Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Bêlinxki)

doc15 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 7578 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Bêlinxki), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trường: TH Đức Trí Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17 tháng 11 năm 2012
Lớp: 12A1
Họ & Tên: Mai Lê Huy


Điểm Lời phê của giáo viên






Đề: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật” (Bêlinxki)

Bài Làm

	Nhà thơ Nga Raxun Gamzatốp đã từng nói: “Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ của con người... Thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong sáng hay từ những giọt nước mắt cay đắng.” Trong văn mạch của dân tộc, nhìn trên diện rộng cũng có thể thấy mỗi thời đại đều để lại một khí chất, một dòng cảm hứng chủ đạo khác nhau nhưng “giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó, là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm, chứ không phải tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy” (Nguyễn Khải). Với Thạch Lam, ông là nhà văn hướng ngòi bút vào cuộc sống của những người dân nghèo với khám phá tinh tế về thế giới nội tâm bên cạnh nỗi khổ “gánh nặng áo cơm ghì sát đất”. Còn Nguyễn Du đã mạnh dạn vượt ra khuôn khổ “văn dĩ tải đạo” để xót thương cho những con người bị dìm dưới đáy xã hội. Hay hồn thơ của Nguyễn Gia Thiều trong “Cung Oán Ngâm Khúc” đã cất lên những tiếng ai oán cho số phận của người phụ nữ bị chế độ xã hội phong kiến vùi dập. Huy Cận là “hồn và xác của một bài thơ quyện nhuyễn vào nhau làm một”. Thi sĩ chính là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối, hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự sống. Và thơ phản ánh hiện thực cuộc sống mà hiện thực ấy “đã được ủ thành men và bốc lên đắm say” (Lưu Trọng Lư) đến mức “si mê trong tâm hồn thi sĩ, là ánh chớp toé lên ở nơi giao nhau giữa tâm hồn và ngoại vật” (Nguyễn Đình Thi). Ấy vậy mà Bêlinxki từng nói: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”.

	Thơ theo quan niệm Phương Tây “là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim, thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên” (Lacmactin). Thơ được quyết định bởi cá tính nhà thơ. Cá tính ấy được “tạo thành bởi những quầng sáng tan dần trong đại dương âm thanh” (Laurence Fơlinghetti). Còn theo quan niệm của văn học Việt Nam hiện đại, thơ là một thể loại trữ tình, là cái làm cho lòng người “sống được những phút đổi khác, khác thường, chếnh choáng, say mê” (Chế Lan Viên). Hay “là thể loại văn học có độ hàm súc cao, là sự dồn nén cảm xúc đến mức cô đúc để rồi phát nổ bằng một hình thức ngôn từ tổng hợp kết tinh có vần hoặc có điệu” (Nguyễn Đình Thi). Mỗi thời đại, mỗi dân tộc, mỗi giai đoạn văn học đều có một cách quan niệm riêng nhưng tất cả đều đọng lại qua con mắt của thi nhân với cuộc đời. Thơ ca bắt nguồn từ cuộc đời.
“Cuộc đời” là nơi mà nhà văn chứng kiến những nỗi đau khổ của con người, những số phận bất hạnh hay niềm giao cảm của mình trước cuộc sống,... Thi sĩ phải là người có cái nhìn hết sức tinh tế, nhạy cảm mới có thể gom nhặt những hạt bụi quý gửi vào trong thơ. Bởi lẽ “thơ thọc sâu vào xương máu của cuộc sống không che phủ, giấu giếm” (Xuân Diệu). Còn “nghệ thuật” trong thi ca là yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn, sức sống của một tác phẩm và phong cách của nhà thơ. Phong cách ấy đưa đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân. 

