Văn tự sự: kể chuyện đời thường, kể chuyện tưởng tượng Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng

docx11 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 4174 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Văn tự sự: kể chuyện đời thường, kể chuyện tưởng tượng Trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
VĂN TỰ SỰ: KỂ CHUYỆN ĐỜI THƯỜNG, KỂ CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG
 Trường thcs nguyễn huy tưởng
I. ĐẶC ĐIỂM
    1. Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.
    2. Những yếu tố cơ bản của bài tự sự:
- Sự việc: Các sự kiện xảy ra.
- Nhân vật: Người làm ra sự việc (gồm nhân vật chính và nhân vật phụ)
- Cốt truyện: Trình tự sắp xếp các sự việc.
- Người kể: Có thể là một nhân vật trong câu chuyện hoặc người kể vắng mặt (ngôi kể thứ nhất hoặc ngôi kể thứ ba)
II. YÊU CẦU CỦA BÀI VĂN TỰ SỰ Ở LỚP 6
    1. Với bài tự sự kể chuyện đời thường
- Biết sắp xếp sự việc theo một trình tự có ý nghĩa.
- Trình bày bài văn theo một bố cục mạch lạc 3 phần.
- Tuỳ theo yêu cầu đối tượng kể để lựa chọn tình huống và sắp xếp sự việc có ý nghĩa.
    2. Với bài tự sự kể chuyện tưởng tượng
- Biết xây dựng cốt truyện tạo tình huống tưởng tượng hợp lý.
- Câu chuyện tưởng tượng phải có ý nghĩa và bố cục rõ ràng. (theo kết cấu 3 phần của bài tự sự)
III. CÁCH LÀM BÀI VĂN TỰ SỰ Ở LỚP 6
Tuỳ theo từng dạng bài tự sự ở lớp 6 để có cách trình bày dàn ý và viết bài cho phù hợp. Dướic đây là một vài gợi dẫn.
    1. Với dạng bài: Kể lại một câu chuyện đã được học bằng lời văn của em
- Yêu cầu cốt truyện không thay đổi.
- Chú ý phần sáng tạo trong mở bài và kết luận.
- Diễn đạt sự việc bằng lời văn của cá nhân cho linh hoạt trong sáng.
    2. Với dạng bài: Kể về người
- Chú ý tránh nhầm sang văn tả người bằng cách kể về công việc, những hành động, sự việc mà người đó đã làm như thế nào. Giới thiệu về hình dáng tính cách thể hiện đan xen trong lời kể việc, tránh sa đà vào miêu tả nhân vật đó.
    3. Với bài: Kể về sự việc đời thường
- Biết hình dung trình tự sự việc cho xác thực, phù hợp với thực tế.
- Sắp xếp sự việc theo thứ tự nhằm nổi bật ý nghĩa câu chuyện
- Lựa chọn ngôi kể cho đúng yêu cầu của bài văn.
    4. Cách kể một câu chuyện tưởng tượng
 * Các dạng tự  sự tưởng tượng ở lớp 6:
- Thay đổi hay thêm phần kết của một câu chuyện dân gian.
- Hình dung gặp gỡ các nhân vật trong truyện cổ dân gian.
- Tưởng tượng gặp gỡ những người thân trong giấc mơ....
             * Cách làm:
 - Xác định được đối tượng cần kể là gì? (sự việc hay con người)
- Xây dựng tình huống xuất hiện sự việc hay nhân vật đó.
- Tưởng tượng các sự  việc, hoạt động của nhân vật có thể xảy ra trong không gian cụ thể như thế nào?
 
