Truyện dài Những thiên đường mù Chương 6

doc10 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1093 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Truyện dài Những thiên đường mù Chương 6, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
truyện dài
Những thiên đường mù
Chương 6
Chợt tàu rú lên hồi còi. Nó dứng lại đột ngột khiến tôi bị xô về phía trước. Người đàn ông giơ tay đỡ tôi lại, rồi nhăn mũi cười. Những chiếc răng bạc lấp lánh. Nhờ ánh lấp lánh ấy, tôi biết trời đã tối. Giọng hát của Pugatrôga ngân lên lần cuối, rối tắt hẳn. Người đàn ông tắt máy cassette, bỏ vào túi đi đường. Ông ta vươn vai ngáp liền vài cái, duỗi đôi chân dài như chân ngỗng . Bên ngoài, trời tím ngắt. Những thân bạch dương kẻ vệt trắng trong đêm tối. Vài cây bồ đề ngã bóng um tùm trên mặt đất vươn qua bờ rào gỗ thấp và những gò đất nhỏ nở chi chít 1 loài hoa ánh bạc. Ngôi nhà cô lẻ, mái chóp nhọn có ống khói, trong ánh chiều chạng vạng, u hoài. Nó gợi cho tôi biết bao ẩn ức về quá vãng, quá vãng của chính tôi, của cha mẹ tôi, bạn bè thân thiết của tôi, xứ sở của tôi. Cái quá vãng mỗi con người từng trải nghiệm hoặc liên đới với nó bởi 1 sợi dây thấm sâu của máu huyết và nòi giống. Con tàu vẫn chạy, nhưng ngôi nhà lẻ loi bên hồ vẫn ám ảnh tôi. Tôi lại nhớ mảnh đầm ướt đỏ hoàng hôn nơi làng quê, trong những chiều mẹ đưa tôi đi thăm họ mạc. Tuy đã ra thành phố, mẹ tôi giữ nguyên tục lệ của dân làng. Đi xa về, phải có gói bánh, hộp chè biếu bà con gần xa, phải thăm hỏi mọi người và kể chuyện mình. Tôi có nhiệm vụ cúi chào người làng, gật đầu vâng dạ thật to khi họ hỏi chuyện, nhớ mối quan hệ trong gia tộc để khỏi lầm lỡ khi xưng hô. Có người ít hơn tôi dăm ba tuổi nhưng tôi phải gọi bằng cô. Có người hơn tôi hai ba chục tuổi lại cung kính gọi tôi là chị... Tất cả đều khiến tôi bỡ ngỡ ngại ngùng. Nhưng phong cảnh nơi thôn mạc lại thân quen với tôi mau lẹ. Ngay buổi đầu tiên, tinh mơ thức dậy, rón rén đi giữa những vòm cây ướt sương, tôi rình con chim chích chòe có tiếng hót chang chói. Tôi rình những quả ổi chín bị chim khoét rụng. Tôi đã mê mải ngắm không chán mắt lũ chim thân ái, khi chúng rỉa lông cho nhau, khi chúng quên những khẩu cao su của lũ trẻ tai ác hoặc nòng súng ghém của gã săn chim tham lam, cõi đời chỉ còn tồn tại trong niềm trìu mến. Giữa bụi mây và gốc khế già, tôi ngồi thu lu trong bóng râm, nhìn con kì nhông bò trên những cành mây xanh mướt, sắc da nó đổi từ màu nâu mốc thếch sang màu lục của cỏ cây. Các bụi hoa móng rồng lúc nào cũng tỏa 1 mùi hương lạ lùng, kì bí. Nhất là ban trưa, khi không khí bị mặt trời hun nóng. - Ai kẹo mạch nha đổi tóc rối, lông gà, lông vịt đây? - Ai kẹo mạch nha đổi mảnh kính vỡ, nồi đồng nát át... át... Tiếng rao vọng qua các xóm ngõ, xen tiếng tre kẽo kẹt. Người đàn bà gánh gánh hàng đồng nát đi qua, đôi mắt lấp dưới vành