	“Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi động chạm tới cuộc sống. Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi từ điểm này qua điểm khác. Thơ chỉ chọn ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì toàn thể động lên theo. Thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không hoàn toàn, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích” (Nguyễn Đình Thi). Một nhà thơ tài năng phải là một người đầu bếp lành nghề nếm được các vị của cuộc sống, không phải để tìm ra kết cấu của món ăn mà tìm ra vị chát, vị đắng, vị mặn để làm cho phong vị của thơ sâu sắc hơn. Ấy vậy mà Nam Cao đã nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”. Tư tưởng của một nhà văn dù có giá trị đến đâu, độc đáo mới mẻ đến nhường nào thì nó cũng chỉ là một xác buớm ép khô trên trang giấy nếu không được tình cảm của họ thổi hồn đánh thức dậy. Thế nên Xuân Diệu cũng nhận xét: “Thơ là một sản phẩm của tâm hồn, trí tuệ con người mà tâm hồn và trí tuệ đó có một tác động trở lại vào thực tại”. Được nhắc đến như một nhà thơ, một hồn thơ chiến sĩ thời máu lửa oai hùng - Quang Dũng đã rất thành công khi khái quát hóa hình ảnh núi rừng Tây Bắc gắn liền với nổi nhớ của người chiến sĩ đoàn quân Tây Tiến. Nỗi nhớ thương như nén chặt bỗng trào dâng:
“Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.”

	(Tây Tiến)

	Từ "ơi" bắt vần với từ láy "chơi vơi" làm cho âm điệu câu thơ trở nên tha thiết sâu lắng, bồi hồi. Hai chữ "nhớ" như hai nốt nhấn gợi tả nỗi nhớ cháy bỏng khôn nguôi. Nếu như thơ Quang Dũng không in dấu những nhung nhớ về đơn vị, đồng đội cũ thì hẳn nó đã không chạm đến tâm hồn của bạn đọc. Hay những vần thơ Xuân Diệu nếu không thấm đẫm một bầu cảm xúc, một niềm yêu đời mãnh liệt thì những vần thơ của ông có thể rung động lòng người đến thế? Những vần thơ như kết tinh từ xúc cảm đắm say đến cuồng nhiệt, ngây ngất của người nghệ sĩ đối với cuộc sống này. Nó giúp ông khám phá những hương mật ngọt ngào của thiên nhiên trần thế:

“Của ong bướm này đây tuần tháng mật.
Này đây hoa của đồng nội xanh rì.
Này đây lá của cành tơ phơ phất.
Của yến anh này đây khúc tình si."

	(Vội Vàng)

	Xúc cảm đâu muốn nguôi yêu, lúc nào nó cũng muốn cựa quậy trên trang giấy để bứt phá, đạp tung những khuôn khổ bó buộc của câu chữ khiến thành trì chữ nghĩa phải lung lay:

"Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào người!"

	(Vội Vàng)

	Thơ hay tiếng lòng của nghệ sỹ đã đốt thành thơ? Mỗi vần thơ Xuân Diệu như được chắt ra từ lòng yêu đời, yêu cuộc sống nồng nhiệt. Có lẽ vì tiếng hót đắm say đến nhường ấy nên nó đã đọng lại trong lòng bạn đọc yêu thơ. 

	“Thơ, là cái gì tồn tại giữa các dòng chữ” (Laurence Fơlinghetti). Không phải ngẫu nhiên mà khi bàn về thơ, nhiều nhà văn, học giả đều khẳng định vai trò của tình cảm đối với thơ. Ngô Thì Nhậm thì kêu gọi các thi nhân "hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần" còn Chế Lan Viên thì “thơ đòi cô đúc để rồi trong một phút nổ ra như tiếng sét”. Có thể nói tình cảm của người viết chính là khâu đầu tiên của quá trình xây dựng tác phẩm nghệ thuật. Người đọc đến với tác phẩm trước hết đâu phải bằng con đường lí trí. Họ đến với tác phẩm bằng chiếc cầu nối từ trái tim đến với trái tim. Những tư tưởng tâm đắc nhất, tha thiết nhất nhà văn gửi gắm trong tác phẩm sẽ thâm nhập vào tâm hồn bạn đọc trong hình hài của cảm xúc. Trong bài thơ “Tràng Giang” của Huy Cận ta có thể thấy rõ điều đó. Nhà thơ đã thả vào một nỗi buồn nhớ nhẹ nhàng, man mác vào lòng bạn đọc:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp.Con thuyền xuôi mái nước song song.Thuyền về nước lại sầu trăm ngả.Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