IV. MỘT SỐ ĐỀ VÀ GỢI Ý
    Đề 1. Trong vai Âu Cơ (hoặc Lạc Long Quân), hãy kể lại câu chuyện Con Rồng cháu Tiên.
*Yêu cầu
- Dạng bài: Kể chuyện tưởng tượng (dựa theo truyện): đóng vai một nhân vật kể lại.
* Nội dung: Kể lại truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên theo lời nhân vật Âu Cơ (hoặc Lạc Long Quân). Kể đủ, chính xác các sự việc, chi tiết chính của câu chuyện. Có thể tưởng tượng thêm chi tiết để làm nổi rõ ý nghĩa đề cao nguồn gốc cao quý của dân tộc Việt và ý nguyện đoàn kết...
* Hình thức
- Ngôi kể thứ nhất, bộc lộ thái độ, cảm xúc của người kể.
- Xen miêu tả, đối thoại cho lời kể sinh động.
 
    Đề 2. Tưởng tượng và kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong truyền thuyết mà em đã học.
* Yêu cầu
- Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
- Nội dung:
   + Tưởng tượng và kể lại hoàn cảnh gặp gỡ với nhân vật (trong một giấc mơ sau khi được học, được đọc hoặc nghe kể về câu chuyện có nhân vật ấy khi đi tham quan đến một nơi có khung cảnh thiên nhiên gợi nhớ đến câu chuyện và nhân vật...).
   + Kể lại diễn biến: Căn cứ sự việc liên quan đến nhân vật (do nhân vật tạo ra hoặc liên quan đến nhân vật).
- Hình thức:
               + Xây dựng một số lời thoại với nhân vật để từ đó hiểu thêm về nhân vật, hiểu thêm ý nghĩa truyện...
   + Kể đan xen với tả, bộc lộ cảm xúc.
 
    Đề 3. Trong vai Lang Liêu, kể lại chuyện Bánh chưng, bánh dày.
- Kiểu bài: đóng vai nhân vật kể lại truyện.
- Nội dung: Kể lại đầy đủ các sự việc chính của câu chuyện. Thể hiện niềm vui sướng, tự hào khi thấy được giá trị của hạt gạo và thành quả từ bàn tay lao động của mình.
- Hình thức: Dùng ngôi thứ nhất để kể lại. Lời kể cần thể hiện cảm xúc, có hình ảnh.
 
    Đề 4. Trong vai người mẹ, hãy kể lại câu chuyện Thánh Gióng.
- Kiểu bài: kể chuyện tưởng tượng, đóng vai một nhân vật để kể.
- Nội dung: kể đầy đủ các sự việc chính của truyện (Gióng ra đời kỳ lạ, Gióng trở thành tráng sĩ, Gióng giết giặc cứu nước rồi bay về trời).
- Thể hiện được cảm xúc của nhân vật về một số chi tiết trong truyện (vui mừng khi Gióng chào đời; tâm trạng buồn khi giặc Ân chuẩn bị xâm lược trong khi Gióng đã ba tuổi vẫn chưa nói, chưa cười, đặt đâu nằm đấy; ngạc nhiên, xúc động khi Gióng cất tiếng nói đầu tiên là đòi đi giết giặc...).
- Hình thức: kể ở ngôi thứ nhất, thêm đối thoại.
 
    Đề 5. Kể lại một kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu của mình.
- Kiểu bài: kể chuyện đời thường.
- Nội dung:
  + Đó phải là một kỷ niệm để lại trong tâm hồn em những ấn tượng sâu sắc, khó phai mờ (có thể là kỷ niệm với một người thân; kỷ niệm với bạn bè, thầy cô; kỷ niệm về một chuyến đi...).
  + Kể lại diễn biến kỷ niệm ấy một cách hợp lý, các sự việc liên kết chặt chẽ. Câu chuyện để lại trong tâm hồn em một bài học, một cảm xúc sâu lắng...
- Hình thức: Dùng lời kể ngôi thứ nhất.
 