nón, 2 bàn chân lấm lem bụi cát. Tôi hỏi mẹ: - Mẹ ơi, hồi mẹ còn bé có bà hàng đồng nát này không? - Có. Nhưng bà lão ấy đã chết rồi. Còn bà hàgh đồng nát bây giờ là cô con gái đầu của bà lão ấy. Tôi nhìn mãi bàn chân của bà ta, to bè, sần sẹo và có những vệt đen lấm tấm như than bột rắc lên. Trước đây vài chục năm, cũng đã có 1 bà lão gánh gánh hàng lem luốc này, bước qua các lối xóm này, với đôi chân trần như thế. - Mẹ ơi i i... Tôi níu vạt áo mẹ định hỏi. Nhưng lại im lặng. Mẹ cúi xuống: - Em bảo gì cơ? - Không ạ. Tôi đáp lúng búng. Thực ra, tôi định hỏi mẹ rằng liệu mấy chục năm nữa, tôi có sống cuộc sống của mẹ bây giờ không? Nhưng tôi sợ. Cảm giác sợ hãi chạy qua sống lưng, lạnh buốt. Lần nữa, tôi thấy mẹ cười. Hàm răng đẹp ánh lên 1 cách phí hoài. Rồi mẹ bảo tôi: - Con chó con, chưa già đã lẩn thẩn. Thôi, đi ra sân mẹ tắm cho rồi còn sang nhà cô Tâm. Cô vừa đi tỉnh Nam về, cho người sang nhắn. Mẹ tắm cho tôi kĩ lưỡng, mặc bộ áo quần đẹp nhất, tức là chiếc sơ mi trắng cổ cánh nhạn và chiếc quần âu bằng vải chéo xanh Trung quốc, có dây đeo. Kể ra, so với lũ trẻ làng, ăn mặc như thế đã là tinh tươm lắm. Từ nhà tôi sang nhà cô Tâm chỉ vài trăm bước. Cổng mở toang cả 2 cánh, 1 bà già đang ngồi tuốt lạc bằng cặp néo tre bên trong. Thấy mẹ con tôi, bà ngẩng lên: - Dì đưa cháu vào chơi. Bà Tâm chờ trong nhà rồi đấy. Nói đoạn. bà đưa mắt ngắm nghía tôi, tuồng như người ta ngắm 1 cái bình quí trước khi mua: - Chao ơi, giỏ nhà ai quai nhà nấy, giống bố quá hề. Thế này thì bà Tâm quí hơn vàng. Mẹ tôi cười, mắt sáng rỡ: - Vâng, tạ ơn bà. Mẹ dắt tôi vào sân. Sân rộng, lát gạch vuông khía lá nem, trong sang trọng nhưng khác với sân mọi nhà trong xóm. Họ thường lát gạch hoặc láng xi măng trơn nhẵn để phơi thóc. Bên trái sân là 1 tòa nhà kiểu mới, quét vôi vàng nhạt, phía trước có trụ chống hiên rộng, trên đổ mái bằng. Bên phải sân là bức tường hoa chạy dài, án ngữ tòa nhà 3 gian, phân cắt sân với 2 dãy cau. Đằng sau 2 dãy cau là vườn quả, lấp ló hồng xiêm và cam chiết. Khu nhà phụ rất lớn, nằm phía sau mảnh sân, ở bên trái tòa nhà chính. Giữa khu nhà phụ với vườn cây là mái chòi lợp bằng tôn, che cái giếng xây. Có cả trục quay nước, sợi dây nối với chiếc gầu tôn lớn đặt ngay trên nắp giếng. Toàn bộ khu nhà gợi cho tôi cảm giác bề thế, khang trang nhưng nghiêm ngặt. Tất cả đều sạch sẽ, ngăn nắp. Tất cả đều được tính toán 1 cách cẩn trọng. Nhưng lạnh lẽo và nghiệt ngã. Giữa khoảng sân rộng là chậu hoa đinh lăng trơ trọi. Cánh cửa chính bỗng mở. 1 người đàn bà nhanh nhẹn băng qua sân, tới trước mặt chúng tôi: - Nó đây phải không? 