	Sóng của dòng sông, của thiên nhiên trong phút ấy cũng hóa thành con sóng lòng của thi nhân với từng nỗi buồn cứ thế trùng điệp ở trong lòng. Con thuyền cũng không buồn lái, để mặc xuôi theo dòng nước lặng lờ. Vẫn tiếp nối cái u sầu, buồn bã khổ thơ tiếp theo như đẩy đưa con người lên đến đỉnh sầu:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu.
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống trời lên sâu chót vót.
Sông dài trời rộng bến cô liêu.”


	Nhưng chưa dừng lại ở đó, cái tôi cô đơn của thi nhân còn đi sâu hơn nữa vào ngọn nguồn của nỗi buồn thương:

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng.
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”

	“Tràng giang” là tâm trạng và là lòng yêu quê hương sâu kín của nhà thơ. Từ đó bài thơ  mở ra một tình yêu lớn lao hơn mỗi miền quê, mỗi cảnh vật. Đọc “Tràng giang” con người như thêm yêu, nhớ thêm đất trời sông núi quê hương Việt Nam. Đó là chiếc cầu nối từ trái tim đến với trái tim. 

	“Thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la” (Nguyễn Tuân). Có thể nói bao trùm lên các quan niệm về văn chương trong văn học Việt Nam trung đại chính là “văn dĩ  tải  đạo” và “thi dĩ ngôn chí”. Văn chở đạo, thơ nói chí nhưng thực ra không chỉ đơn thuần là chí hướng của con người mà còn chứa đựng nhiều nội hàm khác nhau. Ở đó có cả lòng yêu nước, thương dân. Những lời dùng để thể hiện cái điều gì đó đang nung đốt lòng mình là chí. Nhưng nói đến thơ là nói đến tấm lòng, nói đến những điều gan ruột, đến cái tâm. Thế nên nhiều nhà thơ trong giai đoạn văn học trung đại Việt Nam cũng đã nhận thức ra được ý nghĩa mà Bêlinxki đã nhận định ở trên. Còn với giai đoạn văn học Việt Nam hiện đại, thơ đã thoát dần quan niệm “thi dĩ ngôn chí” và có sự ảnh hưởng của nền văn học phương Tây. Thơ được xây từ cuộc đời và vào lòng người bằng dòng chảy nghệ thuật. Trong dòng chảy của “văn học thời đổi mới”, thơ cũng tìm cách trở mình để phù hợp với sự phát triển của thời đại nhưng vẫn gắn chặt với cái nhìn của nhà thơ về cuộc sống. Và không thoát khỏi quan niệm “thơ là một thông báo thẩm mĩ trong đó kết hợp 4 yếu tố: Ý - Tình - Hình - Nhạc” (Mã Giang). Thơ của Hàn Mặc Tử chính là sự thay đổi của tâm trạng khó lường trước được. Nét phong cách đặc sắc ấy đã hội tụ và phát sáng trong cả bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của ông. Bài thơ về xứ Huế mộng mơ đã để lại cho bạn biết bao hoài niệm đẹp về phong cảnh hữu tình xứ Huế, con người Huế và đặc biệt hơn là sự lãng mạn của một đời thơ, một đời người - Hàn Mặc Tử. Bao kỉ niệm sống dậy trong một hồn thơ. Nó gắn liền với cảnh sắc vườn tược và con người xứ Huế:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền?"

