùng từ ngữ mà không hiểu rõ nghĩa của từ, làm nghèo vốn ngôn ngữ dân tộc (0,5 điểm)
- Phải rèn luyện các kĩ năng nghe, đọc, nói , viết, phải học ăn, học nói, không ngừng làm giàu vốn ngôn ngữ dân tộc . (0,5 điểm)
Bài 2 (5,0 điểm) 
a) Hình thức: Trình bày thành đoạn văn, không mắc những lỗi cơ bản về dùng từ, chính tả, diễn đạt trong sáng. (0,5 điểm)
b) Nội dung: chỉ ra được những điểm sáng nghệ thuật trong hai câu thơ: phép so sánh, nhân hóa, cách dùng từ ngữ, hình ảnh.
+ Sử dụng biện pháp so sánh cho ta thấy hình ảnh hoàng hôn trên biển thật sinh động. Mặt trời cuối ngày được ví như “hòn lửa” khổng lồ , kì vĩ khiến cho cảnh hoàng hôn trở nên rực rỡ, huy hoàng. ( 1,0 điểm)
- Độc đáo hơn, tác giả đã tả mặt trời “xuống biển” – mượn điểm nhìn của những người đi biển để chứng kiến cảnh mặt trời lặn. Tác giả đã phác họa một bức tranh lộng lẫy và hoành tráng mặt trời khuất phía chân trời, chìm xuống lòng biển thật hùng vĩ. 
 (1,0 điểm) 
+ Điểm thêm vào bức tranh ấy là tiếng sóng dịu êm và màn đêm lặng lẽ buông xuống được nhân hóa qua hình ảnh “Sóng cài then, đêm sập cửa”, cho thấy vũ trụ như một ngôi nhà khổng lồ đang bước vào trạng thái nghỉ ngơi. (1,0 điểm)
+ Hai vần trắc : lửa – cửa liền nhau, nối nhau làm cho ấn tượng đột ngột, nhanh chóng của đêm tối bao trùm. Vũ trụ thiên nhiên như một ngôi nhà vĩ đại mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người. ( 1,0 điểm)
à Cảm hứng vũ trụ quen thuộc của thơ Huy Cận với những so sánh, liên tưởng bất ngờ, kì vĩ. (0,5 điểm)
Bài 3 (12,0 điểm)
* Về hình thức: Đảm bảo là một văn bản bài văn, bố cục chặt chẽ, trình bày rõ ràng, mạch lạc. Bố cục đủ 3 phần. Không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, diễn đạt trong sáng, có chất văn. ( 1,0 điểm)
*Về nội dung: Yêu cầu học sinh biết bám chi tiết tiêu biểu trong văn bản nghệ thuật để phân tích chỉ rõ ý nghĩa của chi tiết chiếc bóng trong toàn mạch truyện.
* Mở bài
- Giới thiệu sơ qua về tác giả Nguyễn Dữ và Truyền kì mạn lục- áng thiên cổ kì bút.
- Trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ có một “nhân vật” rất đặc biệt, tuy vô hình vô ảnh nhưng lại giữ một vai trò trọng yếu, chi phối và quyết định toàn bộ diễn biến của câu chuyện: đó là chiếc bóng. (1,0 điểm)
* Thân bài:
* Giải thích và nhận định “chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”	 (2,0 điểm)	
* Hình tượng chiếc bóng tạo kịch tính cho câu chuyện, tạo sức hấp dẫn. Tình huống gay cấn, hấp dẫn nhất của câu chuyện là lời nói của đứa con “Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi…”. Nó như bản lề của câu chuyện: thắt nút, mở nút, án oan- minh oan à chiếc bóng gieo oan. (1,5 điểm)
* Nổi bật tính cách các nhân vật:
+ Vũ Nương: - Khi chỉ chiếc bóng của mình trên vách và “nói đùa” với con đó là cha của đứa trẻ, có lẽ Vũ Nương không bao giờ nghĩ rằng đó là một lời nói đùa chết người. Trong thâm tâm khi nói đùa với con như thế, nàng chỉ muốn chứng tỏ lòng thương nhớ khôn nguôi và sự thủy chung của mình với chồng. Và có lẽ nàng cũng muốn cho con hưởng trọn niềm hạnh phúc có đủ cả cha lẫn mẹ, dù rằng chồng nàng còn đang theo đuổi việc binh đao ở xa. (1,0 điểm)
- Nhưng hại thay, tâm hồn và ý nghĩ cao đẹp ấy của nàng lại không được đứa con hiểu đúng, và chiếc bóng của Vũ Nương đã giết chết cuộc đời nàng. (0,5 điểm)
+ Sự hiểu lầm của bé Đản bắt nguồn từ sự ngây thơ của con trẻ. Chính sự ngây thơ và sự hiểu lầm đó đã làm cho nó không thừa nhận chàng Trương là cha của mình. Kết thúc mâu thuẫn là sự chấm dứt một sinh mệnh. Mâu thuẫn gia đình ngày càng gay gắt bởi một tình tiết ngẫu nhiên lại vừa tất yếu, câu nói của một đứa trẻ “Đêm nào cũng có một người đàn ông…”.Và đàn giải oan được lập, lại vẫn do câu nói vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu của đứa trẻ “Cha Đản lại đến kia kìa”. (1,0 điểm)
+ Trương Sinh: Từ sự ngộ nhận của đứa con, dẫn đến sự ngộ nhận còn tai hại hơn nhiều, sự ngộ nhận dẫn đến một kết thúc đầy bi kịch: bi kịch của hạnh phúc do sự nhỏ nhen, ích kỉ, tính cả ghen, sự nghi ngờ thái quá và tư tưởng nam quyền độc đoán đã biến Trương Sinh thành một người chồng bức tử vợ. (1,0 điểm)
* Làm nổi bật số phận đau thương của Vũ nương: Chiếc bóng là hình ảnh không thể nắm bắt được, rất mong manh nhưng nó đã giết chết, làm tan nát cuộc đời Vũ Nương, phá vỡ hạnh phúc một gia đình. (1,0 điểm)
* Làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm: Cái “án oan” sẽ ngàn đời không rửa được nếu không có một sự tình cờ khi đứa trẻ lại chỉ bóng người cha mà nói “cha Đản lại đến kia kìa”. “Cái bóng” thủ phạm của mọi nỗi oan khiên đã bị bắt. Trương Sinh hiểu ra, vô cùng hối hận, đau đớn. Nhưng tất cả đều đã muộn. Câu chuyện 
được gỡ nút, Vũ Nương được minh oan, nhưng nàng đã là người của chốn làng mây cung nước, nàng chẳng thể trở về nhân gian được nữa. (1,0 điểm)
* Kết bài
- Khẳng định tài năng của Nguyễn Dữ khi xây dựng truyện
- Bài học rút ra: trong cuộc sống, cần bình tĩnh suy xét mọi việc, tránh sự ngộ nhận.
- Phê phán tư tưởng nam quyền, thói đa nghi, cả ghen, ích kỉ. (1,0 điểm)

( Lưu ý: Khuyến khích cho những bài có ý tưởng sáng tạo và giọng điệu độc đáo)
 (Hết)

File đính kèm:

  • docDe va dap an thi HSG cap Thanh pho Huyen mon Ngu van nam hoc 20132014.doc
Đề thi liên quan