1 giọng nói trầm, và nghẹn, khiến tim tôi lặng đi. 1 đôi mắt mở rộng, đau đáu nhìn như muốn xuyên qua thân hình tôi. làn môi khô mím chặt, nhưng từng hồi run rẩy: - Nó đây à, cô Quế? Mẹ tôi đáp lại, cũng vẫn giọng nghẹn ngào: - Cháu đấy, chị ạ. Rồi mẹ bảo tôi: - Con chào cô đi. Tôi không dám nhìn thẳng vào đôi mắt sáng rực của cô, cất tiếng: - Cháu chào cô ạ. Cô Tâm bỗng quì xuống, mặt cô gần sát với mặt tôi. Tay cô rờ từ tóc, xuống thái dương, lướt qua khuôn mặt, xuống vai tôi, dường như muốn tìm kiếm gì đó. Ngón tay cô nhỏ, nhưng cứng và nháp. Mắt cô rực như 2 ngọn đèn, tôi có cảm tưởng là chúng rọi tới từng sợi mi, từng mụn ruồi li ti trên gương mặt tôi, sục sạo. Nhưng thái độ kì quái đó không làm tôi bực. Tôi biết cô là người ruột thịt, cây cầu nối giữa tôi và bố tôi, 1 tình yêu tôi chưa kịp biết đã vĩnh viễn chôn vùi trong bùn đất. Vì thế, tôi đứng yên cho cô rờ rẫm, vuốt ve. Khuôn mặt héo úa của cô chắc chắn bình thường rất nghiệt ngã, bỗng trở nên đờ đẫn, ngơ ngác. Cô lắp bắp: - Hạt máu của... Cháu tôi... 2 giọt nước mắt trào qua mi, lăn trên gò má đã sạm từng mảng. Những vết sạm, lẫn những chấm tàn nhang trên má cô khiến tôi phải cúi đầu xuống. Rồi chợt như tự trấn an, cô Tâm đứng lên: - Thôi, 2 mẹ con vào nhà. Cô thoăn thoắt đi trước. Dáng người cô gầy, dẻo dai. Gương mặt cô trở lại vẻ lạnh lùng. Môi mím chặt. Tôi nhìn những vết nứt nẻ trên gót chân cô, và bị hút vào đó. Những vết nứt sâu như chẻ 2 gót chân ra nhiều mảnh, khiến chúng biến dạng, xấu xí. Dáng đôi bàn chân của cô khá dẹp, thon nhỏ, gót tròn. Nhưng sự tàn phá của công việc lao động nặng nhọc, của thời gian đã khiến vẻ đẹp ấy bị hủy hoại tàn nhẫn. Giờ đây, mặc dù cô đã sung túc, cô đi đôi dép bằng nhựa trắng, thứ nhập của Thái Lan, thật xa xỉ so với đám phụ nữ ở nông thôn, nhưng dấu vết nhọc nhằn vẫn không che dấu được. - Cô cho cháu ngồi vào mâm. Tôi lấy chai rượu. Cô bảo mẹ tôi, giọng uy quyền của bà chị. Ngay gian nhà bên trái, 1 cái sập gụ chân quì kê sát tường. Màu gỗ đen bóng như sừng. Những hình vẽ hoa lá khảm trai chạy dọc theo mép. 4 góc, là 4 chùm nho lớn khảm bằng thứ vỏ ốc ngũ sắc. Cái phản đẹp đến nỗi tôi ngại ngần không muốn ngồi lên đó. Tôi hình dung thứ đồ vật quí giá như thế chỉ nên đặt trong các phòng triển lãm hoặc nhà bảo tàng. Dường như biết được ý nghĩ ấy, cô Tâm giục: - 2 mẹ con ngồi vào mâm. Tôi thầm kinh ngạc. Cô là phù thủy chăng, dù quay lưng đi cô vẫn đọc được í nghĩ của tôi 1 cách rõ ràng. Cô bước tới gian giữa, nơi bàn thờ sáng choang những lư đồng lớn, lư đồng con, các bộ chân đèn, tượng Phật. 2 cây nến đỏ cháy 2 bên. 1 mâm ngũ quả đồ sộ đặt chính giữa. Phía sau, các hộp bánh, các loại rượu. 1 bình hoa huệ trắng thơm ngát. Cô Tấm lần lượt điểm các chai rượu chanh, rượu cam, rượu Thanh Mai, rượu cà phê... Sau cùng, cô bảo: - Ta uống nếp cẩm. Nếp cẩm tôi cất lấy cô Quế ạ. Cho cháu Hằng uống được. Cô sắp những chai rượu lại rồi mở khóa cửa vào gian buồng bên phải, được xây chắn với gian chính bởi bức tường. Lát sau, cô bê ra 1 bình thủy tinh lớn, chứa thứ rượu nếp cẩm đặc sánh như hồ. Khệ nệ đặt chai