	Cảnh được nói đến là một sáng bình minh đẹp. Nhìn từ xa, bạn đọc như say mê ngắm nhìn những ngọn cau, tàu cau ngời lên dưới màu nắng mới rực rõ. Hàng cau như đón chào người thân thương sau bao ngày xa cách. Vẻ đẹp của thôn Vĩ đã được cảm nhận bằng nỗi nhớ của nhân vật trữ tình. Tình yêu Vĩ Dạ của thi nhân bắt nguồn từ tình yêu cuộc sống, từ tình yêu với người con gái xứ Huế. Tình cảm ấy quả thật là tình cảm của “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm nào dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). Mặt nước buồn hay chính là con sóng lòng "buồn thiu” của thi nhân đang dâng lên không sao giấu nổi: 

"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"

	Câu thơ gợi tả một hồn thơ làm bạn đọc rung động trước vẻ đẹp hữu tình của xứ Huế miền Trung, nói lên một tình yêu kín đáo, dịu dàng, thơ mộng và thoáng buồn. Sông Hương “buồn thiu” lúc chiều dưới ánh trăng đã trở thành “sông trăng” thơ mộng. Hình ảnh “thuyền” và “sông trăng” đẹp, hài hòa biết bao. Qua “Đây Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, ta thấy được một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng nhiều thủ pháp nghệ thuật Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ là nỗi đau đớn trước sự cô đơn. Qua đó, ta có thể thấy được rằng thơ được xây lên từ niềm giao cảm của nhà thơ với cuộc sống và gắn chặt với bốn yếu tố “Ý - Tình - Hình - Nhạc”.

	Mỗi tác phẩm là một chỉnh thể nghệ thuật được tạo nên từ sự thống nhất của hai yếu tố nội dung và hình thức biểu hiện. Trong đó nội dung bao giờ cũng đóng vai trò quyết định việc lựa chọn hệ thống các phương tiện biểu hiện của người viết. Thơ là tiếng nói tình cảm, là dòng cảm xúc chân thành, mãnh liệt và được khơi nguồn từ hiện thực đời sống. “Việt Bắc” của Tố Hữu là khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng. Trang thơ của Tố Hữu đằm thắm như có sức cảm hóa lòng người. Những trải nghiệm gian khổ, ngọt bùi và niềm xúc động trước tâm lòng của đồng bào dân tộc thiếu số đã khơi nguồi cho hồn thơ của Tố Hữu. Tiếng lòng nhà thơ trong cuộc chia tay lịch sử năm 1945 đã trở thành tiếng lòng của tất cả những người Việt Nam đi kháng chiến, của cả dân tộc thể hiện sự gắn bó sắt son thủy chung, sâu nặng không bao giờ đổi thay. 

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sống nhớ nguồn?”

	Hay:

“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.”


	Theo một truyền thống thi ca trung đại “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Hồ Chí Minh), những bài thơ của Nguyễn Trãi dành một số lượng khá lớn viết về thiên nhiên. Hình tượng thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi là hình tượng trữ tình đầm ấn chan hoà tình cảm giữa con người với thiên nhiên. Thiên nhiên như con cái, như bằng hữu thâm giao và tâm giao với nhà thơ:
“Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn.
Ủ ấp cùng ta làm cái con.”                                                  
	(Ngôn Chí 20)

	Còn với Nguyễn Khuyến, ông tả chân thực cảnh vật thiên nhiên đã làm cho cuộc sống của nhân dân thêm cực khổ. Ông lo lắng khi có lũ tràn về:

“Năm nay cày cấy vẫn chân thua. Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa."	
	(Chốn Quê)

	Hay: 
“Quai Mễ Thanh Liêm đã vờ rồi. Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi.”
	
	(Nước Lụt Hà Nam)

	Nguyễn Trãi mặn nồng với cái đẹp thiên nhiên nên đã nhào nặn, nâng sự sống của của tạo vật lên một nấc thang giá trị mới. Cũng vì vậy, trong thơ ông, thiên nhiên mang nhiều hình tượng sinh động đến kì lạ, làm ta kinh ngạc:

“Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.”
	
	(Cảnh Ngày Hè)

	Hay:

“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi.
Lại có mưa xuân nước vỗ trời.”
	(Bến Đò Xuân Đầu Trại)

	Còn phần lớn cuộc đời của Nguyễn Khuyến là ở nông thôn nên thiên nhiên trong con mắt của ông là cảnh làng xóm, cánh đồng ruộng, con trâu cày, nghĩa tình mặn nồng của người dân nông thôn. Cuộc sống ấy dường như lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu:

“Sớm trưa dưa muối cho qua bữa. Chợ búa, trầu cau chẳng dám mua.”
	(Chốn Quê)

	Cảnh vật ấy hết sức dân dã qua con mắt nhạy cảm của Nguyễn Khuyến:

“Cá vượt khóm lau lên mặt nước.
Bướm len lá trúc vượt rèm thưa.”

