Thi học kỳ I, lớp 12 bổ túc trung học phổ thông năm học 2012-2013

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1145 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thi học kỳ I, lớp 12 bổ túc trung học phổ thông năm học 2012-2013, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRUNG TÂM GDTX
 THI HỌC KỲ I, LỚP 12 BỔ TÚC THPT
 ĐÌNH LẬP
 NĂM HỌC 2012-2013
 --------------------------------------


Môn thi: Ngữ văn
Thời gian: 120 phút (không kể giao đề)



Câu 1: ( 2,0 điểm) 
Trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu .
Câu 2 (3,0 điểm) 
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách. 
Câu 3 (5,0 điểm): Phân tích hình tượng con sông Đà trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.



.......................………Hết……….......................

(Đề kiểm tra gồm có 01 trang)


 - Thí sinh không sử dụng tài liệu.
 - Giám thị không giải thích gì thêm.



Họ và tên thí sinh…………………………………………….









HƯỚNG DẪN CHẤM VĂN 12
Câu 1: Hoàn cảnh ra đời bài thơ Việt Bắc (2,0 điểm)
- Việt Bắc là tác phẩm xuất sắc của Tố Hữu nói riêng và thơ Việt Nam hiện đại nói chung.
Bài thơ được sáng tác vào tháng 10 năm 1954. Đây là thời điểm các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc vẻ vang với chiến thắng Điện Biên Phủ và hòa bình được lập lại ở miền Bắc.
- Nhân sự kiện có ý nghĩa lịch sử này, Tố Hữu viết bài thơ để ôn lại một thời kháng chiến gian khổ mà hào hùng, thể hiện nghĩa tình sâu nặng của những người con kháng chiến đối với nhân dân Việt Bắc, với quê hương Cách mạng.
Câu 2 (3,0 điểm) 
Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách. 
A. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
− Nêu được vấn đề cần nghị luận ( 0.25đ )
− Sách là sản phẩm tinh thần của con người; là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại ( 0.75đ )
− Đọc sách có nhiều tác dụng: mở rộng, nâng cao hiểu biết trên nhiều lĩnh vực, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, lẽ sống; đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh... cho con người ( 1.đ )
− Phê phán hiện tượng lười đọc sách và đọc sách thiếu sự lựa chọn ( 0.5đ )
− Cần hình thành thói quen đọc sách và biết lựa chọn sách để đọc ( 0.5đ )
Lưu ý: Chỉ cho điểm tối đa khi thí sinh đạt được cả yêu cầu về kĩ năng và kiến thức
Câu 3 (5.0 điểm)
Câu 3 (5 điểm): Phân tích hình tượng con sông Đà trong tuỳ bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.
- Yêu cầu về kỹ năng:
HS biết làm bài văn nghị luận văn học, kết cấu bài viết chặt chẽ, biết dùng từ, đặt câu, diễn đạt lưu loát, mạch lạc, bố cục cân đối, trình bày bài viết rõ ràng, tôn trọng người đọc. 
- Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về tác giả Nguyễn Tuân và tùy bút Người lái đò Sông Đà, HS biết cách chọn, phân tích những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật hình tượng Sông Đà. Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu bật được những ý sau :
- Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và tùy bút “Người lái đò Sông Đà”; khẳng định Sông Đà là một trong hai hình tượng trung tâm, xuyên suốt thiên tùy bút, kết tinh những nét bút tài hoa nhất của Nguyễn Tuân trong nghệ thuật tả cảnh, trong cách nhìn sự vật ở phương diện văn hóa mỹ thuật (1.0 điểm).
- Phân tích hình tượng sông Đà trong đoạn trích được học ở SGK Ngữ văn 12 – Cơ bản:
- Sông Đà hiện lên qua nhãn quan nghệ sĩ của Nguyễn Tuân như một sinh thể có hồn với hai nét tính cách đối lập mà thống nhất, vừa hung bạo lại vừa trữ tình. Tương ứng với hai nét tính cách ấy là hai bút pháp miêu tả hết sức tài hoa của Nguyễn Tuân (3.0 điểm). Cụ thể:
	+ Vẻ hung bạo, dữ dằn của dòng sông chủ yếu hiện lên qua bút pháp đặc tả, gần với lối quay cận cảnh trong điện ảnh, với một hệ thống chi tiết tiêu biểu, đặc sắc, những liên tưởng, so sánh độc đáo và một hệ thống ngôn từ góc cạnh, gây ấn tượng mạnh, giàu chất điện ảnh có nhịp điệp uyển chuyển biết co duỗi nhịp nhàng... (chú ý các chi tiết: cảnh đá bờ sông dựng vách thành; cảnh mặt ghềnh Hát Loóng, hình ảnh những cái hút nước, âm thanh tiếng thác nước, những thạch trận, phòng tuyến sẵn sàng “ăn chết” con thuyền và người lái, cuộc thủy chiến giữa ông đò Lai Châu với thác nước Đà giang...). Tất cả đã góp phần làm nổi bật hình tượng dòng sông “có diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một” thử thách trí lực, tài năng của con người - (1.5 điểm)
	+ Vẻ trữ tình thơ mộng của dòng sông lại chủ yếu hiện lên qua lối tả bao quát, gần với lối quay viễn cảnh trong điện ảnh, cùng những liên tưởng, so sánh bất ngờ mà táo bạo đầy chất thơ, gợi nhiều liên tưởng ở người đọc... (chú ý các hình ảnh: “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình...” với vẻ đẹp duyên dáng gợi cảm đầy nữ tính ; sự đổi thay của sắc nước sông Đà qua các mùa; cách ví sông Đà hiền hoà thân thiết như một cố nhân, với những quãng sông yên ả mà bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử, hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa… và cách diễn tả những niềm khoái cảm thẩm mĩ khác nhau của Nguyễn Tuân mỗi lần gặp lại con sông Tây Bắc...) - (1.5 điểm).
- Kết luận về ý nghĩa của hình tượng nghệ thuật: 
	+ Bằng tình yêu thiết tha đối với thiên nhiên đất nước, bằng những cảm nhận tinh tế, sự trải nghiệm sâu sắc và ngòi bút tài hoa uyên bác, Nguyễn Tuân đã làm thăng hoa cho vẻ đẹp và những giá trị của con sông Đà - chất vàng mười của thiên nhiên miền cực Tây Tổ Quốc mà Nguyễn Tuân luôn khao khát kiếm tìm (0,5 điểm).
	+ Hình tượng sông Đà vừa là biểu tượng cho vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, vừa như một cái nền để tôn vinh vẻ đẹp con người, kết tinh những nét bút tài hoa nhất trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và thể hiện một quan niệm nghệ thuật độc đáo của ông: thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hoá - (0.5 điểm).

============ HẾT ===========


File đính kèm:

  • docthi_thu_hoc_ky_1_ngu_van_12.doc