rượu lên bàn nước, cô tìm cái phễu và 1 vỏ chai không, chắt rượu từ bình ra. Xong xuôi, cô bảo: - Nào, cô Quế so đũa. Mẹ tôi lật lồng bàn lên. Mâm cỗ đầy tu ụ như cỗ ngày Tết. Gà luộc, gà rán, giò lụa, chả quế, nem thính, nộm, măng, miến xào... Mẹ tôi bật kêu lên: - Sao chị bày vẽ thế này? Còn những ai nữa? Cô Tâm đáp: - Ai vào đây? Chỉ mẹ con cô với tôi thôi. Bà Đũa ăn trước khi cúng. Bà ấy không chịu được dói. Cô nói, môi hơi mỉm cười. Tôi không hiểu nụ cười đó. Nhưng nó ẩn chứa sự khinh miệt. Vén 2 ống quần lụa đen, cô ngồi lên phản: - Nào mẹ con cô cầm đũa lên. Mẹ tôi lần lượt so đũa cho từng người. Cô Tâm rót rượu ra những chiếc chén sứ nhỏ như mắt trâu, loại chén xưa người ta dùng uống trà ướp sen buổi sớm. - Hôm nay cô đưa cháu về chơi, tôi làm mâm cơm cúng gia tiên và khấn hương hồn chú ấy. Mong sao cho mọi vong linh được mát mẻ, phù hộ độ trì cho cháu Hằng. Tôi bối rối. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có 1 vị trí quan trọng như thế. Cô Tâm giơ tay chỉ lên bàn thờ, bảo tôi: - Đáng lẽ cháu phải khấn trước vong hồn tổ tiên và bố cháu. Nhưng cô làm lễ sớm, vả lại cháu còn nhỏ nên cô khấn thay. Dăm ba năm nữa, thành người rồi phải nhớ mà lo giỗ Tết. - Thưa cô vâng ạ. Tôi đáp. Cô hài lòng, nói tiếp: - Cháu biết nghĩa, cô mừng lắm. Đời cô, đời bố cháu không hoài hủy. Cô mất mát nhiều, thua thiệt nhiều so với thế gian. Nhưng bây giờ, cô chẳng tiếc đời. Nào, cháu uống đi. Tôi nâng chén rượu . Rượu đặc sánh, màu tím đỏ, trong ráng chiều ánh lên, như 1 thứ máu. Lòng thi thoáng qua nỗi lo âu. Những giọt rượu nếp ngọt lừ, nuốt xong rồi còn đọng lại vị cay và tỏa ra mùi thơm rạo rực, phấn khích. Nhưng tôi thấy trong mỗi giọt rượu ấy, 1 lời nguyền sâu xa, cay độc, giống như lời nguyền thiêng liêng của những bộ lạc da đỏ xưa, sống trong khoảng rừng âm hiểm. Trời chiều, tiếng người đi đồng về dong trâu trên các ngả đường thôn. Tiếng những người đàn bà quát nạt, mắng chửi con cái: - Thằng Tí, thằng Tèo đâu rồi, về ngay đây không chết với tao o o... - Cha tiên nhân con đĩ Lan, cả đống bèo lù lù như mả thằng ăn mày ngoài bờ ao, mà mày còn chải đầu chải tóc hả ả ả... Tiếng vo gạo, vỗ rá đồm độp. Tiếng người giặt giũ bì bòm ngoài ao, tiếng la hét của trẻ đang bơi lội. Mùi khói rạ, mùi gai bồ kếp cháy lẫn trong những đống trấu dấm, mùi phân trâu tươi hăng xè, mùi ổi chín nẫu trong các khu vườn ấm nóng. Tất cả hòa trộn với nhau, mỗi lúc mỗi nhạt, theo những ráng mây chiều hôm. Cuối cùng, bóng tối lan trên các ngả đường, thôn xóm chìm vào 1 khoảng không gian êm ả. Tất cả những âm thanh eo sèo, ỉ óc lắng xuống, tựa gợn bùn lắng xuống đáy hồ. Vòm trời trở nên thanh khiết. Các ngọn tre đu đưa rì rào, ban phát cho thế gian giai điệu vô cùng vô tận du dương và tĩnh lặng, giai điệu không hòa trộn, không đổi thay của những vùng quê an nhiên, nơi mọi giông tố chỉ khuấy động các lớp nước, xáo trộn bùn nhơ vào bèo bọt trong chốc lát, để rồi cuối cùng còn lại mảnh đầm xưa cũ, với tiếng ếch nhái vang động trong bóng chiều, tiếng côn trùng nỉ non lúc canh khuya, tiếng chân trâu, chân người bì bõm trên các cánh ruộng lúc rạng đông. - Ra sân uống nước cho mát. Cô Quế xách cho chị phích nước, Hằng bưng cho cô bộ ấm chén trên bàn. Cơm xong, cô Tâm phân công 2 mẹ con tôi. Còn cô mỗi tay xách 2 cái ghế gỗ cẩm lai, đem ra sân. Những sợi gân và các thớ thịt nổi thăn trên 2 cánh tay rám nắng của người đàn bà. Cô bước qua bậc tam cấp, nhẹ nhàng không để các thân ghế va đập. Rồi cô đặt chúng giữa sân, cũng nhẹ nhàng như thế. Chỉ sức lực của những người đàn ông thực thụ mới sánh nổi sức lực của cô tôi. Cô đưa tay vuốt nhẹ mấy sợi tóc vương trên trán, ngồi xuống ghế: - Chè tôi ướp hoa nhài. Vẫn bụi nhài ở giáp tường hoa. Ngày cô chú cưới nhau cũng pha chè ướp hoa nhài ở đấy. Mẹ tôi hỏi: - Từ dạo ấy mà bụi nhài vẫn còn dưới chân tường hay sao? Cô Tâm nhếch mép, không ra cười, không ra mỉa mai: - Tôi mới gây, cùng năm xây lại nhà này. Mẹ tôi nhẩm tính: - 5 năm... À, để em xem... ngót nghét 5 năm, phải không chị? Cô Tâm đáp: - 5 năm 2 tháng rưỡi. Cô rót nước. Mùi nhài tỏa trong không gian, điệp với hương cau, với mùi thơm của những đóa hồng, tường vi phía sau vườn cam. Cô tôi khoanh tay trước ngực, bắt chéo chân lại rồi kể: - Hồi cải cách, cô biết đấy, ngôi nhà này chia làm đôi, 1 nửa cho thằng Bích, nửa cho con mụ Nần. Chúng đuổi tôi ra cái lều của vợ chồng thằng mõ, kề với đình làng. Trong tay chỉ có 3 sào ruộng xấu, trâu không, bò không, cày bừa không. Bòn được vài chục bạc đưa cả cho chú Tốn. Nhiều đêm không ngủ, tôi ngồi nhìn đám ruộng trắng, nước mắt ứa 2 hàng. Giá cứ đâm đầu xuống giếng làng là rảnh chuyện. Mà duyên nghiệp ma quỷ đưa đón, ngày nào cũng dăm sáu bận đi qua cái giếng trước cửa đình. Nước trong leo lẻo cứ như mời gọi. Soi mãi bóng xuống mặt nước, tôi lại nghĩ: “Chết thì khỏe xác, nhưng mà hèn. Những kẻ bức hại mình, nhăn răng cười trước mộ. Phải sống, để nhìn ngày tận mạt của chúng. Phải sống, để xoay ván cờ với Trời già.” Hồi ấy, tôi còn cặp áo lụa mỡ gà mới nguyên, chưa xỏ ống tay. Tôi đem sang chợ huyện bán, lấy tiền mua 2 gáng khoai sọ. Hết thóc, ăn khoai sọ mát ruột, đủ sức làm đồng từ buổi mai tới quá trưa. Tôi đi cấy cho người ta, 5 công cấy xin đổi 1 công cày. Cày bừa xong, tôi sục ruộng cho nhuyễn như bột bánh trôi rồi mới cấy. Lúa kín ruộng quay ra lo phân. Chịu đổ mồ hôi, ruộng chó ỉa cũng thành ruộng nhất đẳng điền. Lúa lên xanh, tôi cắp nón sang thôn Hà làm thuê cho bà cô họ Bà cô tôi có nghề làm miến bằng củ rong riềng. Hồi ở làng, cô thấy rong riềng chỉ để ăn độn những ngày đó kém. Không ai ngờ rằng mài rong, lắng bột, tráng như bánh đa rồi phơi khô thái nhỏ, nó trở thành 1 thứ miến sợi sai, trong suốt, nấu