	(Vịnh Mùa Hè)

	Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trãi là nhà thơ sống hoà nhập với nông thôn, gắn bó máu thịt mình với chốn thôn quê bình dị ấy. Có lẽ vì thế mà hai ông đã trở thành những nhà thơ của làng cảnh quê hương Việt Nam. Cả hai thi sĩ có cảm nhận khác nhau về thiên nhiên nhưng nhờ sự giao cảm với cuộc đời mà trong những vần thơ luôn chất chứa nghĩa tình với quê hương.

	Thời xưa, dưới chế độ phong kiến, số phận người phụ nữ luôn bị vùi dập vào vũng lầy đau khổ, bị trói buộc bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ, chế độ đa thê… Khi nói đến thân phận của người phụ nữ, nhiều nhà thơ có sự cảm nhận khác nhau. Thơ Hồ Xuân Hương là những tiếng cười chế giễu, đôi khi như ai oán, phản ảnh số phận nghiệt ngã người phụ nữ và chính cuộc đời mình. Thơ của bà muốn vượt qua cái suy nghĩ hẹp hòi của chế độ phong kiến về thân phận người phụ nữ và phải sánh tầm với non sông đất nước:

“Ví đây đổi phận làm trai được.
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.”

	(Đề Đền Sầm Nghi Đống)

	Trong chế độ phong kiến suy tàn ở Á Đông hàng mấy nghìn năm con người rất đau khổ nhưng khổ nhất là người đàn bà. Không phải vô cớ mà Nguyễn Du đã nấc lên thay cho người phụ nữ :

                                    “Đau đớn thay phận đàn bà!
                                    Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?”

	(Văn Chiêu Hồn)

	Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du một lẫn nữa lại kêu lên như thế:

                                    “Đau đớn thay phận đàn bà!
                             Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”

	Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm cũng có nói đến cái khổ của người chinh phụ trong “Chinh Phụ Ngâm”. Còn với Xuân Hương không chỉ than cho người đàn bà dưới chế độ phong kiến mà bản thân mình cũng bị cái lễ giáo khắc nghiệt ấy cuốn chặt lấy. Xuân Hương đã nói một cách trần trụi nhất với cái mạnh mẽ của sự phản kháng và gắn chặt đời mình cùng với số phận của những người phụ nữ nói chung trong xã hội cũ:
                                   
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.” 

	(Làm Lẽ)

	Ta cũng bắt gặp những bài thơ nói về phẩm chất của người phụ nữ. Họ là những người có nhân cách cao đẹp:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.”

	(Thương Vợ)

	Hay:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.”

	(Bánh Trôi Nước)

	Thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn phải chịu những điều bất hạnh, đau thương. Cái chế độ ấy đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con người. Những tiếng kêu thương ấy là “Những oan khổ lưu ly. Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!” (Đoạn Trường Tân Thanh). Nhiều nhà thơ đã cảm thông sâu sắc với người phụ nữ và nói lên nỗi oan của họ qua những vần thơ. Tuy mỗi tiếng than khóc, tiếng nấc nghẹn ngào có phần khác nhau nhưng nhờ sự đồng cảm với nỗi đau của người phụ nữ mà thi nhân đã phản ánh một hiện thực một cách chân thực nhất.