    Đề 6. Kể lại chuyện mình (hoặc một bạn) từng mắc lỗi.
- Kiểu bài: kể chuyện đời thường
- Nội dung: kể về một lần em mắc lỗi (không nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô...; một việc làm thiếu trung thực...) làm cha mẹ (hoặc thầy, cô...) phiền lòng, bản thân em rất ân hận. Các chi tiết trong truyện cần hợp lý, chân thực.
- Hình thức: Kể ở ngôi thứ nhất, lời kể phải thể hiện được thái độ, cảm xúc của bản thân.
 
 
 
    Đề 7. Hãy kể chuyện về gia đình em vào một chiều thứ bảy.
- Kiểu bài: kể chuyện đời thường
- Nội dung: Kể, tái hiện được không khí, quang cảnh ấm cúng, hạnh phúc... trong gia đình em vào chiều thứ bảy (ví dụ: lời hỏi han trìu mến của ông bà, cử chỉ yêu thương của cha mẹ, sự quan tâm lẫn nhau của những thành viên trong gia đình...).
- Hình thức: Kể kết hợp với miêu tả (ánh mắt, nụ cười, cử chỉ âu yếm...), bộc lộ cảm xúc của em về quang cảnh ấy.
 
    Đề 8. Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập.
- Kiểu bài: kể chuyện tưởng tượng, nhân vật là đồ vật.
- Nội dung: Tưởng tượng tình huống nghe được cuộc trò chuyện một cách hợp lý (Ví dụ: do cẩu thả làm mất một đồ dùng học tập phải đi tìm hoặc đêm khuya nghe thấy tiếng những đồ dùng than thở, tâm sự vì bất bình trước tính nghịch ngợm, cẩu thả của cô, cậu chủ...). Kể diễn biến cuộc trò chuyện để toát lên khéo léo ý nghĩa giáo dục đối với học sinh. Khi kể diễn biến cần rõ hai sự việc: lúc đầu các đồ dùng mới được mua về và sau đó các đồ dùng bị đối xử không tốt như thế nào...
- Hình thức: Sử dụng nghệ thuật nhân hóa, viết các đoạn, câu đối thoại một cách sinh động.
 
    Đề 9. Trong buổi lễ đăng quang, Lang Liêu đã kể cho mọi người nghe về sự ra đời của hai loại bánh chưng, bánh giầy. Hãy ghi lại lời kể ấy.
- Kiểu bài: đóng vai một nhân vật kể lại chuyện.
- Nội dung: kể lại đầy đủ các sự việc, chi tiết chính của truyện: Vua cha chọn người nối ngôi, được thần báo mộng, làm bánh, được nối ngôi, tục làm bánh ngày Tết. Các sự việc, chi tiết cần làm rõ ý nghĩa đề cao lao động sáng tạo, nghề nông trồng lúa.
- Hình thức: Dùng ngôi kể thứ nhất. Thứ tự kể ngược bắt đầu từ sự việc cuối. Lời kể có cảm xúc, gợi không khí thời xưa, dùng từ phù hợp.
    Đề 10. Tưởng tượng cuộc thi của các loài hoa và trong vai một loài hoa, em hẫy kể lại cuộc thi đó.
- Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
- Nội dung: Giới thiệu cuộc thi (tình huống mở cuộc thi hợp lý). Diễn biến cuộc thi kể lần lượt các sự việc, mỗi sự việc kể về phần thi của một nhân vật. Qua cuộc thi cần thể hiện rõ ý nghĩa: quan niệm về vẻ đẹp toàn diện.
- Hình thức: Sử dụng ngôi kể thứ nhất - nghệ thuật nhân hóa, đan xen tả vẻ đẹp riêng các loài hoa. Lời kể giàu hình ảnh và cảm xúc.
 
    Đề 11. Kể lại tâm sự của cây bàng (hoặc cây phượng) non bị lũ trẻ bẻ cành lá.
- Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
- Nội dung: Ghi lại những lời tâm sự của một cây bàng non (hoặc cây phượng) trong một tình huống cụ thể: bị lũ trẻ bẻ gãy cành rụng lá. Nội dung lời kể cần chú ý tưởng tượng những chi tiết có ý nghĩa, biểu hiện tâm trạng đau đớn, xót xa... Qua câu chuyện, người đọc rút ra được bài học nào đó về ý thức bảo vệ môi trường.
- Hình thức: Có thể dùng ngôi kể thứ nhất - nhân vật trung tâm là cây bàng non để kể. Nghệ thuật nhân hóa được sử dụng sáng tạo, hợp lý.
 
