Thi chọn học sinh giỏi thành phố môn thi : ngữ văn - Lớp 9 - năm học 2012 - 2013
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thi chọn học sinh giỏi thành phố môn thi : ngữ văn - Lớp 9 - năm học 2012 - 2013, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD VÀ ĐT THÀNH PHỐ THANH HÓA THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ Môn thi : Ngữ văn - Lớp 9 - Năm học 2012 - 2013 Ngày thi: 14 / 12 / 2012 - Thời gian làm bài 150 phút ĐỀ BÀI Bài 1 ( 4,0 điểm) ...“ Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang: - Bác trai đã khá rồi chứ? - Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề bề lệt bệt chừng như vẫn mỏi mệt lắm." (Trích Tắt đèn - Ngô Tất Tố , Ngữ văn 8 - Tập 1) a) Ở trích dẫn trên, phương châm hội thoại nào đã được thực hiện? Biện pháp tu từ nào giúp thực hiện phương châm hội thoại đó? Nhận xét về cách dùng từ xưng hô và thái độ của người nói trong trích dẫn. b) Giá trị biểu đạt của các từ láy trong trích dẫn? Bài 2 ( 6,0 điểm) Bắt đầu từ năm 2012, ngày 11 tháng 10 hàng năm được Liên hiệp quốc chọn là "Ngày quốc tế của trẻ em gái" trên toàn cầu. Hãy trình bày một văn bản ngắn nêu suy nghĩ của em về chủ đề "Vì em là con gái" do Việt Nam phát động. Bài 3 (10,0 điểm) Chất triết lí và chiều sâu suy ngẫm trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. ( Hết ) Họ và tên thí sinh: ................................................... Số báo danh: ........... Phòng thi:.......HƯỚNG DẪN CHẤM – MÔN NGỮ VĂN THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THÀNH PHỐ - NĂM HỌC 2012 - 2013 Bài 1 (4,0 điểm) Yêu cầu chỉ ra được: a. -Trong cuộc hội thoại, phương châm lịch sự đã được thực hiện. (0,5điểm) - Biện pháp tu từ nói giảm nói tránh đã giúp thực hiện phương châm hội thoại đó. (0,5 điểm) - Bà lão láng giềng gọi anh Dậu là "bác trai", hỏi thăm sức khỏe bằng từ "khá". Còn chị Dậu thì "Cảm ơn cụ". Cách xưng hô lịch sự mà tự nhiên, chân thành, ấm áp tình người. (1,0 điểm) b. + Đoạn trích ngắn nhưng sử dụng tới 3 từ láy có giá trị biểu cảm cao: Lật đật, tỉnh táo, lề bề lệt bệt. (0,5 điểm) - Thể hiện sự quan tâm chia sẻ của những người nông dân nghèo, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau. (0,5 điểm) - Nhấn mạnh tình trạng đuối sức, mệt mỏi, vận động khó khăn của anh Dậu ( do chưa đủ tiền nộp sưu nên bị trói, bị đánh đập vô cùng dã man) - qua đó tố cáo tội ác của chế độ thực dân phong kiến, cụ thể là thứ thuế vô nhân đạo: thuế thân (1,0 điểm) Bài 2 ( 6,0 điểm) * Yêu cầu về hình thức: - Học sinh viết được văn bản nghị luận xã hội ngắn. Không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ, đặt câu... * Về nội dung: Làm nổi bật được chủ đề "Vì em là con gái" do Việt Nam phát động. a. Mở bài: - Giải phóng và tôn vinh những người phụ nữ liên quan trực tiếp đến tương lai của một đất nước, của toàn nhân loại, thể hiện trình độ văn minh của một xã hội, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và Việt Nam một cách thích đáng , cụ thể, toàn diện. (1,0 điểm) b. Thân bài: * “Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em năm 1990 đã đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết với toàn nhân loại: Hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn. -Bảo vệ quyền lợi, chăm lo đến sự phát triển của trẻ em, đặc biệt trẻ em gái là một trong những vấn đề quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa toàn cầu (1,0 điểm) * Năm 2012 Liên hiệp quốc đã lấy ngày 11/ 10 là "Ngày quốc tế của trẻ em gái" điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường vai trò của phụ nữ nói chung và đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ vì lợi ích của trẻ em toàn cầu. Các em gái phải được đối xử bình đẳng và có cơ hội đồng đều như các em trai. (1,0 điểm) * Hưởng ứng ngày trọng đại này, Việt Nam đã