rất ngon. Dạo mới làm thuê, ngày nào tôi cũng ôm cối đá vành to như chiếc mẹt, ngồi quay bột lại. Bột rong riềng mài và lọc rồi, phải xay thêm cho nhuyễn. Sau tôi học được cách lắng bột, cách pha thuốc tẩy cho bột trắng, cách tráng và thái bánh thành sợi nhỏ. Tiền công dành dụm được, tôi mua 1 bộ đồ nấu và vài tạ rong riềng làm vốn đầu tiên. Mò mẫm cả tuần học nghề mộc, tôi cũng tự đóng được cái trục mài rong riềng quay tay. 1 mình, vừa làm bột, tráng bánh vừa thái thành sợi, đưa giao hàng lên chợ huyện. Tôi kiếm được món tiền kha khá. Dịp ấy, rong riềng rẻ thối ra, tôi mua luôn 2 tấn, chứa đầy nhà. Không có chỗ kê chõng, đêm tôi vác manh chiếu ra đình làng ngủ. Có đồng tiền nào dắt kỹ trong bụng, còn dao phay mài sắc kê dưới gáy phòng thân, cứ thế, đặt lưng xuống là tôi ngủ cho tới bảnh sáng, không biết sợ hãi gì. Chịu khó làm cho hết 2 tấn rong riềng, lưng vốn tôi đã nặng. Tôi mua 1 cái máy ép miến, thay cho cách thái khó nhọc, lại tốn thời gian. Cả huyện, lúc ấy chỉ có 3 chiếc máy ép. Thuốc tẩy đang rẻ, nhân công đang rẻ, tôi thuê người tiếp tục làm miến còn mình vác liềm ra ruộng cắt lúa. Mùa ấy, lúa của tôi tốt nhất làng. Hết mùa lúa, đội sửa sai về. Họ quy lại phần gia đình tôi là trung nông, trả lại nhà và 5 sào ruộng tốt. Hơn 1 năm trời, tôi mới lại đặt chân vào ngõ nhà mình. Xưa kia, có mẹ, có em. Giờ, 1 thân thui thủi. Ngôi nhà xưa khang trang, sạch sẽ. Giờ tan hoang như mồ vô chủ. Gã Bích và mụ Nần đã phân chia ranh giới bằng tấm phên tre. Mỗi đứa chiếm 1 gian rưỡi. Khu nhà ngang và bếp, chúng cậy gạch, đập tường bán ăn ngay từ hồi đầu tiên. Rồi mỗi đứa nhóm 1 cái bếp con bằng 3 hòn gạch vỡ ngay trong gian nhà ở. Người nằm trên, gio trấu, khói than, muội bay bên dưới. Rồi ngan ngỗng nuôi không chuồng, ỉa vãi cùng nhà, cùng sân. Khi tôi nhận nhà, lớp gạch lát sân và lát khu nhà ở cũng đã bị cạy nham nhở, cả 2 đứa đều kịp bán vét trước khi buộc rời đi. Bỏ ra 3 ngày dọn dẹp, tôi thu xếp nhà cửa cho gọn gàng rồi chuyển đồ lề làm miến và khoai riềng về. Những người làm công cho tôi đã trở về nhà. 1 mình 1 máy mài, 1 nồi nấu, 1 máy ép, tôi làm thâu đêm. Canh 3 chưa nằm, canh 5 đã thức. Đầu tiên còn thèm ngủ, sau quen mắt cứ trơ trơ như mắt tương gỗ. Xưa kia, chưa bao giờ tôi ham làm giàu đến thế. Cô biết đấy, hồi còn mẹ, cụ vẫn bảo tôi hay lam hay làm, nhưng không có máu tham tiền. Khi công việc nông tang rảnh rỗi, tôi hay rủ mẹ đi lễ chùa hoặc đi hội. Hội chùa Hương, hội chùa Thầy, hội Gióng, xa xôi mấy cũng tìm đường đi. Không lễ lạt, hội hè, không biết tới cả ngày rằm, mồng 1. Trống chèo đánh nhức đình làng cũng mặc, văn công tỉnh về diễn trên phố huyện, người ta rủ nhau đi từ bữa cơm chiều tôi cũng bưng tai làm ngơ. Ngày nắng đổ lửa, cho tới ngày mưa chết cò, tôi vẫn trần lưng ra làm việc. Vừa lo cấy lúa, vừa lo đổ đất bứng cây vườn, vừa làm miến