    Đề 12. Tưởng tượng và kể lại câu chuyện mười năm sau khi về thăm trường cũ.
- Dạng kể chuyện tưởng tượng về tương lai.
- Nội dung: Tưởng tượng chuyến về thăm ngôi trường em đang học hiện tại vào 10 năm sau, thể hiện được tình cảm gắn bó với mái trường, thầy cô, bạn bè. Nội dung kể cần có những sự việc, chi tiết hợp lý, cảm động, bất ngờ: gặp lại thầy, cô giáo cũ, gặp lại bạn bè cùng lớp, quang cảnh trường với những đổi thay...
- Hình thức: Dùng ngôi kể thứ nhất.
 
    Đề 13. Tưởng tượng và kể lại chuyện cổ tích Sọ Dừa theo một kết thúc mới.
- Kiểu bài: Kể chuyện tưởng tượng.
- Nội dung:
+ Nên kể theo mạch phát triển của truyện cổ dân gian. Tuy khi kể có sự sáng tạo nhưng nội dung vẫn phải bảo đảm trung thành với những ý chính của nguyên bản.
+ Thêm bớt một số chi tiết cho phù hợp với nội dung chuyện kể.
+ Bài làm phải đảm bảo màu sắc và không khí của truyện dân gian.
+ Phần kết truyện không theo nguyên bản, ở đây đưa ra một kết cục mới, kết cục này có liên kết và bám theo mạch truyện.
- Hình thức: Vừa kể vừa có thể nêu cảm nghĩ của bản thân về câu chuyện.
 
    Đề 14. Em đã được học rất nhiều cô giáo và có những kỷ niệm sâu sắc, hãy kể lại một trong những kỷ niệm đó.
- Kiểu bài: kể chuyện về một nhân vật
- Nội dung:
+ Giới thiệu cô giáo từng dạy, có ấn tượng và nhiều kỷ niệm. Chú ý là cô giáo Tiểu học (vì người kể đang học lớp 6).
+ Trong số rất nhiều kỷ niệm, nên chọn kỷ niệm đáng nhớ nhất (Đó là kỷ niệm gì? Xảy ra khi nào? Xảy ra như thế nào? Vì sao lại xảy ra việc đó? Kết thúc ấy như thế nào?
+ Em suy nghĩ gì về kỷ niệm đó (việc làm đối với cô và thấy được những gì cô đã làm cho mình).
- Hình thức: Kể theo ngôi thứ nhất, kể xen bộc lộ tình cảm.
 
    Đề 15. Em hãy kể về một chuyến về thăm quê nội hoặc quê ngoại.
- Kiểu bài: văn kể chuyện (kết hợp miêu tả).
- Nội dung:
+ Trình bày thời gian, không gian: quê ở đâu, đường về thế nào, về thăm khi nào?
+ Miêu tả những nét cơ bản nhất về phong cảnh làng quê (cây đa, bến nước...).
+ Những kỉ niệm thân thuộc từ thuở nhỏ, những ấn tượng sâu sắc.
+ Xúc cảm khi về quê cũng như khi chia tay.
+ Tình cảm sâu nặng đối với quê hương.
- Hình thức: Kể theo ngôi thứ nhất, kể xen bộc lộ cảm xúc.
 
Đề 16. Nhân dịp cùng bố mẹ đi thăm quan em đã được làm quen với một người bạn mới. Dù cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi nhưng tình bạn ấy vẫn là một kỷ niệm khó phai. Em hãy kể lại.
* Yêu cầu: Kể lại cuộc gặp gỡ ngắn ngủi (trong chuyến du lịch) với một người bạn nhưng đã để lại trong em kỷ niệm khó phai.
* Nội dung:
- Câu chuyện được kể phải sắp xếp theo một trình tự hợp lý tự nhiên. Việc làm quen diễn ra thật ấn tượng, vừa bất ngờ vừa lô gích, phù hợp với hoàn cảnh, mạch truyện, tránh gượng ép.
- Câu chuyện kể đòi hỏi sự sáng tạo, có kịch tính, hấp dẫn lôi cuốn có độ lắng, có dư âm của tình bạn đẹp, hồn nhiên, trong sáng, nhân ái.
- Miêu tả sơ qua về hình dáng, chú trọng về hoàn cảnh, tính tình... của bạn. Điều quan trọng vừa là phải thể hiện được tình cảm của mình đối với bạn và tình cảm của hai người với nhau.
- Nêu bật được ý nghĩa nhân văn trong câu chuyện kể.
*Hình thức:
Kể theo ngôi thứ nhất.
 
    Đề 17. Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em.
* Yêu cầu: Nêu được tình cảm với thầy (cô) giáo mà người viết yêu kính nhất.
* Nội dung
- Giới thiệu người thầy (cô) giáo dạy mình.
- Miêu tả dáng qua dáng vóc, ăn mặc... đặc biệt là những chi tiết liên quan đến tính cách, phẩm chất... của thầy (cô) giáo.
- Dẫn dắt chuyện hợp lý, lô gích, phù hợp với tính cách nhân vật, cần có chi tiết bất ngờ, thú vị có sức lôi cuốn người đọc.
- Thầy (cô) giáo có ý nghĩa với tuổi thơ của người viết như thế nào?
            * Hình thức: Kể theo ngôi thứ nhất. Giọng kể thể hiện cảm xúc trân trọng, gần gũi, thân thương đối với thầy (cô) giáo.
 
 
 

B. PHẦN VĂN HỌC
 
Truyền thuyết đã học : Con Rồng, cháu Tiên ; Bánh chưng bánh giầy ; Thánh Gióng ; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh ; Sự tích hồ Gươm.
 Truyện cổ tích  đã học: Sọ Dừa, Thạch Sanh, Em bé thông minh ; Cây bút thần ; Ông lão đánh cá và con cá vàng.
 Truyện ngụ ngôn đã học: ếch ngồi đáy giếng, Thầy bói xem voi ; Đeo nhạc cho mèo; Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.
 Truyện cười  đã học: Treo biển ; Lợn cưới áo mới.
1. Truyền thuyết :
              - Là truyện kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến  lịch sử trong quá khứ.
  - Thường có nhiều chi tiết tưởng tượng, kì ảo.
 - Người kể, người nghe tin là có thật.
             - Thể hiện thái độ, cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử.
2. Truyện cổ tích :
              - Kể về một số cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật quen thuộc.
             + Nhân vật bất hạnh: người mồ côi, người con riêng, người em út, người có hình dạng xấu xí...
            + Nhân vật dũng sĩ và nhân vật có tài năng kì lạ
            + Nhân vật thông minh và nhân vật ngốc nghếch
            + Nhân vật là động vật (con vật biết nói năng, hoạt động, tính cách như con người
              - Có nhiều chi tiết tưởng tượng kì ảo.
              - Người kể, người nghe không tin câu chuyện là có thật.
              - Thể hiện niềm tin, ước mơ của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của lẽ phải, cái thiện.
3. Truyện ngụ ngôn:
- Là truyện kể mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người, để nói bóng gió chuyện con người.
- Có ý nghĩa ẩn dụ, ngụ ý.
- Nêu bài học để khuyên nhủ, răn dạy người ta trong cuộc sống.
4. Truyện cười:
         - Kể về những hành động đáng cười trong cuộc sống để những hình tượng này phơi bày ra và người đọc phát hiện thấy.
         - Có yếu tố gây cười.
        - Nhằm gây cười, mua vui hoặc phê phán, châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội, từ đó hướng người ta tới cái tốt đẹp.
* Ý nghĩa truyện Con Rồng cháu Tiên – chi tiết Bọc trăm trứng:
        - Giai thích, suy tôn nguồn gốc cao quý của con rồng cháu tiên
        - Thể hiện sự đoàn kết, bình đẳng của người Việt (tất cả đều là anh em một nhà)
       - Thể hiện mơ ước về sức mạnh từ thuở sơ khai của dân tộc
*  Ý nghĩa truyện Thánh Giong – Chi tiết Tiếng nói đầu  tiên của Gióng:
      - Ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước
     - Lòng yêu nước luôn tiềm tàng trong con người VN ngay từ khi còn thơ bé.
     - Quan niệm và ước mơ của nhân dân ta ngay từ buổi đầu lịch sử về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.
 
