Trung đề thi olympic lớp 7 năm học :2013-2014 môn thi: ngữ văn

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 4174 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trung đề thi olympic lớp 7 năm học :2013-2014 môn thi: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD & ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS PHƯƠNG TRUNG ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 7
 Năm học :2013-2014
 Môn thi: Ngữ Văn
 ( Thời gian làm bài: 120 phút)
Câu 1: (4 điểm ) 
Trình bầy cảm nhận của em về đoạn văn sau:
 “ Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân. Mà tháng giêng là tháng đầu của mùa xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con; ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa xuân.”
 ( Mùa xuân của tôi- Vũ Bằng- Ngữ văn 7, tập 1)
Câu 2: (6 điểm)
 Hãy viết bài văn trình bày cảm nhận của em về ý nghĩa câu chuyện sau:
CÁI CHẬU NỨT
 Một người có hai chiếc chậu lớn để khuân nước. Một trong hai chiếc chậu có một vết nứt, vì vậy khi khuân nước từ giếng về nước trong chậu chỉ còn một nửa. Chiếc chậu còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc chậu nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
 Một ngày nọ, chiếc chậu nứt nói với người chủ: “Tôi thật sự xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông !”. “ Ngươi xấu hổ về chuyện gì ?”. “Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông !”. “Không đâu, khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường”. Quả thật, dọc theo bên đường là những luống hoa thật rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ một lúc, nhưng rồi về đến nhà nó vẫn chỉ còn phân nửa nước.
 “Tôi xin lỗi ông!”. “Ngươi không chú ý rằng hoa chỉ mọc bên này đường, phía của ngươi thôi sao?Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua ngươi đã vun tưới cho chúng. Ta hái những cánh hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi, nhà ta không ấm cúng và duyên dáng thế này đâu”.
 Cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như cái chậu nứt, hãy biết tận dụng vết nứt của mình.
(Dẫn theo Quà tặng cuộc sống, NXB trẻ ,2007)
 
Câu 3 (10 điểm):
 Từ các văn bản “Những câu hát về tình cảm gia đình”, “Mẹ tôi” (ét-môn-đo đơ A-mi-xi), “Cuộc chia tay của những con búp bê” - Khánh Hoài. Hãy bộc lộ những tình cảm và suy nghĩ của em khi được sống trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình và bộc lộ niềm thương cảm cho những ai không có được những may mắn đó.




HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1: (4 điểm): Bài làm học sinh cần trình bày được các ý sau:
 Mùa xuân của tôi là phần đầu bài tuỳ bút Tháng giêng mơ về trăng non rét ngọt trong kiệt tác văn chương Thương nhớ mười hai của nhà văn Vũ Bằng. 	 (0,5 điểm)
 Đoạn văn mở đầu bằng câu khẳng định: “ Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân.” 	 (0,5 điểm)
 Bằng nghệ thuật liệt kê, nhân hoá, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc câu tác giả khẳng định: Tình cảm yêu mến mùa xuân là tình cảm rất tự nhiên của con người, là quy luật tất yếu. 	(1,5 điểm)
 - Diễn tả một cách sâu sắc cảm xúc của nhà văn trước một quy luật rất đỗi tự nhiên trong tình cảm của con người: yêu mùa xuân, yêu tháng giêng…Từ đó tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người nghe, người đọc... Ai cũng chuộng mùa xuân và mê luyến mùa xuân nên càng trìu mến tháng giêng, tháng đầu của mùa xuân. 	(0,5 điểm)
- Một cách viết duyên dáng, mượt mà, làm cho lời văn mềm mại, tha thiết theo dòng cảm xúc, đọc lên ta cứ ngỡ là thơ. Cảm xúc cứ trào ra qua các điệp ngữ đừng, đừng thương, ai bảo được…ai cấm được…ai cấm được…ai cấm được…Chữ thương được nhắc lại tới 4 lần, liên kết với chữ yêu, chữ nhớ đầy ấn tượng và rung động. 	(0,5 điểm)
 - Thể hiện rõ tình cảm, tấm lòng của tác giả Vũ Bằng đối với mùa xuân, với quê hương, đất nước.	 (0,5 điểm)
Câu 2: (6 điểm )
 *. Yêu cầu:
 1. Về kĩ năng : (1 điểm)
- Bài viết có bố cục và cách trình hợp lí.
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
 2. Về kiến thức: (5 điểm)
 Trình bày được các ý chính sau.
 a Trình bày được cảm nhận về vấn đề câu chuyện nêu ra: từ câu chuyện cái chậu nứt cắn rứt, xấu hổ vì mình đã không làm tròn nhiệm vụ mà không biết rằng; chính vết nứt của mình làm tươi tốt những luống hoa bên vệ đường, góp phần làm đẹp căn nhà của người chủ. Câu chuyện gợi lên những suy ngẫm về triết lí cuộc sống: 
+ Mỗi con người có thể có khuyết điểm(như vết nứt của cái chậu) nhưng không vì thế mà người ấy trở nên vô dụng , bỏ đi. Con người có thể có những khiếm khuyết ở mặt này, việc này nhưng lại hữu dụng ở việc khác, mặt khác. Hãy biết tự tin và tận dụng “vết nứt” của mình.
+ Câu chuyện cũng nêu lên bài học về nhìn nhận, đánh giá và sử dụng con người. Cái chậu nứt cũng trở nên hữu dụng nhờ người chủ biết tận dụng vết nứt của nó để tưới cho những luống hoa. Con người, dù là có khiếm khuyết cũng có thể hữu dụng nếu người quản lí biết dùng người đúng việc, đúng người. Ông cha ta dạy: dụng nhân như dụng mộc chính là ở ý nghĩa này, một cái nhìn rất nhân văn về con người.
 b. Liên hệ bản thân, xác định quan điểm sống: tự tin, không mặc cảm dù mình có khiếm khuyết; biết tận dụng “vết nứt” của mình; luôn sống cống hiến hết khả năng của mình…
* Biểu điểm: Có 2 ý : 
+ Ý a : cho 4 điểm 
+ Ý b : cho 1 điểm 
Câu 3 (10 điểm):
a) Mở bài (1 điểm):
 Giới thiệu những tình cảm và suy nghĩ của em khi được sống trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình và bộc lộ niềm thương cảm cho những ai không có được những may mắn đó thông qua việc đọc các văn bản Những câu hát về tình cảm gia đình, Mẹ tôi (Ét-môn-đo đơ A-mi-xi), Cuộc chia tay của những con búp bê (Khánh Hoài).
b) Thân bài (8 điểm):
 Bộc lộ những tình cảm và suy nghĩ của em một cách cụ thể chi tiết khi được sống trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình và bộc lộ niềm thương cảm cho những ai không có được những may mắn đó trên cơ sở các văn bản “ Những câu hát về tình cảm gia đình”, “Mẹ tôi” (Ét-môn-đo đơ A-mi-xi), “Cuộc chia tay của những con búp bê” (Khánh Hoài).
 * Bộc lộ những tình cảm và suy nghĩ của em khi được sống trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình trên cơ sở các văn bản “ Những câu hát về tình cảm gia đình”, “Mẹ tôi” (Ét-môn-đo đơ A-mi-xi), “Cuộc chia tay của những con búp bê” (Khánh Hoài).
 - Cảm xúc sung sướng, hạnh phúc biết bao khi được sống trong tình yêu thương của cha mẹ, ông bà, anh chị em, được cha mẹ, ông bà sinh thành dưỡng dục, nâng niu chăm sóc.
 - Biết ơn, trân trọng nâng niu những tình cảm, công lao mà cha mẹ, ông bà, anh chị em trong gia đình đã giành cho mình.
 - Bày tỏ tình cảm một cách sâu sắc nhất bằng cách nguyện ghi lòng tạc dạ chín chữ cù lao, làm tròn chữ hiếu, anh em hoà thuận làm cho cha mẹ vui lòng, nhớ thương cha mẹ ông bà trong mọi hoàn cảnh.
 - Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó.
 * Bộc lộ niềm thương cảm cho những ai không có được những may mắn đó trên cơ sở văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê” (Khánh Hoài).
 Cuộc đời còn biết bao nhiêu bạn sống thiếu những tình yêu thương của cha mẹ, anh em phải xa cách chia lìa như Thành và Thuỷ trong “Cuộc chia tay của những con búp bê” (Khánh Hoài) và biết bao tình cảnh éo le khác.
 c) Kết bài (1 điểm): 
 - Nhấn mạnh lại cảm xúc và suy nghĩ của mình về những tình cảm và suy nghĩ khi được sống trong tình yêu thương của những người thân trong gia đình và bộc lộ niềm thương cảm cho những ai không có được những may mắn đó
 - Liên hệ với thực tế một số bạn ở lớp hoặc ở trường.

*********************

File đính kèm:

  • docDe HSG van 7 Phuong Trung.doc
Đề thi liên quan