bán. Chẳng lúc nào ngơi tay. Đá còn có lúc đổ mồ hôi, vậy mà 5 năm liền tôi không ốm. Cũng lạ cho con người. Cô ngừng lại. Trong ánh chiều chạng vạng, mắt cô rực lên như than. Mẹ tôi rót nước cho cô. 2 người cùng thong thả uống chè, im lặng. Nhưng khoảnh khắc ấy chỉ là 1 dấu ngừng trong bản nhạc. Tia lửa lóe lên trong 2 hố mắt sâu, cô Tâm nhìn hàng cau thẳng tắp bên kia tường. Chúng in vào trời đêm, những đóa hoa đen kì bí. Bỗng nhiên, cô dằn mạnh chiếc chén cầm trong tay xuống khay nước, rồi cô nói: - Tôi muốn tôi phải giàu có. Ngôi nhà của tổ tiên phải được tu tạo khang trang hơn xưa, cho người đời mở mắt. Giá cần xé xác mình ra, tôi cũng làm, miễn đạt được điều tôi ao ước. Cô thấy đấy, tôi đã xây ngôi nhà này, bức tường hoa này, trồng lại dãy cau, gây lại bụi nhài. Vườn ổi xưa phá đi thay bằng cam đường và hồng xiêm. Tới mùa, dân buôn từ trên tỉnh về tận nơi, thầu cả vụ. Thềm nhà tôi, đổ 3 khối đá, cao nhất làng. Gạch lát nền là gạch hoa loại 1 gửi mua từ Hà Nội. Bộ sa lông cẩm lai, tôi cũng đặt của 1 tay phó giám đốc nông trường cà phê Buôn Mê Thuột ở làng bên. Gạch lát sân là gạch lá nem dùng lát hè phố, chỉ cung cấp cho các công trình đô thị. Người làng bảo bà Tâm chơi ngông. Tôi gật đầu: “Phải, chơi ngông cho bõ những ngày khổ ải.” Nhà cửa, sân xướng xong xuôi tôi thuê thợ đồng đúc lại toàn bộ thứ đồ thờ gia bảo ngày xưa, bọn thằng Bích mụ Nần đã lấy. Bọn người ấy, bán tống bán tháo tất cả mọi thứ đồ quí giá đi, chỉ để đổi lấy 1 cút rượu, 1 bữa thịt cho sướng miệng. Cô biết, người ta đã có câu “Nhà giầu ham mần, nhà bần ham ăn...” Chúng nó khá được lên đâu. Những kẻ không dám chịu đói 1 bữa để tát cố cho đầy ruộng nước, không dám mất 1 đêm ngủ để cày cho kịp mùa cấy. Thằng Bích bạt xuống tận thôn Đông, sống lay lắt ở đó. Còn mụ Nần vẫn ở cuối làng, ngày mai tôi dẫn cô tới xem. Nó ụ ra như 1 cái bị thịt, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, nhà dột tứ bề không đánh nổi tấm tranh lợp mà túm ni lông lên che. Nhưng thôi, nghĩ cho cùng, bọn người ấy chẳng đáng chấp làm gì. Cái thằng đáng căm là thằng Chính. Giờ nó ở đâu? Mẹ tôi đáp, giọng ấp úng: - Cậu ấy ở Quang Ninh, hình như đang xin chuyển về Hà hội. Cô Tâm hỏi: - Nó vẫn tới nhà cô à? Mẹ tôi đáp: - Chín mười năm bặt tin tức. Tháng trước, cậu ấy mới tìm đến chỗ em. Cậu ấy cần tới số tiền bán nhà. Cô Tâm nói: - Nó không dám vác mặt về làng. Những người oan ức, người ta rạch mép ra. Mẹ tôi khẽ nói: - Cậu ấy phải nghe lệnh cấp trên. Cô Tâm đáp: - Cấp trên ra lệnh thế họ đã chẳng phải sửa sai. Nhưng tại sao cô còn bênh nó chằm chặp như vậy? Cô có biết vì cớ gì chồng cô chết hay không? - Em sinh cháu được 2 tháng, nghe tin nhà em ngã nước sốt rét. Không đưa kịp xuống tỉnh. Cô Tâm ngắt lời mẹ tôi, nóng nảy, đột ngột: - Phải, ốm chết. Cái lý ấy lừa người ta dễ nhất. Hồi đầu, tôi cũng bán tin