	“Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc, và phải suy nghĩ do chính hình thức tổ chức ngôn ngữ này” (Phan Ngọc). Sau cái nhìn của thi sĩ với cuộc sống thì yếu tố nghệ thuật mới được đề cập. Đây là một ý nghĩa quan trọng mà Bêlinxki đã nhận định. Trong lịch sử văn học thế giới có rất nhiều trào lưu văn học lớn. Nếu “văn học thời Phục hưng” ở Châu Âu đề cao con người, giải phóng cá tính; “chủ nghĩa cổ điển” của Pháp luôn đề cao lí trí, sáng tác theo các quy phạm chặt chẽ thì “chủ nghĩa hiện thực” ở Việt Nam là sự quan sát thực tế để miêu tả cuộc sống của con người. Phong cách là nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức, phản ánh cuộc sống. Trong tác phẩm của Sếch-xpia “mỗi một ưu điểm nhỏ nhất cũng in dấu riêng, dấu ấn đó có thể lập tức nói với toàn thế giới rằng: Tôi là Sếch-xpia.” Nó được biểu hiện trước hết ở cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả. Từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện hình ảnh, nhân vật cho đến xác lập tứ thơ. “Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ” (Lê Đạt) nghĩa là nó phải đem lại cho người đọc một sử hưởng thụ mĩ cảm dồi dào tính nghệ thuật sinh động, hấp dẫn. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, xác và hồn của bài thơ cùng lớn lên với nhau và ảnh hưởng qua lại. Chứ không phải là hồn đã lớn sẵn từ đầu và trơ trơ trong khi nghệ sĩ làm xác. 

	“Cuộc sống đánh vào thơ trăm ngàn lớp sóng/Chớ ngồi trong phòng ăn bọt bể anh ơi!” (Chế Lan Viên) Trong dòng chảy không ngừng của văn học, người nghệ sĩ phải không ngừng thử thách bản thân để đi tìm những vùng đất mới. Thơ cũng như văn chương và các loại hình khác đều bén rễ vào cuộc đời. Nếu không nó sẽ là một cái cây èo uột, thiếu sức sống, không mang những cành săn chắc, những phiến lá xanh tươi phơi phới dưới ánh nắng mặt trời. Do vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ và nhắc nhở “chớ gò bó họ vào khuôn, làm mất vẻ sáng tạo”. Hồn của một bài thơ là một "tổng thể xúc động" trong đó có tứ thơ. Sự đầu thai của tứ thơ vào một thể loại là quá trình lao động nghệ thuật của thi sĩ. Giai đoạn đó là yếu tố để làm nên một dấu ấn cá nhân mà theo Lưu Trọng Lưu quan niệm “thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều”. Cuộc sống bày ra trước măt biết bao cảnh ngộ, số phận. Người nghệ sĩ hơn những người bình thường ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với tác phẩm trước hết là để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú hơn vốn tri thức. Vì lẽ đó, người sáng tác phải đem đến cho họ một cái nhìn mới, mang đậm dấu ấn chủ quan.