phát động chiến dịch "Vì em là con gái" với mục tiêu chính là hỗ trợ cho hơn 4 triệu trẻ em gái ở nước ta về các kĩ năng sống để các em thay đổi cuộc sống của chính mình, chống lại nạn buôn bán trẻ em gái, bạo lực gia đình, phân biệt đối xử và các hành động có hại khác.. (2,0 điểm) c. Kết bài: Sự nhận thức, hành động của em. (1,0 điểm) Bài 3 (10, 0 điểm) a) Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh viết đúng yêu cầu của bài văn nghị luận văn học. Có cấu trúc rõ ràng, chặt chẽ, mạch lạc. Diễn đạt lưu loát, trôi chảy, có cảm xúc, dùng từ ngữ chuẩn xác. Bài viết không mắc các lỗi chính tả, diễn đạt, đặt câu, dùng từ... b) Bài làm đảm bảo các ý sau: Mở bài: - Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Duy và bài thơ Ánh trăng: Nguyễn Duy là nhà thơ trưởng thành trong thời kì chống Mĩ. Thơ Nguyễn Duy gần gũi với văn hóa dân gian nhưng sâu sắc và rất đỗi tài hoa - Bài thơ Ánh trăng được viết năm 1978, khi người lính Nguyễn Duy về với phố xá được 3 năm. Bài thơ như một lời tự thú và tự vấn với chính mình qua sự kết hợp hài hòa giữa hình thức tự sự và chiều sâu trữ tình, từ đó giúp mọi người rút ra những suy ngẫm sâu sắc về lẽ sống ở đời (1,0 điểm) Thân bài: Chất triết lí và chiều sâu suy ngẫm của bài thơ được thể hiện: * Nhà thơ nói về sự kiện chính: buyn-đinh mất điện, nhà thơ mở cửa, bất ngờ gặp trăng. Chi tiết mở cửa gặp trăng là chi tiết có ý nghĩa bước ngoặt, mở ra một trường tâm trạng của nhà thơ ( nhớ về quá khứ, suy ngẫm về cách sống trong thời hiện tại...). Chú ý cách dùng từ: thình lình, vội, đột ngột...Gặp trăng trong tình thế bất ngờ nhưng đó là sự kiện tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong cảm nhận và suy nghĩ của nhà thơ. (1,0 điểm) * Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, Tuy nhiên, tự sự chỉ là bề nổi, chiều sâu và sức nặng của bài thơ nằm ở chất trữ tình và triết lí về lẽ sống. (1,0 điểm) * Hình ảnh vầng trăng và thái độ của nhà thơ khi gặp trăng: - Trăng là người bạn tri kỉ hồi ấu thơ và những ngày chiến đấu ở rừng.( Phân tích bằng các dẫn chứng cụ thể trong bài thơ, chú ý các từ ngữ: tri kỉ, tưởng không bao giờ quên, ngỡ không bao giờ quên) (1,0 điểm) - Cứ ngỡ như không bao giờ quên được trăng nhưng từ hồi về thành phố trăng đã thành người dưng qua đường , Đời sống tiện nghi và bận rộn ở thành phố khiến nhà thơ quên đi người bạn tri kỉ của mình - Mất điện, nhà tối om, nhà thơ mở của bất ngờ gặp trăng. Bao nhiêu kỉ niệm ùa về. (Phân tích bằng các dẫn chứng cụ thể trong bài thơ) - Tư thế “Ngửa mặt lên nhìn mặt” và cảm xúc dâng trào. Vầng trăng gợi nhớ lại bao nhiêu là hình ảnh của quá khứ: sông, bể, núi, rừng... (2,0 điểm) * Khổ thơ cuối thể hiện rõ nhất tính triết lí và chiều sâu suy ngẫm của nhà thơ: - Khổ thơ kết lại bài thơ bằng hai vế đối lập mà song song. Đối lập giữa "tròn vành vạnh" nghĩa là sự đầy đặn của vầng trăng với cái hụt hơi của kẻ "vô tình". Đối lập giữa cái im lặng của ánh trăng (im phăng phắc) với sự thức tỉnh của con người (giật mình). Đây chính là bài học sâu sắc về đạo lí làm người . (2,0 điểm) - Trong bài thơ, trăng không hề nói, chỉ im phăng phắc. Nhưng đó là sự im lặng hàm chứa nhiều tiếng nói bên trong. Vầng trăng cứ tròn đầy chung thủy nghĩa tình như xưa mặc dù con người đã có lúc vô tình quên trăng. Sự im lặng của trăng mang ý nghĩa nhắc nhở nghiêm khắc: không được quên quá khứ, phải thủy chung, đầy đặn, nghĩa tình. - Học sinh có thể liên hệ những phong trào về nguồn như: Trở về từ kí ức. thăm lại chiến trường xưa... (1,0 điểm) c. Kết bài: Khái quát ý và nêu cảm nghĩ của em. (1,0 điểm) * Lưu ý: Người chấm bài cần chủ động linh hoạt trong khi chấm. Khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo. (Hết)
File đính kèm:
- De va dap an thi HSG cap Thanh pho Huyen mon Ngu van nam hoc 20122013.doc