 * Ý nghĩa truyện Sơn Tinh Thủy Tinh
    - Giai thích hiện tượng lũ lụt
    - sức mạnh, ước mong của người Việt Cổ muốn chế ngự thiên tai
   - Suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các Vua Hùng trong buổi đầu lịch sử.
* Ý nghĩa truyện Sọ Dừa
      - Ước mơ đổi đời của nhân dân
       - Ước mơ những người có số phận hẩm hiu, có hình dạng xấu xí sẽ được hưởng hạnh phúc
      - Đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với người bất hạnh
*  Ý nghĩa Tiếng đàn TS:   
      - Khi giải câm cho công chúa: tiếng đàn tình yêu
     - Khi giải oan cho mình: tiếng đàn đòi công lý
                 - Khi giải phóng đất nước: tiếng đàn hoà bình
               àVậy cây đàn mà TS có còn gía trị hơn mọi thứ vàng bạc, châu báu
* Niêu cơm TS:        
     - Ước mơ no đủ của nhân dân
    - Niêu cơm cho quân giặc ăn là biểu hiện lòng nhân ái, hữu nghị, hoà bình.
    - Niêu cơm làm ấm lòng người.
* Ý nghĩa truyện Thạch Sanh
  - ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội
   - Lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta.
* Ý nghĩa truyện Sự tích Hồ Gươm
    - Ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo
    - Giai thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm
    - Khát vọng hòa bình của dân tộc.
* Ý nghĩa truyện ngụ ngôn Êch ngồi đáy giếng
    - Phê phán những kẻ hiểu biết cạn hẹp mà lại huênh hoang.
    - Khuyên nhủ người ta phải cố gắng mở rộng tầm hiểu biết của mình, không được chủ quan, kiêu ngạo.
* Ý nghĩa truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi
    - Từ câu chuyện chế giễu cách xem và phán về voi của năm ông thầy bói truyện Thầy bói xem voi khuyên người ta: muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét chúng một cách tòan diện.
* Ý nghĩa truyện cười Treo biển
    - Mượn câu chuyện nhà hàng bán cá nghe ai góp ý về cái biển cũng làm theo, truyện tạo nên tiếng cười vui vẻ, có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe những ý kiến khác.
* Ý nghĩa truyện cười Lợn cưới áo mới
   - Chế giễu, phê phán những người có tính hay khoe của, một tính xấu khá phổ biến trong xã hội
           HS tự làm thêm các truyện trung đại (con hổ có nghĩa, Mẹ hiền dạy con, Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng)
           Giai thích vì sao truyện Sơn Tinh Thủy Tinh (Thánh GIÓNG , Con Rồng Cháu Tiên) lại được gọi là truyền thuyết? Truyện Thạch Sanh (Sọ Dừa, Em bé thông minh) lại là truyện cổ tích?
 TRƯỜNG thcs NGUYỄN HUY TƯỞNG

File đính kèm:

  • docxVAN TU SU.docx