	“Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không những chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là một người phát triển ra ngôn ngữ có sáng tạo. Không nên ăn bám vào ngôn ngữ của người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay” (Nguyễn Tuân). Ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Ngôn ngữ trong thơ ca thường mang đặc điểm về tính cô đúc, tính biểu cảm và tính hình tượng. Chính những tính chất ấy làm nên cái riêng của thi sĩ. Trong nền văn học trung đại Việt Nam, ta có thế thấy được những đặc trưng thi pháp hết sức độc đáo: tính chất ước lệ, phi ngã, tính chất bác học và cách điệu hóa. Tính chất ước lệ là quy ước chung của nghệ sĩ và người đọc. Nó tồn tại trong giai đoạn văn học này là vì xã hội phong kiến vốn phân chia đẳng cấp. Sự phân biệt đó đã ảnh hưởng tới văn học. Còn về tính chất phi ngã là do thời phong kiến ý thức cá nhân chưa phát triển, con người luôn được đặt trong mối quan hệ ràng buộc với cộng đồng. Tính chất bác học hay còn gọi là văn chương bác học. Sở dĩ gọi như vậy là do đội ngũ sáng tác và độc giả của nó là những người trí thức, những bậc “tao nhân mặc khách”. Còn trong giai đoạn văn học hiện Việt Nam, qua quá trình phát triển của lịch sử thì văn học cũng đã trở mình để phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Cái mới của văn học giai đoạn này là tính chất hướng nội, thể hiện cái tôi của thi sĩ, quan tâm tới đời sống xã hội và chịu sử ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Văn học cũng vận động theo quy luật phát triển khách quan do vậy mà ngôn ngữ, đặc trưng thi pháp cũng có những chuyển biến rõ rệt. Thế nên Xuân Diệu cho rằng “một nhà thơ không được xa rời ngôn ngữ dân tộc mình dù chỉ là một bước. Đứt gốc ngôn ngữ dân tộc thì cũng là mất đi cái cầu thông cảm với đồng bào mình... Vì thơ không phải chỉ là nội dung tư tưởng tình cảm, thơ còn là cái thần của ngôn ngữ nữa. Thơ do tiếng mẹ đẻ ra. Người thi sĩ trước hết phải là thi sĩ của tiếng mẹ đẻ” còn nhà văn hào Nga Ivan Tuốc-ghê-nhép thì đề cao sự sáng tạo của nhà thơ “cái quan trọng trong tài năng văn học là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của mình”. Tài năng và cá tính sáng tạo của nhà văn giống như tảng băng trôi, nó có phần nổi, có phần chìm và cũng như vậy tài năng và cá tính của người nghệ sỹ có phần thực, có phần ảo. Khả năng giao thoa giữa hai phần này sẽ mang lại cho tác phẩm sức hấp dẫn và khả năng tái tạo mới trong vấn đề thanh lọc tâm hồn người đọc. Bất cứ nhà văn nào muốn khẳng định sự hiện diện của mình trong đời sống văn học, phải tạo cho mình một phong cách riêng vì đây là một giá trị trong sáng tạo nghệ thuật để “xác định nhà văn này khác với nhà văn kia”(Nguyễn Văn Trung).

	“Chế Lan Viên là nhà thơ luôn có sự tìm tòi, khám phá và sáng tạo. Ông luôn biết kế thừa, phát huy những tinh hoa của nền văn chương và nhân loại để mang lại cho tác phẩm của mình một vẻ đẹp riêng. Ông có sự nhận thức sâu sắc về chức năng của văn chương và sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ đối với cuộc sống” (Hoài Nam). Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn" qua tập thơ “Điêu Tàn”. Sau cách mạng tháng Tám, thơ ông đã đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng và có những thay đổi rõ rệt. Vùng quê nghèo khổ, lam lũ, bời bời gió Lào và cát trắng, hình ảnh mẹ tảo tần khuya sớm với “đá sỏi, cây cằn” luôn luôn trở về trong tâm trí nhà thơ:

“Gió lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa.
Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ.
Những đồi sim không đủ quả nuôi người.
Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười.
Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng.”

	(Kết Nạp Đảng Trên Quê Mẹ)

	Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, đậm chất chính luận, tính thời sự với những vần thơ hân hoan thúc giục:

“Tây bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc?
Khi lòng ta đã hóa những con tàu.
Khi Tổ Quốc bốn bề lên tiếng hát.
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?”

	(Tiếng Hát Con Tàu)

	Sau năm 1975, thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái "tôi" trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống. Sống gắn bó với nhân dân, với thực tiễn cuộc đời, Chế Lan Viên đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa thơ và đời, đời và thơ. Cũng là một nguyên lý quen thuộc của quan niệm Mácxít về văn nghệ: “Cuộc đời là cội nguồn, là sức sống của nghệ thuật”. Nhưng vào thơ Chế Lan Viên, chân lý ấy trở nên cụ thể hơn, sinh động hơn, dễ đi vào lòng người hơn nhờ những cách diễn đạt lung linh hình ảnh đa dạng của thơ ông:

“Đi ra, lấy cuộc đời dân làm cuộc đời mình.
Cơn nắng, cơn mưa làm điều suy nghĩ.
Một tiếng chim gù cũng đến nơi rừng lạ để mà nghe.”

	(Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...)

	Một lần khác, quan niệm “nhà thơ phải bám sát cuộc sống hiện thực” lại được Chế Lan viên hìn

File đính kèm:

  • docXin ThayCo danh gia va nhan xet giup em.doc