bán nghi, nhưng đành chấp nhận. Năm ngoái tôi sang làng bên đặt người khảm lại cái phản, tình cờ gặp 1 người bán hàng rong. Chính anh ta đã lên mường chú Tốn ở, kể mọi chuyện trong làng ngoài xã. Rồi về đây. Tôi đã cho chú ấy địa chỉ của cô. Hồi cô sắp ở cữ cháu, chú ấy trở lên, toan thu xếp với người vợ Mường để về xuôi 1 thời gian nuôi cô và cháu Hằng. Nhưng người đàn bà kia không chịu. Chắc chắn giữa 2 người có cãi vã hoặc xô xát. Chắc chắn người đàn bà kia đã sỉ nhục hoặc dày vò chú Tốn. Nó là em tôi, tôi biết. Nó có thể chịu đói, chịu khát, chịu rét nhưng không chịu được nhục. 1 buổi sớm nó bỏ vào rừng, rồi 2 hôm sau, người trong mường đi săn tìm thấy xác nó ven bờ suối. Đúng hôm ấy, cái anh bán hàng rong tới, và chứng kiến cảnh người ta đưa xác nó về làm ma... Cô ngừng lời. Mẹ tôi cúi mặt, khóc sụt sịt. Mẹ móc túi tìm mãi không thấy mùi xoa, liền đưa ống tay áo gạt nước mắt. Cô Tâm nói tiếp: - Nếu em cô không đối xử với nó tàn tệ, làm sao nó phải bỏ làng ra đi, làm sao nó phải chịu kiếp sống lang bạt, làm sao nó phải chết oan khốc như vậy? Không, tôi không chịu được. Nếu cô còn nhìn mặt cái kẻ đã giết đứa em trai tôi. Mẹ tôi nức nở. Hồi lâu, mới cất được lời: - Em xin chị, em lạy chị, oán thù chỉ nên cởi đừng nên buộc. Cô tôi im lặng, không đáp. Mắt cô nhìn trừng trừng vào vườn cam. Giờ ấy, các vòm lá đen kịt, không còn rõ hình thù, chỉ còn những khối đen nặng nề chồng chất lên nhau. Trong đám bóng cây dày đặc, 1 con đom đóm bay ra, lượn vòng, rồi mất hút. Cô Tâm chợt cười lên tiếng, cười gằn, rất khẽ, nhưng khô rợn người: - Sao dễ dàng thế được? Còn mẹ tôi, lúc chết đi bà cụ gọi tên đứa con trai, nước mắt trào ra mà mắt không nhắm được. Còn bao nhiêu... Cô chợt im bặt vì nghẹn lời. Tôi ngồi im lặng trong bóng tối, không dám thở mạnh, vì cảm thấy những hơi thở nóng hổi, dồn dập của người đàn bà ngồi bên lan truyền. Người ấy chung máu huyết với máu huyết của tôi. Người ấy là 1 phiên bản đã thất lạc của cha tôi. Người ấy đã tự tắt đi ngọn lửa sống, những vui buồn, nhớ nhung, thương cảm, tình yêu, sự sinh nở, hạnh phúc và nỗi đau của cuộc sống trần gian. Người ấy đã biến thành cỗ máy của ý chí phục thù, chỉ còn vận hành vì mục tiêu đó, nghiền nát tất cả mọi vật cản trên đường đi. Đôi mắt sáng rực như 2 hòn than trong hốc mắt thâm quầng. 2 gò má nhô cao với những vất sạm, những đám tàn nhang. Những nếp nhăn chân chim sau đuôi mắt. Món tóc bạc lấp giữa những món tóc khô xác, chẳng ra đen cũng chẳng ra màu hung... 1 ngôi sao rơi xuống, vạch lửa nơi chân trời. Con đom đóm ban nãy lại nhào từ bóng tối ra, lượn vòng quanh sân rồi biến sau bức tường. Hương thơm của những đóa tường vi dâng lên, ngập tràn không gian, như 1 thứ nhựa dính kết, dung dịch không sắc màu nhấn chìm con người trong làn nước nhức nhối âu lo...

File đính kèm:

  • docNhững Thiên đường mù6.doc